SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 24/04/2024
  • Click để copy

Vấn nạn đạo nhái nghệ thuật: Ý kiến của các chuyên gia

10:09, 11/11/2022
(SHTT) - Câu chuyện “mượn” tác phẩm của người khác để sáng tạo tiếp tục dấy lên những bức xúc trong giới nghệ thuật. Bởi vậy, hơn ai hết, bản thân nghệ sĩ phải là người có nhận thức trước tiên và sâu sắc nhất đối với vấn đề tôn trọng bản quyền tác giả.

 Đạo, nhái trong nghệ thuật, chuyện không mới, nhưng chưa khi nào cũ. Mặc dù báo chí đã nhiều lần lên tiếng nhưng công chúng vẫn tiếp tục "đau đầu" về những thông tin liên quan đến đạo đức, lòng tự trọng của một số người làm nghệ thuật.

Thực tế dù đã có quy định của pháp luật, nhiều trường hợp vi phạm bản quyền trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật đã bị xử phạt, tuy nhiên vấn nạn này vẫn tồn tại như một căn bệnh kinh niên. Nguyên nhân bởi chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, nhiều sự việc nhanh chóng rơi vào quên lãng cho nên việc ngăn chặn chưa hiệu quả. Điều này đòi hỏi một cơ chế kiểm soát chặt chẽ với sự vào cuộc rốt ráo của chính những người làm nghề. Cần có những hội đồng thẩm định giàu kinh nghiệm, khách quan, trung thực để kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm bản quyền, kiến nghị cơ quan chức năng xử phạt. Người có hành vi sao chép, đạo, nhái tác phẩm của người khác cần phải xin lỗi công khai trên phương tiện truyền thông. 

Hơn ai hết, mỗi người nghệ sĩ cần không ngừng trau dồi chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trách nhiệm xã hội trong việc chấp hành quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, chịu khó học hỏi, có trách nhiệm với mỗi sản phẩm mình tạo ra. Bởi đó cũng là cách tôn trọng chính bản thân và cộng đồng, giúp xây dựng một môi trường nghệ thuật lành mạnh. Thành công đích thực sẽ chỉ có được từ sự nỗ lực, lao động nghiêm túc và đam mê của chính người nghệ sĩ.

nghe thuat

Ảnh minh họa 

Thời gian qua, làng nghệ thuật Việt chứng kiến không ít vụ đạo nhái, sao chép các tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi. Trong đó mới nhất, giới hội họa Việt Nam đang xôn xao chuyện họa sĩ Lê Thế Anh tố cáo họa sĩ Phạm Hồng Minh sao chép tranh của mình. Theo đó, hoạ sĩ Thế Anh cho biết tác phẩm “Lì xì nhé” và “Cô gái Dao đỏ” của anh bị sao chép và họa sĩ Hồng Minh đã tự ký tên mình vào bức tranh.

Riêng về lĩnh vực này, hoạ sĩ Đoàn Hòa cho rằng, việc sao chép tranh ảnh trên thị trường hiện nay rất nhiều. Về cơ bản, sao chép tranh không hẳn là xấu nếu có sự đồng ý của tác giả gốc. Tuy nhiên, người sao chép tranh cần phải tuân thủ những nguyên tắc như không bôi nhọ tác phẩm gốc, không được chép đúng khổ chính xác của bản gốc; không được ký tên là tác giả sáng tác bức tranh đó và chỉ được chép số phiên bản có giới hạn, phía sau bức tranh phải ghi rõ đây là phiên bản số bao nhiêu. 

Vậy nên, hoạ sĩ Đoàn Hoà cho rằng, vấn đề cốt lõi của hoạ sĩ Phạm Hồng Minh gây xôn xao thời gian qua vì anh đã tự ý ký tên lên tác phẩm của hoạ sĩ Thế Anh và đã vi phạm quyền nhân thân, biến tác phẩm của người khác thành của mình. Điều này cần đáng lên án.

Hoạ sĩ Đoàn Hoà cho rằng với những người làm nghệ thuật, việc khắc phục tình trạng sao chép, đạo nhái tác phẩm phải đến từ ý thức, sự tự trọng của những người làm nghề. Họ phải biết xấu hổ vì tạo ra một tác phẩm không phải của mình mà dựa trên chất xám của người khác.

