SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 28/03/2024
  • Click để copy

Vi phạm bản quyền tranh trực tuyến: Hình thức ngày càng tinh vi

08:31, 31/12/2020
(SHTT) - Trong xu thế tất yếu của thời đại số, khoảng cách giữa nghệ thuật và công chúng được thu lại gần nhau bởi công nghệ. Và một trong số đó chính là thị trường tranh trực tuyến. Tuy nhiên vấn đề bản quyền lại đang là vấn đề gây nhức nhối.

 Mặc dù thời gian qua nhiều vụ đạo tranh, vi phạm bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ diễn ra trong đời sống mỹ thuật nước ta, tuy nhiên vấn nạn này chưa có hồi kết. Vi phạm bản quyền tranh vẫn diễn ra như điều tất yếu bởi sự vô lối, tùy tiện của một số cá nhân cũng như các tác giả chưa thật sự quyết liệt với người vi phạm. Đặc biệt, trong thị trường tranh trực tuyến, vấn đề này càng gây ra nhiều tranh cãi.

Trước khi mô hình sàn giao dịch tranh trực tuyến du nhập vào Việt Nam, các họa sĩ thường phải gửi tranh bán qua các phòng tranh (gallery), hoặc qua người quen giới thiệu và khách đã mua hàng. Các họa sĩ cũng có thể đăng tải bức tranh mình sáng tác lên trang cá nhân, website cá nhân và tự quảng cáo đến công chúng qua Internet.

Khi bắt đầu có các sàn giao dịch tranh trực tuyến, họa sĩ có thể chỉ cần chụp lại rồi đăng tải trên sàn và điền các thông tin về bức tranh kèm giá bán. Đây là một kênh cho các họa sĩ công bố tác phẩm của mình và thông qua đó, họ có thể tiếp cận đến nhiều nhóm người mua tiềm năng hơn.

Đáng nói, trên các sàn giao dịch này còn có chính sách về bản quyền tác giả và cơ chế để người dùng báo cáo các tác phẩm có dấu hiệu vi phạm bản quyền.

vi pham ban quyen

Vi phạm bản quyền tranh trực tuyến: Hình thức ngày càng tinh vi 

Dù vậy, sau nhiều năm hoạt động, thị trường tranh trực tuyến được kỳ vọng mang đến nhiều lợi ích cho giới mỹ thuật Việt Nam nay đã bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều nhà sưu tập tranh ở Hà Nội có chung đánh giá rằng, những nhóm tranh bán online thường là giá trị thấp, tranh của họa sĩ mới hoặc là để trang trí là chính, không phải là tranh để sưu tập. Còn nhiều họa sĩ sáng tạo những bức tranh có giá trị lớn thường có xu hướng không đưa lên Internet bởi lo ngại sẽ bị sao chép ngay lập tức.

Lo ngại này là hoàn toàn có lý khi tình trạng chép tranh lậu bày bán tại các cửa hàng vốn chưa giải quyết được thì nay lại nảy sinh nạn chép tranh bán trực tuyến. Bên cạnh những tài khoản chính chủ, sàn mua tranh uy tín thì cũng xuất hiện một loạt các tài khoản giả mạo, sàn giao dịch giả để bán tranh cho khách.

Còn có hiện tượng nhiều bức tranh được họa sĩ chụp lại, đăng tải trên trang cá nhân nhưng bị các chợ tranh trực tuyến “ăn cắp” qua trang web của mình để rao bán hoặc để in lên các sản phẩm thương mại khác.

Chia sẻ về vấn đề này, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho biết tình hình tranh giả, tranh chép, tranh nhái theo một phong cách nào đó diễn ra rất phức tạp, khiến các họa sĩ tuyệt vọng về vấn đề bản quyền, không có cách gì bảo vệ được mình. Trong khi đó, các họa sĩ thường cũng không làm đăng ký bản quyền cho sáng tác của mình nên rất khó khởi kiện bên vi phạm. Phần lớn là sau khi phát hiện ra vi phạm, các họa sĩ đều phải tự mình giải quyết theo kiểu gặp gỡ bên vi phạm, yêu cầu họ dỡ bỏ, không được sử dụng hình ảnh của mình nữa.

Luật sư bản quyền Trần Thị Tám chia sẻ, khi các họa sĩ, chủ sở hữu tác phẩm phát hiện tác phẩm của mình bị giả, bị vi phạm bản quyền các tác giả hãy “kêu lên”, tuy nhiên “kêu” với ai và có căn cứ gì để “kêu” là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng tác phẩm mỹ thuật giả mạo mới được xử lý ở việc truyền thông đưa tin mà chưa được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, do vậy mà các vụ lùm xùm xoay quanh chuyện giả mạo tác giả, rồi tác phẩm mỹ thuật sao chép… chưa đi đến cùng.

Bản chất của quan hệ quyền sở hữu trí tuệ là quan hệ tài sản - quan hệ dân sự. Cơ quan nhà nước chỉ can thiệp khi có yêu cầu từ những người bị xâm phạm hoặc những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Các tác giả không yêu cầu (chỉ đưa tin trên các phương tiện truyền thông), thì các cơ quan nhà nước không giải quyết là phù hợp quy định của pháp luật.

Cũng theo luật sư bản quyền Trần Thị Tám, nguyên nhân vi phạm bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật đến từ nhiều phía khác nhau, từ tâm lý của người sáng tạo, nhu cầu của thị trường cho đến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên thực tế. Dưới góc độ quản lý nhà nước, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chưa hiệu quả. Điều này xuất phát từ việc nhận thức chủ sở hữu tác phẩm mỹ thuật hoặc bản thân các họa sĩ về sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Bản chất của quan hệ sở hữu trí tuệ là quan hệ dân sự, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ tiến hành xử lý một hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi có yêu cầu và yêu cầu đó phải được gửi trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền.

Các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam trong lĩnh vực mỹ thuật ít được đưa ra cơ quan có thẩm quyền giải quyết mà mới chỉ dừng lại ở các biện pháp truyền thông. Các biện pháp truyền thông sẽ có hiệu quả nhất định ở một góc độ nào đó, tuy nhiên đây chỉ là biện pháp bổ trợ mà không phải là biện pháp mang lại kết quả triệt để.

Hà Vi

Tin khác

Giải trí 6 giờ trước
(SHTT) - Nam rapper 20 tuổi, Trefuego, mới đây đã bị tòa án tuyên mức phạt hơn 800.000 đô la cho hành vi vi phạm bản quyền khi sử dụng phần giai điệu chưa được cấp phép từ Sony Music.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Trong kinh doanh ngày nay, việc sở hữu trí tuệ (IP) như bằng sáng chế, thương hiệu và bản quyền đang trở nên rất quan trọng và mang lại lợi nhuận không tưởng cho doanh nghiệp.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Công ty ChatGPT của OpenAI đã yêu cầu Quốc hội Anh cho phép họ có thể sử dụng miễn phí các tác phẩm được bảo vệ bản quyền. OpenAI giải thích việc huấn luyện mô hình trí tuệ nhân tạo mà không sử dụng dữ liệu như vậy là "không thể".
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - BioNTech, công ty dược phẩm đến từ Đức, đồng thời là đối tác của tập đoàn dược phẩm Pfizer (Mỹ), đã nhận được thông báo từ Cơ quan Viện trợ Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) về việc 'nợ' các chi phí liên quan tới vấn đề bản quyền sáng chế vắc xin COVID-19 của họ.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Bloomberg đã đệ đơn yêu cầu bác bỏ một vụ kiện từ thống đốc bang Arkansas, Mike Huckabee và các tác giả khác, cáo buộc công ty này đã sử dụng sai mục đích tác phẩm bản quyền của họ để huấn luyện mô hình ngôn ngữ mang tên BloombergGPT.