SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Viện Tim mạch Việt Nam kỷ niệm 30 năm thành lập

17:23, 08/11/2019
(SHTT) - Sáng ngày 8/11/2019, tại Hà Nội, Viện Tim mạch Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Viện Tim mạch Việt Nam và đón Huân chương Lao động Hạng Ba.

Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai được thành lập (11/11/1989) theo quyết định số 704/BYT/QĐ của Bộ trưởng Bộ Y tế. Viện đã tròn 30 tuổi. Trải qua những giai đoạn khó khăn cũng như khởi sắc của đất nước, với những cung bậc khác nhau, Viện Tim Mạch Việt Nam luôn rất tự hào với những thành tựu đã đạt được.

Thực tế, Bệnh Viện Bạch Mai đã được thành lập từ năm 1911 (đã hơn 108 năm), là một bệnh viện đa khoa với thế mạnh là nội khoa nói chung. Thời kỳ đó chưa có chuyên ngành tim mạch riêng rẽ.

Từ năm 1959, “Tổ Tim mạch” đầu tiên mà tổ trưởng là GS. Đặng Văn Chung cùng với một số bác sỹ ban đầu như Đỗ Đình Địch, Bùi Thế Kỳ, Trần Đỗ Trinh, Phạm Khuê, Phạm Gia Khải, Đinh Văn Tài... được coi là tiền thân của ngành Tim mạch Việt Nam.

Tiếp đến năm 1972, đã thành lập Khoa Tim Mạch đầu tiên của Bệnh viện Bạch mai. Đây là những thời kỳ khó khăn nhất của đất nước với 2 cuộc chiến tranh và điều kiện kinh tế còn rất nghèo khó. Mặc dù vậy, các thầy thuốc chuyên ngành tim mạch đã vô cùng cố gắng, vượt qua khó khan, không chỉ đảm bảo tốt nhiệm vụ chăm sóc người bệnh tim mạch, sẵn sàng chi viện cho chiến trường mà đã cố gắng đi đầu chiếm lĩnh các mũi nhọn. Những thăm dò chủ yếu trong giai đoạn này mới chỉ có Điện Tâm đồ, Tâm thanh cơ động đồ, nghiệm pháp gắng sức với xe đạp lực kế, thông tim ống nhỏ...

Nhưng chính trong giai đoạn sơ khai này, những buổi phân tích chi tiết kết quả về điện tâm đồ của GS. Trinh, về Tâm thanh cơ động đồ của GS. Khải và Thông tim thăm dò huyết động của GS. Tài đã thực sự khơi dậy niềm đam mê, ham học hỏi của các thầy thuốc trẻ trong lĩnh vực Nội khoa nói chung và trong chuyên ngành Tim mạch nói riêng.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, điều kiện hội nhập quốc tế được mở rộng, các giáo sư, thầy thuốc tiên phong của khoa Tim mạch đã nắm bắt cơ hội để thúc đẩy phát triển. Tuy vậy, giai đoạn này vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Ngày 11/11/1989 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về “chất” khi Viện Tim Mạch Việt Nam chính thức ra đời. Kể từ đó, Viện đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành Viện chuyên ngành Tim mạch hàng đầu trong cả nước và ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bước đột phá đầu tiên để nâng tâm của các thăm dò chuyên ngành Tim mạch có lẽ chính là sự tiếp cận của phương pháp siêu âm tim từ những năm 1975, với những nhà tiên phong là GS. Phạm Gia Khải, GS. Nguyễn Lân Việt, GS. Đỗ Doãn Lợi,...

A1

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động Hạng Ba cho đại diện lãnh đạo Viện Tim mạch Việt Nam. 

Hiện nay, Viện Tim mạch Việt Nam triển khai hàng loạt các kỹ thuật siêu âm tim khác như Siêu âm cản âm, Siêu âm Dobutamin, Siêu âm - Doppler mô, Siêu âm 3D, siêu âm tim qua thực quản, siêu âm tim thai, Siêu âm trong lòng mạch (IVUS)...

Có thể tự hào mà nói rằng chính các bác sỹ của Viện Tim mạch đã có công lớn trong việc đào tạo và triển khai kỹ thuật tiên tiến này cho hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, góp phần quan trọng trong việc áp dụng một phương pháp thăm dò không chảy máu rất hữu hiệu để chẩn đoán chính xác nhiều bệnh lý tim mạch khác nhau.

Một lĩnh vực làm nên tên tuổi và trở thành mũi nhọn của Viện, đó là chuyên ngành Tim Mạch Can Thiệp. Khởi nguồn khá sớm từ phương pháp thông tim thăm dò huyết động với hình ảnh của cố PGS. Đinh Văn Tài, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Tim mạch là một trong những người đầu tiên rất tâm huyết để triển khai kỹ thuật thăm dò thông tim huyết động ở nước ta từ những năm 1970.

Nhưng thực sự một bước ngoặt quan trọng trong sự tiến bộ của Viện Tim mạch và cũng là của ngành Tim mạch nước nhà là khi các bác sĩ của Viện Tim mạch là nơi đầu tiên trong cả nước (từ năm 1995) đã tiếp thu và triển khai nhanh chóng được kỹ thuật chụp động mạch vành qua da, nong và đặt Stent động mạch vành mà những người tiếp cận đầu tiên là các bác sỹ Trần Văn Dương, Nguyễn Quang Thư, Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Lân Hiếu, Nguyễn Quốc Thái,... .