Họa sĩ Bùi Văn Tuất cũng từng chia sẻ về vấn đề này: “Việc này đã diễn ra rất nhiều năm nhưng về mặt tích cực trong khoảng thời gian gần nhờ sự vào cuộc gắt gao của cơ quan luật pháp cũng như cộng đồng người yêu nghệ thuật, những bức tranh giả trôi nổi trên thị trường hay tại các xưởng in cũng đã dần biến mất. Dù vậy những nơi làm tranh giả đang ngày một trở nên tinh vi hơn, có tổ chức hơn đòi hỏi xã hội phải tiếp tục lên án mạnh mẽ”.

Còn với họa sĩ Bùi Trọng Dư, một trong những khó khăn nhận thấy được trong quá trình tố giác tranh giả, tranh sao chép trái phép là việc khó truy xuất được nguồn gốc người làm ra các bức tranh này. Công nghệ in ấn đã tạo ra thách thức với các họa sĩ, chỉ cần có một chút kiến thức về sơn mài hoàn toàn có thể tạo ra những bản sao. Điều này ảnh hưởng tới uy tín người làm nghệ thuật chân chính cũng như giá trị của các tác phẩm.

Trong khi đó, TS. Hoàng Lan Phương, chuyên gia nghiên cứu của dự án Tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam (SIPE) cho rằng, tình trạng xâm phạm bản quyền tác giả, quyền liên quan diễn ra ngày càng phổ biến và trong hầu hết lĩnh vực thuộc các ngành công nghiệp văn hóa như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, xuất bản, thiết kế... xâm phạm đến các quyền của tác giả, quyền của chủ sở hữu tác phẩm, gây thiệt hại cho các chủ thể sáng tạo. Trong một số lĩnh vực đặc thù, đơn cử như hội họa, hiện tượng sao chép tranh, mạo danh tác giả diễn ra một cách phổ biến và tràn lan.

Về nền tảng bị xâm phạm quyền tác giả, đối với nền tảng vật lý, thường xảy ra với các tác phẩm trong lĩnh vực hội họa, điêu khắc, kiến trúc, xuất bản, tỷ lệ các chủ thể bị xâm phạm ở nền tảng này qua khảo sát chiếm 42,5%. Với nền tảng số, tình trạng vi phạm diễn ra phổ biến hơn ở hầu hết lĩnh vực, đặc biệt là điện ảnh, nhiếp ảnh, âm nhạc, xuất bản (sách điện tử), kiến trúc... Tỷ lệ các chủ thể bị xâm phạm ở nền tảng này qua khảo sát chiếm 75%.

Cũng theo TS. Hoàng Lan Phương, qua khảo sát cho thấy nhận thức, mức độ am hiểu về sở hữu trí tuệ của các chủ sở hữu tài sản trí tuệ còn hạn chế; mức độ am hiểu pháp luật về sở hữu trí tuệ của các chủ thể hưởng thụ còn ở mức độ trung bình, đặc biệt trong các nhận thức về các hành vi xâm phạm quyền. Bởi vậy, trong các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ thời gian tới tại Việt Nam, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức được đặt lên hàng đầu.

Hà Vân

Tin khác

Tài sản trí tuệ 3 giờ trước
Theo Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, Viện thẩm mỹ quốc tế CCI Beauty Center cố tình núp bóng phòng khám chuyên khoa da liễu và lấy địa chỉ các bệnh viện khác “biến” thành cơ sở của mình.
Tài sản trí tuệ 3 giờ trước
Công ty Cổ phần La Vo bị xử phạt hơn 70 triệu đồng vì sản xuất sản phẩm mặt nạ Prodak Strawberry Soft Facial Mask không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Tài sản trí tuệ 7 giờ trước
(SHTT) - Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã từ chối đơn kiện của hãng dược phẩm Vanda để khôi phục bằng sáng chế cho thuốc chống rối loạn giấc ngủ Hetlioz của họ. Điều mà trước đó đã được xác định là không hợp lệ trong một cuộc tranh chấp với các công ty sản xuất thuốc gốc Teva và Apotex.
Tài sản trí tuệ 7 giờ trước
(SHTT) - Ngày 20/4/2024, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4/2024. Hội nghị thu hút sự tham gia của sinh viên từ nhiều trường đại học khác nhau trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tài sản trí tuệ 8 giờ trước
(SHTT) - Những năm gần đây, xu thế phát triển của TMĐT trở thành một kênh mua sắm quan trọng của người tiêu dùng. TMĐT đã khẳng định được tính ưu việt trong việc thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng, là công cụ, phương thức kinh doanh phù hợp của xu thế phát triển hiện nay.