Vạn niên tùng: Một sắc xuân mới
Chúng tôi đến thăm anh Nguyễn Đăng Khoa vào những ngày giáp Tết, được anh hướng dẫn tham quan vườn vạn niên tùng ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang).
Sau khi tốt nghiệp kỹ sư điện - Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, anh Khoa ở lại TP.HCM làm việc. Năm 2001, sau 2 năm tốt nghiệp anh quyết định trở về Tiền Giang thành lập Công ty xây lắp điện - xây dựng Khoa Nguyên cho riêng mình. Ngoài ra, anh còn là chủ của doanh nghiệp vận tải ở Tiền Giang (bao gồm xe buýt, vận tải hành khách, trường dạy lái xe),...
“Vua” kiểng vạn niên tùng Tiền Giang
Ngoài là một doanh nhân có tiếng trong lĩnh vực xây dựng - thương mại - điện và dịch vụ vận tải, anh Nguyễn Đăng Khoa còn có niềm đam mê cây kiểng. Anh Khoa có thể được xem là người chơi kiểng có đẳng cấp ở miền Tây Nam Bộ. Nói về thú chơi kiểng của mình, anh Khoa cho biết nhờ các chuyến tham quan hội chợ, các cuộc thi, anh mới biết được nhiều câu chuyện về cây kiểng. Dần dần, anh mê bộ môn này. Theo anh Khoa, chơi cây kiểng giúp cho đầu óc thư giãn sau những giờ phút căng thẳng vì công việc.
Lúc đầu, vườn kiểng của anh chủ yếu là dòng mai chiếu thủy, về sau thêm cây cần thăng, linh sam, vạn niên tùng… Sau khoảng 2 năm, anh và những người chơi kiểng ở Tiền Giang phát hiện thổ nhưỡng tại đây phù hợp với vạn niên tùng. Đặc biệt, đây là một loài cây trong nhóm tứ quý: Tùng – cúc – trúc - mai, không chỉ đem lại nhiều may mắn về mặt phong thủy mà còn có giá trị kinh tế rất lớn. Từ đó, anh quyết định chuyển sang sưu tầm vạn niên tùng.
"Lúc đầu tôi chỉ chơi cây kiểng như một thú vui để giải tỏa căng thẳng, dần dần càng đam mê, mà đam mê nhiều thì sẽ tốn tiền nhiều. Để thỏa mãn niềm đam mê, tôi lồng ghép với việc kinh doanh, qua đó đầu tư vào những cây kiểng đẹp vừa để thưởng ngoạn, vừa để bán hoặc trao đổi lại với anh em trong nghề”, anh Khoa chia sẻ.
Doanh thu bất ngờ từ đam mê
Từ đam mê, anh Khoa mở rộng việc sưu tầm và kinh doanh cây kiểng. Hiện nay, anh Khoa đang sở hữu 2 vườn vạn niên tùng có quy mô lớn bậc nhất Tiền Giang, với tổng diện tích hơn 6ha tại xã Long Trung (huyện Cai Lậy) và thị trấn Mỹ Phước (huyện Tân Phước).
Mặc dù thời gian xây dựng và phát triển chỉ trong khoảng 10 năm nhưng đến nay, anh Khoa đã sở hữu tới hơn hàng nghìn cây tùng với nhiều chủng loại quý hiếm như tùng kim cương, vạn niên tùng, tùng Đài Loan… Đặc biệt, anh có cặp kiểng vạn niên tùng độc nhất vô nhị, có tuổi đời hơn 100 năm, trị giá khoảng 10 tỷ đồng.
Để có những vườn kiểng như hôm nay, gần 10 năm qua, anh đã bỏ nhiều công sức, tiền bạc để sưu tầm, chọn mua từ các nơi; thậm chí, có cây phải nhập từ nước ngoài. Ngược lại, mỗi năm anh thu về hàng trăm tỷ đồng từ việc kinh doanh vạn niên tùng.
“Hiện tại, tôi dành thời gian chăm sóc các vườn kiểng và hướng dẫn nhân công chăm sóc vườn cây. Các cây kiểng thô khi mua về sẽ được chăm sóc, tạo dáng theo ý thích của khách hàng”, anh Khoa nói.
Theo anh Khoa, nghề trồng cây kiểng đòi hỏi người chơi phải có đam mê, kiến thức chuyên môn, không những phải nắm vững kỹ thuật trồng cây, chăm sóc, trị bệnh cho cây mà phải kiên trì, gặp khó không bỏ.
Được biết, hiện nay, cây tùng đang được nhiều người ưa chuộng bởi có sức sống mãnh liệt, thích nghi với hầu hết khí hậu ở các vùng miền. Thời gian trước, loại cây này được thị trường phía Bắc ưa chuộng nhất nhưng khoảng 2-3 năm trở lại đây, thị trường gần như đã cân bằng, người sưu tầm cây vạn niên tùng có mặt khắp nơi từ Nam đến Bắc.
“Hiện tại nghề trồng kiểng vạn niên tùng lớn nhất trong nước chỉ có ở Cai Lậy và Bình Định. Người chơi tùng ngày càng nhiều, sức cung trong nước không đủ nên phải nhập từ nước ngoài. Do đó, nhiều anh em trong nghề đang cố gắng tạo dáng cây liên tục 5-10 năm nữa để đưa làng nghề vạn niên tùng Cai Lậy là nơi cung cấp đứng đầu thị trường tại Việt Nam và dần thay thế cây nhập khẩu”, anh Khoa chia sẻ.
Hiện các vườn kiểng của anh Khoa đang được tiếp tục đầu tư mở rộng, cung cấp cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Ngoài mục đích chăm sóc để bán, anh Khoa còn xây dựng nhiều tiểu cảnh mang hình dáng núi non, loạt nhà sàn bằng gỗ mộc mạc giản dị xung quanh để tạo điểm ghé thăm cho khách hàng.
Chia sẻ về những dự định lâu dài của mình, anh Khoa tâm tư: “Vườn tùng ở Cai Lậy tôi làm nơi trồng, chăm sóc và tạo dáng phục vụ cho nhu cầu của những người muốn mua cây kiểng. Còn vườn ở Mỹ Phước, tôi dùng làm nơi tham quan cho những người đam mê cây kiểng. Tôi đến với công việc này là yêu thích, vì thế tôi vẫn muốn có một nơi để lưu giữ nguyên vẹn đam mê của mình. Mình phải thấy vui, thoải mái thì mình mới không ngừng cống hiến”.
Thanh Thảo