Với sự triển khai của các phương pháp Tim mạch can thiệp này, không những hàng vạn bệnh nhân bị động mạch vành đã được cứu sống mà nhiều kỹ thuật tiên tiến khác cũng đã được thực hiện rất ngoạn mục.

Đặc biệt chính các bác sỹ của Viện Tim mạch, vào năm 2001, là những người đầu tiên trong cả nước đã triển khai việc can thiệp qua đường ống thông để điều trị rất nhiều bệnh tim bẩm sinh như còn ống động mạch, thông liên nhĩ, thông liên thất, hẹp van động mạch phổi... Bệnh nhân tim bẩm sinh đã có cơ hội không phải chịu đựng một cuộc phẫu thuật. Nhiều bác sỹ của Viện còn được mời sang giảng dạy và chuyển giao những kỹ thuật điều trị tiên tiến này cho các nước trong khu vực và kế cả các nước phát triển.

Gần đây nhất, nhiều kỹ thuật rất tiên tiến như đặt Stent Graft để điều trị các bệnh lý động mạch chủ, Thay van động mạch chủ qua đường ống thông (TAVI), Sửa van hai lá bị hở nhiều bằng Clip (MitraClip)... cũng đã được triển khai đầu tiên tại Viện Tim mạch với kết quả rất ngoạn mục.

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Đã có sự thay đổi đáng kể cả về “lượng” và “chất” tại Viện Tim Mạch Việt Nam: Từ chỗ, VTMVN chỉ có 55 giường bệnh, với khoảng 50 cán bộ, cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu... đến nay VTMVN có 475 giường bệnh và nhiều đơn vị chuyên sâu như cấp cứu hồi sức tim mạch, các thăm dò hình ảnh, điện tim và đặc biệt là đơn vị Tim mạch Can thiệp với 6 phòng máy, một đơn vị phẫu thuật với 4 phòng mổ hiện đại. Đội ngũ nhân lực đã gần 400, trong đó có rất nhiều các giáo sư, PGS, TS, THS... với trình độ chuyên môn hàng đầu, đẳng cấp ngang tầm quốc tế, phẩm chất đạo đức tốt.

A2

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc của Viện Tim mạch Việt Nam 

Từ chỗ VTMVN chủ yếu là nơi thực hành lâm sàng với các thăm dò thô sơ thì nay đã trở thành trung tâm hàng đầu trong cả nước và khu vực trong lĩnh vực chuyên môn chuyên ngành tim mạch. Là tuyến cuối của chuyên ngành, hàng năm, VTMVN đã điều trị nội trú cho trên 20 000 lượt người bệnh tim mạch phức tạp, thăm khám cho hàng trăm nghìn lượt người bệnh, phẫu thuật cho hàng nghìn trường hợp. Đặc biệt, mỗi năm VTMVN có tới hơn 12.000 bệnh nhân được can thiệp tim mạch, và đã trở thành trung tâm lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực này.

Bên cạnh thực hành y học trong bệnh viện, VTMVN cũng có định hướng mạnh mẽ về cộng đồng. Với xu thế của y học là chuyển dịch mạnh trong công tác phòng ngừa chủ động bệnh từ cộng đồng, nhất là các bệnh tim mạch, Viện là trung tâm đóng vai trò hạt nhân cho các chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm, bệnh tăng huyết áp trong cộng đồng của Chính phủ và Bộ Y Tế.

VTMVN cũng đóng vai trò nòng cốt trong hoạt động của Hội Tim Mạch Học Việt Nam, một tổ chức phi lợi nhuận của các nhà chuyên môn Tim mạch trong sự nghiệp phòng chống lại bệnh Tim mạch ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, VTMVN cũng có mối quan hệ sâu rộng với nhiều tổ chức quốc tế cũng như các nước trên thế giới trong lĩnh vực tim mạch và điều đó thể hiện sự hội nhập mạnh mẽ của Viện trong thời đại ngày nay. Đời sống vật chất (thu nhập) và tinh thần của cán bộ công chức cũng đã ngày càng được cải thiện. Môi trường làm việc thân thiện, cán bộ nhân viên trong Viện đều cảm thấy hài lòng và có nhiều động lực để cống hiến.

Thanh Mai

Tin khác

Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Chiều 25/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".
Tin tức 13 giờ trước
VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung – Tây Nguyên (Văn phòng 3) vẫn đang phát triển đổi mới sáng tạo thông qua việc thúc đẩy xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các giải pháp kỹ thuật và công nghệ mới, đồng thời là “cầu nối” cho nhà khoa học với doanh nghiệp.
Tin tức 16 giờ trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, chú trọng "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh".
Tin tức 18 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc công ty mẹ của TikTok, ByteDance phải bán nền tảng truyền thông xã hội này hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm. Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ ký vào dự luật này.
Tin tức 20 giờ trước
(SHTT) - Chiều 24/4, tại Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chính thức ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII).