SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 17/04/2024
  • Click để copy

Vấn nạn vi phạm bản quyền truyền hình: Những thủ đoạn ngày càng tinh vi

15:42, 04/03/2021
(SHTT) - Vi phạm bản quyền truyền hình ngày càng diễn biến phức tạp cùng với sự phát triển của Internet, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Thậm chí các đối tượng còn sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi khó phát hiện.

Nói về vấn đề vi phạm bản quyền truyền hình, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lưu Đình Phúc từng chia sẻ, với sự phổ biến của Internet và công nghệ phát triển, ngày càng có nhiều người sử dụng các nội dung trực tuyến. Dù là từ điện thoại di động, máy tính bảng hay ti vi thông minh, mức tiêu thụ kỹ thuật số ngày càng tăng và trở thành lựa chọn mặc định để người dùng truy cập phim, ti vi, nhạc, sách, phần mềm, trò chơi.

“Tuy nhiên, với sự gia tăng này, người xem có thể lựa chọn từ nhiều nền tảng phát trực tuyến các nội dung vi phạm bản quyền bất hợp pháp. Ngoài ra, việc sở hữu và sử dụng nhiều thiết bị di động cùng với băng rộng tốc độ cao và khả năng lưu trữ chi phí thấp đã giúp thúc đẩy xu hướng vi phạm bản quyền kỹ thuật số”, ông Phúc nhận định.

vi pham ban quyen1

 Vấn nạn vi phạm bản quyền truyền hình: Những thủ đoạn ngày càng tinh vi

Theo thống kê mới nhất, chỉ trong 7 ngày Tết, chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân 2021 của Đài Truyền hình Việt Nam đã có 2.011 trường hợp vi phạm bản quyền. Phim Vua bánh mì của Đài Truyền hình Vĩnh Long mỗi tuần có tới 1.000 link phát lậu trên mạng Internet. Đây chỉ là 2 ví dụ trong số hàng trăm, hàng nghìn bộ phim, chương trình giải trí bị ăn cắp bản quyền để phát tán trên không gian mạng một cách bất hợp pháp.

Ông Nguyễn Thanh Vân - Phó Trưởng Ban Kiểm tra, Đài Truyền hình Việt Nam - cho biết: "Trước đây, rất nhiều phim của Đài Truyền hình Việt Nam bị vi phạm. Ví dụ như Người phán xử, Chạy án hay gần đây có phim Hướng dương ngược nắng, Trở về giữa yêu thương. Chương trình Táo quân hàng năm và đặc biệt năm 2021 có rất nhiều đối tượng vi phạm nhằm vào vì khả năng câu like câu view của các chương trình này, thu hút được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng".

Vì tiện, vì miễn phí nên nhiều người đã chọn xem phim trên các trang web lậu, bất chấp những phiền toái sẽ gặp phải khi xem trên nền tảng không chính thống. Thậm chí, một số bộ phim hay trong nước còn bị các đối tượng đưa lên các diễn đàn để người Việt tại nước ngoài xem, bằng cách đặt máy chủ đặt tại nước ngoài, dùng tên miền nước ngoài khiến các đơn vị sở hữu bản quyền tại Việt Nam khó phát hiện ra được.

Ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Đo kiểm phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho hay: "Ngoài cái việc họ thu phí, kinh doanh bất hợp pháp thì họ câu view, câu like để lấy lượng view nhất định, từ đấy họ bán quảng cáo, thu tiền chứ họ không thu tiền trực tiếp từ người xem. Dù bất cứ hình thức nào đều là vi phạm. Khi không có sự đồng ý thoả thuận của chủ sở hữu bản quyền thì đã là vi phạm bản quyền rồi, còn không liên quan đến việc họ có thu tiền hay không".

Chia sẻ về cách giải quyết, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lưu Đình Phúc nhận định, có lẽ cách hiệu quả nhất để đối phó vi phạm bản quyền kỹ thuật số, hạn chế người tiêu dùng bất hợp pháp là trải nghiệm khách hàng và giá cả, bên cạnh thư viện nội dung.

Theo ông Phúc, việc mang đến cho người dùng một giao diện đơn giản, dễ sử dụng, không có hiện tượng trễ và chất lượng video tốt có thể ngăn người xem tránh xa các nền tảng và bản sao nội dung vi phạm bản quyền chất lượng kém. Nếu các công ty cung cấp dịch vụ với mức giá hấp dẫn, người tiêu dùng có thể ít bị ép buộc hơn bởi các con đường vi phạm bản quyền.

Nhấn mạnh giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức vẫn là giải pháp cốt lõi, ông Phúc cũng lưu ý đến việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ cũng như quy định về chặn gỡ link vi phạm. “Livestream vi phạm là xu hướng lo ngại hơn cả. Do vậy, quan trọng là tốc độ. Việc xóa nội dung khỏi Internet càng nhanh càng tốt là cách tốt nhất để ngăn chặn những hành vi vi phạm và hướng người tiêu dùng đến các lựa chọn thay thế hợp pháp”, ông Phúc nói.

Hà Vân

Tin khác

Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - Cuộc tranh luận pháp lý mới đây xoay quanh việc liệu các tác phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra có được bảo hộ bản quyền hay không đang tiếp tục thu hút sự tham gia sôi nổi của các chuyên gia tại Mỹ.
Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - Adam Schiff, nghị sĩ Đảng Dân chủ của bang California, đã đề xuất với Quốc hội Mỹ về dự luật buộc các công ty AI tiết lộ những tài liệu có bản quyền được sử dụng để xây dựng các mô hình AI tạo sinh.
Tài sản trí tuệ 4 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, công ty phần mềm Wex cáo buộc tập đoàn công nghệ HP đã lạm dụng thương hiệu của họ để đặt tên cho phần mềm cạnh tranh của HP.
Tài sản trí tuệ 4 ngày trước
(SHTT) - Nền tảng game Skillz đang trong quá trình hòa giải với công ty đối thủ AviaGames sau vụ kiện về độc quyền nhãn hiệu với cáo buộc đạo nhái game di động của công ty này.
Thương hiệu 5 ngày trước
(SHTT) - Microsoft và NetEase mới đây đã thông báo về việc hợp tác để tái ra mắt game 'World of Warcraft' tại Trung Quốc. Đây là động thái đánh dấu sự kết thúc của 'mối thù' lâu năm giữa hai công ty.