SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Về Quảng Nam theo chân nhà từ thiện với hai bàn tay trắng

11:09, 12/03/2019
(SHTT) - Trần Phước Ninh - một thi sĩ nghèo nhưng có tấm lòng rộng lớn.

Theo lối nhỏ của con đường bê tông nông thôn dẫn  từ đường ĐT 610 chạy qua huyện Duy Xuyên, dưới cái nắng ấm áp còn sót lại của những ngày xuân, chúng tôi dễ dàng tìm đến nhà anh bởi cái mốc cây Đa chợ Đình thì không người dân nào không biết đến tên anh. Nhân duyên đã hội đủ, chúng tôi có mặt tại ngôi nhà nhỏ chứa chất nhiều tình thương - nhà của một thi sĩ nghèo nhưng có tấm lòng rộng lớn, nhà thơ Trần Phước Ninh.

13

Chân dung nhà thơ – Trần Phước Ninh 

Uống ngụm nước chè thơm từ tay bà cụ - thân mẫu của anh Ninh mời, chúng tôi bắt đầu đón nghe với cả tấm lòng chân thật. Những câu chuyện được phát ra từ giọng nói đầy khó khăn ngọng nghịu của anh. Ít ai có thể tưởng được đây là một nhà thơ, một nhà từ thiện mang cả tấm lòng tràn ngập yêu thương đến với người nghèo, người già neo đơn và cả những em học sinh khó khăn trong, ngoài huyện. Trao đổi đôi ba câu về đời mình nhưng chúng tôi không tài nào nghe rõ được anh nói gì, vì chưa quen với giọng, đành phải nhờ bà cụ - mẹ anh, diễn giải tiếp thì mới hiểu.

Gần 20 phút trôi qua, chúng tôi may mắn được gặp thầy giáo Lê Trung Thiêng - ông hiện là Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Duy Xuyên cũng là người luôn kề cận trong những chương trình do Trần Phước Ninh tổ chức. Ông Thiêng cho biết: Ninh là một người con trai ngoan, hiền, khỏe mạnh, sống tại thôn Xuyên Đông 2 (nay là khối phố Xuyên Đông) thuộc thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đang theo học phổ thông thì Ninh bị bệnh sốt cao, không được cứu chữa kịp thời nên dẫn đến bại liệt toàn thân. Điều trị một thời gian rồi về nhà, anh nằm liệt giường. Bằng nghị lực và ý chí của người thanh niên đang tuổi sung sức, không cam chịu định mệnh, Ninh bắt đầu cố gắng tập luyện, dần dà anh cũng đã tự đứng dậy và đi lại quanh nhà. Nhờ kiên trì tập luyện anh đã tiến bộ lên rất nhiều.

11

Ông Lê Trung Thiêng (trái) cùng nhà thơ – Trần Phước Ninh

Anh muốn tự mình phải kiếm sống và nuôi mẹ già không phải nhờ cậy đến ai, nên đã  quyết định vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng. Bôn ba nơi đất khách, quê người, tảo tần rày đây mai đó bán vé số kiếm sống qua ngày và dành dụm chút ít gửi về nuôi mẹ nơi quê nghèo. Công việc tuy không nặng nhọc, nhưng với một người tật nguyền thì đầy những khó khăn và vất vã. Có những năm vì không có tiền mua vé tàu về quê nên cũng đành nằm lại Sài Gòn trong nỗi cô đơn, nhớ mẹ da diết, khôn cùng của người con xa xứ. Nhờ vào tình thương lớn của thầy Thích Nhuận Tâm – trụ trì chùa Lá, Gò Vấp, TP.HCM, Ninh được tá túc tại đây. Lúc này anh mới bắt đầu viết những bài thơ đầu tiên về đời mình, về mẹ, về quê hương.  Bằng tấm lòng nhân ái, trong sáng, cảm xúc chân thành, thơ anh cũng được nhiều người đọc, cảm nhận và yêu mếm trong sự thán phục. Đọc thơ anh có bóng dáng mẹ hiền, có miền quê yên ả gắn với con sông quê hiền hòa với dòng nước trong xanh mát lịm. Thỉnh thoảng thấy đâu đó một vài câu thơ nói về cuộc tình không chân dung trong thân phận của người tật nguyền, chỉ dám yêu đơn phương. “Tình yêu đến anh không mong chờ, tình yêu qua  anh không còn nhớ” trong bài “Dòng sông lặng lẽ”.

Trong một lần tình cờ, anh được gặp Nghệ sỹ Ngọc Sang - nghệ sỹ ngâm thơ. Vô cùng xúc động trước những bài thơ do Ninh viết, ông đã gắn kết với anh chị em nghệ sỹ để đưa thơ của Ninh đến với mọi người. Thượng đế đã không lấy hết của ai bao giờ. Đúng vậy, thơ của anh đã được xuất bản nhiều tập, nhiều bài thơ được Nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên viết thành nhạc.

8

 Niềm hạnh phúc dâng trào của nhà thơ - Trần Phước Ninh khi những đứa con tinh thần lớn được chào đời.

