SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Vấn nạn đạo tranh: Tại sao cơ quan chức năng vào cuộc, họa sĩ lại dửng dưng?

06:48, 13/06/2019
(SHTT) - Vấn nạn đạo tranh đang ngày càng diễn ra phức tạp với hàng loạt các vụ đạo tranh bị phanh phui. Trước vấn đề này, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định, sẽ chỉ đạo Thanh tra văn hóa vào cuộc. Tuy nhiên các họa sĩ bị đạo tranh lại có thái độ dửng dưng, thờ ơ trước vấn nạn này.

Vấn nạn đạo tranh đang kìm hãm sự phát triển của mỹ thuật nước nhà

Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua đã có hàng loạt vụ đạo tranh bị phát hiện với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Có thể nói vấn nạn đạo tranh đã diễn ra khá phổ biến trong làng mỹ thuật nước ta lâu nay khiến dư luận và giới làm nghề bức xúc. Nhiều vụ đạo tranh đã tốn không ít giấy mực của báo giới, được công chúng lên án mạnh mẽ nhưng tới nay chưa có điểm dừng.

Theo giới chuyên môn, một trong những nguyên nhân khiến nền mỹ thuật và thị trường mỹ thuật nước ta còn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng bởi vấn nạn đạo tranh diễn ra khắp nơi. Giới làm nghề phân tích, chép tranh là việc một họa sĩ (cũng có thể là thợ vẽ) vẽ lại một tác phẩm đã tồn tại trước đó nhưng không cùng một động cơ sáng tác với tác giả của tác phẩm ấy. Chép tranh hoặc chép y nguyên phong cách của người khác mà ký tên mình là đạo tranh - một hành vi mạo danh, phạm pháp. Trong đó, vấn nạn đạo tranh ở Việt Nam lấn át so với việc chép tranh thông thường.

Các vụ đạo tranh bị phanh phui liên tục

Hà Nội và TP.HCM là 2 địa bàn xảy ra các vụ vi phạm bản quyền tác phẩm mỹ thuật lớn nhất cả nước. Và tại đây cũng là nơi tập trung nhiều bức xúc nhất trong đội ngũ sáng tác mỹ thuật. Tính riêng tháng 5/2019, họa sĩ Bùi Trọng Dư đã tự phát hiện ra 3 vụ xâm phạm bản quyền, họa sĩ Ngụy Đình Hà 2 vụ, họa sĩ Lâm Đức Mạnh 3 vụ.

dao tranh

 

Bên cạnh đó còn có nhiều họa sĩ khác như: Nguyễn Quý Tâm, Nguyễn Đăng Sơn, Phan Linh Bảo Hạnh, Bùi Duy Khánh, Đặng Phương Việt, Đặng Tiến, Nguyễn Khắc Tài, Đặng Thị Thọ và Quyên Nguyễn… Con số này có lẽ chỉ mang tính tượng trưng cho số lượng các họa sĩ bị vi phạm bản quyền. Còn thực tế, con số ấy có thể lớn hơn nhiều lần và mức độ vi phạm nặng nhẹ cũng khác nhau.   

Mới đây nhất, trên địa bàn Hà Nội có thêm địa chỉ Tranh Décor (số 55 đường 12, La Phù, Hoài Đức) bị “tố” sao chép trái phép tác phẩm của họa sĩ, nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định. Họa sĩ Dương Quốc Định bức xúc và đang mời luật sư vào cuộc để làm rõ vụ việc.  

Tại sao thanh tra vào cuộc, các họa sĩ lại dửng dưng?

Trước hàng loạt vụ vi phạm bản quyền tranh diễn ra công khai, trắng trợn trong thời gian qua, trả lời báo chí, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội - cho biết: “Ngay khi nhận được đơn thư tố cáo và các bằng chứng, Thanh tra sở sẽ vào cuộc kiểm tra”. Thế nhưng, trước sự tích cực từ phía Sở VH-TT Hà Nội là thái độ hờ hững của giới họa sĩ. Theo Sở VH-TT Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, đơn vị này vẫn chưa nhận được đơn đề nghị thanh tra nào từ phía các họa sĩ, đặc biệt là những họa sĩ trong các vụ vi phạm bản quyền gần đây.

Trước động thái của Sở VH-TT Hà Nội, không ít họa sĩ cho rằng, thanh tra vốn là việc nằm trong chức phận của sở, sở nên tự làm, sao phải ngồi chờ đơn của họa sĩ.

dao tranh 1

 

Xoay quanh vấn đề này, chia sẻ trên Phunuonline, luật sư Trần Thị Tám cho biết: "Hiện nay, tình trạng tác phẩm mỹ thuật giả mạo mới dừng ở việc truyền thông đưa tin chứ chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, nên chưa thể đi đến cùng. Bản chất của quyền sở hữu trí tuệ là quan hệ tài sản - quan hệ dân sự, nên cơ quan nhà nước chỉ can thiệp khi có yêu cầu từ chủ thể bị xâm phạm hoặc từ người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Khi nạn nhân không yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý và các cơ quan này không giải quyết là phù hợp quy định của pháp luật”.

Có lẽ, chính thái độ e ngại của các họa sĩ nhờ tới sự giúp sức của các cơ quan chức năng trong giải quyết bản quyền đã đẩy vấn nạn này ngày một thêm trầm trọng. Sự thiếu quyết liệt, muốn dàn hòa giữa họa sĩ và bên vi phạm mới chính là lý do khiến cho các điều luật trở nên vô nghĩa trong cuộc sống. Bởi người bị vi phạm không đứng lên tố cáo, không mạnh mẽ đấu tranh thì chính họ đang tiếp tay cho thói sử dụng “của chùa” có cơ hội nở rộ.

Hải Tùng

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.