Vẻ đẹp cổ kính của làng Lại Đà - Quê hương của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng
Làng Lại Đà nằm ở trung tâm của xã Đông Hội, phía Nam huyện Đông Anh, Hà Nội - là một làng cổ, đông dân của xã. Thời nhà Lý, làng thuộc phủ Bình Lỗ; thời Trần thuộc Bắc Giang, huyện Đông Ngàn; sang thời Lê, sau năm 1469 thuộc trấn Kinh Bắc, phủ Từ Sơn, huyện Đông Ngàn; thời Nguyễn, từ năm 1831 thuộc tỉnh Bắc Ninh, phủ Từ Sơn, huyện Đông Ngàn, tổng Hội Phụ.
Từ năm 1961 đến nay, Lại Đà thuộc xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Lại Đà nằm trong vùng đất lịch sử nổi tiếng, cách kinh đô Cổ Loa khoảng 3km, hiện cách trung tâm Hà Nội hơn 10 km.
Được mệnh danh là "kinh đô thu nhỏ", Lại Đà lưu giữ nguyên vẹn những nét đẹp truyền thống của làng quê Bắc Bộ với cây đa, giếng nước, sân đình cổ kính. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Lại Đà vẫn gìn giữ được những giá trị văn hóa, kiến trúc độc đáo.
Điểm nhấn của làng là cụm di tích kiến trúc nghệ thuật Lại Đà, bao gồm: Đình thờ Nguyễn Hiền - trạng nguyên đầu tiên dưới triều Trần (1247), miếu thờ thánh Mẫu Tiên Dung và chùa Cảnh Phúc. Du khách đến đây không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc cổ kính mà còn được tìm hiểu về lịch sử, truyền thống của làng và con người nơi đây.
Năm 1989, cụm di tích kiến trúc nghệ thuật Lại Đà được công nhận là Di tích Quốc gia, từ đó người dân thôn Lại Đà càng thấy được trách nhiệm phải giữ gìn, bảo quản và trông nom để bảo tồn di tích cho muôn đời sau.
Cũng từ năm 1989, ngôi đình đã nhiều lần được tu bổ, tôn tạo tốt hơn nhờ vào công sức đóng góp của những người dân trong làng, đó chính là tình cảm và trách nhiệm của người dân Lại Đà với di tích của làng mình.
Lại Đà hôm nay đang đổi thay từng ngày, từ một ngôi làng ven đô ngày nào, giờ đang vươn mình lên phố. Những người dân Lại Đà nói chung và những người cao tuổi của thôn nói riêng luôn mong muốn: hòa cùng với sự phát triển chung của Hà Nội và cả nước, ngôi làng Lại Đà vẫn không bị phai nhạt đi những nét đẹp văn hóa truyền thống quý giá đã được gìn giữ qua bao đời nay, để bất kỳ ai đi xa tìm về vẫn thấy hồn làng ở đó.
Làng Lại Đà có 4 dòng họ lớn có công khai lập làng là: Vương, Lương, Ngô, Nguyễn. Trong đó, Nguyễn Phú là dòng họ lớn nhất của làng, cũng là dòng họ đã sinh ra Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người con xuất sắc của quê hương, đất nước. Mỗi lần trở về quê nhà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường lui tới ngôi nhà thờ dòng họ Nguyễn Phú nằm khép mình trong con ngõ nhỏ thuộc xóm 3, trên khuôn viên rộng hơn 220m2 để thắp hương, tri ân tổ tiên. Nhà thờ được xây dựng 3 gian lợp ngói, theo đúng lối kiến trúc cổ xưa của người dân vùng đồng bằng Bắc bộ.
Theo giới thiệu của ông Nguyễn Phú Việt – Trưởng tộc Nguyễn Phú làng Lại Đà (cháu gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chú), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hậu duệ đời thứ 12 của dòng họ Nguyễn Phú làng Lại Đà, ông là con út trong một gia đình thuần nông có 5 anh em.
Dù nắm giữ các chức vụ cao của Đảng, Nhà nước, công việc bồn bề, nhưng khi sức khỏe còn bảo đảm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn thường dành thời gian về thăm quê, thăm hỏi họ hàng, bà con hàng xóm, nhân dân quê hương vào mỗi dịp lễ tết, giỗ họ.
Mỗi lần về thăm quê, ông vẫn giữ sự giản dị, thân tình, gần gũi, giường như không có khoảng cách giữa ông với anh em họ tộc, bà con lối xóm.
Chiều 20/7, một ngày sau khi có tin buồn, người dân làng Lại Đà không ai bảo ai, tự nguyện dọn dẹp vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự để chuẩn bị đón tiếp thân nhân gia đình Tổng Bí thư cùng các đoàn khách về thăm quê, thắp những nén nhang thơm đưa tiễn người lãnh tụ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giờ đây sẽ trở thành một phần tươi đẹp, kiêu hãnh và sáng ngời trong ký ức của họ, nhất là với những người bạn gắn bó hơn nửa đời người.
PV