Những đêm thơ – nhạc tổ chức, có khi tại Chùa Lá, có khi tại quê hương với sự hỗ trợ của nghệ sỹ Ngọc Sang đã giúp cho Ninh vững vàng hơn, yêu đời hơn và có niềm tin viết tiếp ước mơ và cảm xúc của một người con đất Quảng. Mở sang trang mới của cuộc đời, anh lại quay về quê cũ với cái quày tuềnh toàng để bán hương, bán cà phê tại nhà nuôi thân và mẹ già, đồng thời làm một việc đầy ý nghĩa - Từ thiện để giúp các mảnh đời khó khăn.

Bằng số tiền dành dụm từ những tập thơ bán được, anh thấy rằng đời mình tuy còn khó khăn, nhưng đâu đó vẫn còn khá nhiều người đáng thương hơn thế. Anh bắt đầu kêu gọi bạn bè, anh em thân quen qua các chương trình cùng góp tiền và trao tận tay cho những hoàn cảnh cơ hàn, bệnh tật khác. Dần dà sự kết nối của anh càng lớn, các tổ chức từ thiện khác cũng bắt đầu kết hợp với anh để được chia sẻ. Anh trở thành một nhà từ thiện lớn mà với anh, chưa bao giờ dám nghĩ tới. Không dừng lại ở đó, Anh xây dựng lớp học Tiếng Anh miễn phí cho các em học sinh nghèo trong xã; tổ chức kêu gọi quyên góp và hình thành 1 thư viện nhỏ cho học sinh khu vực đến tìm đọc. Gần đây anh lại tổ chức thường xuyên được quán mỳ chay 2.000đ cho bà con nghèo của thôn và các vùng lân cận trong hai ngày: Mùng Một và ngày Rằm âm lịch hằng tháng. Việc làm của anh thì khá nhiều nhưng nhìn lại, chúng tôi và cả mọi người ở đây đều biết mẹ con anh thuộc hộ nghèo, tài sản trong nhà không có gì đáng giá ngoài tấm lòng. Kể đến đây ông Thiêng dừng lại uống ngụm nước và trầm giọng nói tiếp:

“Thật lòng với Ninh, tôi rất khâm phục ý  chí kiên cường vượt qua số phận để vươn lên tự nuôi sống mình và mẹ mà không dựa dẫm vào ai. Hơn thế nữa, với tấm lòng rộng mở, bao dung anh đã làm nhiều việc ý nghĩa đến với người nghèo, bệnh tật, khó khăn và cả những em học sinh vượt khó vươn lên. Một người khỏe mạnh bình thường còn chưa làm được huống hồ với anh, cả việc đi lại, nói năng cũng phải nhờ người khác giúp.Với cương vị một người làm giáo dục, nhân tiện đây tôi thay mặt các em học sinh khó khăn trong huyện đã được Ninh giúp đỡ, chân thành cảm ơn tấm chân tình mà Ninh đã dành cho các em trong thời gian qua để các em có cơ hội viết tiếp những ước mơ cho đời mình. Và xem anh Ninh như là tấm gương sáng cho những mảnh đời khó khăn bất hạnh khác”.

Untitled-1

 PV SHTT theo chân nhà thơ – Trần Phước Ninh trong đợt từ thiện về miền núi Nông Sơn, Quảng Nam

Chia tay ra về trong tiếng cười ngọng nghịu và bước chân khó nhọc đưa tiễn của anh ra tận đến ngõ, chúng tôi không khỏi bùi ngùi và xúc động. Hình ảnh cao quý của một con người với tâm hồn đồng điệu, biết yêu thương sẽ chia và đầy khát vọng được dâng tặng, vươn lên làm đẹp cho đời - thân thể không lành lặn nhưng trái tim luôn chứa đựng yêu thương. Xin khép lại nơi đây bằng những dòng thơ anh đã viết:

Ta về tạ lỗi cùng quê

Hôn vạt cỏ dại bờ đê cuối làng

Tạ ơn sông núi mây ngàn

Cho ta uống giọt thi đàn trăm năm

Đưa tay níu ánh trăng rằm

Phố rêu hoài cổ thăng trầm cùng ta

Quay về với hạt phù sa

Chắt chiu đời mẹ, đời cha tảo tần

 Xin tạm biệt anh - nhà từ thiện lớn với hai bàn tay trắng làm nên điều kì diệu - nhà thơ Trần Phước Ninh. Chúng tôi hứa hẹn nhau cùng kết nối để việc chia sẻ của anh càng nhiều, để tình thương được nhân rộng.

Nhuận Mẫn (TĐC)

Thường trú Miền Trung – Tây Nguyên.

Tin khác

Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 13 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Tin tức 13 giờ trước
Các chuyên gia quốc tế Trường Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 2.
Tin tức 14 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (VCA 2024). Theo đó, giải thưởng năm nay sẽ trở lại với hạng mục mới và nhiều điểm mới trong thể lệ dự thi.