Vấn đề bản quyền sách tinh gọn: Bài toán chưa có lời giải
Năm 2022, ngành xuất bản bắt đầu quá trình phục hồi và “bứt tốc” sau quãng thời gian chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Bên cạnh mục tiêu phát triển văn hóa đọc, tăng cường ấn phẩm chất lượng, ngành xuất bản cũng dần mở rộng thị trường, tìm kiếm khả năng mới. Vì vậy sách tinh gọn được đánh giá là xu hướng mới, có thị trường nhiều tiềm năng và sẽ không mâu thuẫn với ấn bản truyền thống.
Chỉ cần gõ cụm từ “Sách tóm tắt, sách tinh gọn” tại trang Google thì trong 0,48 giây chúng ta có khoảng 7.710.000 kết quả, cho thấy sự quan tâm của giới làm sách, độc giả đến loại sách này. Tuy nhiên, sự tồn tại của dạng sách này vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn, trong đó có vấn đề bản quyền, vấn đề pháp lý, cạnh tranh thiếu lành mạnh…
Theo Cục Xuất bản in và phát hành, từ lâu, trong hoạt động xuất bản, bên cạnh xuất bản sách dạng đầy đủ, nguyên bản, đã có sự xuất hiện của các bản sách dạng tóm tắt, tinh gọn với mục đích tóm lược các nội dung sách, giúp bạn đọc nhanh chóng tiếp cận, lĩnh hội những tinh thần, thông điệp của cuốn sách.
Các loại sách tóm tắt, tinh gọn bao gồm: Sách in truyền thống và các format khác như audio, ebook, podcast, infographic… thường tập trung ở các loại sách lịch sử hoặc các loại sách nhiều tập do chính tác giả tự biên soạn hoặc ở một số tác phẩm văn học kinh điển muốn chuyển thể sang tinh gọn dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên.
Tại Việt Nam, hiện đã có một số tên sách nhiều tập dạng sách lịch sử là sách tóm tắt. Một số NXB như Kim Đồng, Văn học có xuất bản một số sách văn học kinh điển được tóm lược phục vụ cho thiếu nhi, sách liên kết của một số đơn vị như Alphabooks. Trong 2 năm trở lại đây, với sự xuất hiện của các đơn vị phát hành sách nói như Waka, Fonos, W&W, sách tinh gọn, tóm tắt định dạng text hoặc nói đã xuất hiện với số lượng ngày càng nhiều.
Tuy nhiên song song với các lợi ích mà mảng tóm tắt nội dung sách mang lại cho người dùng, điều này cũng tạo ra thách thức với các đơn vị sản xuất về vấn đề bản quyền. Bởi lẽ, đây là một trong những mảng mới nên việc định nghĩa về sách tóm tắt vẫn chưa thống nhất hay có quy định cụ thể. Chính vì vậy, các đơn vị làm sách tóm tắt dễ vi phạm bản quyền trong quá trình tạo ra sản phẩm.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Văn học Nguyễn Anh Vũ đặt câu hỏi: “Sách tinh gọn là một tác phẩm phái sinh. Vậy, vấn đề sở hữu trí tuệ giữa tác giả của tác phẩm gốc và tác giả của tác phẩm phái sinh được đặt ra như thế nào? Các quy định của pháp luật liệu đã đủ cơ sở để bảo đảm quyền lợi của tác giả, đồng thời tạo điều kiện để thị trường sách tinh gọn phát triển lành mạnh, bền vững?”.
Theo Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản trẻ Nguyễn Thành Nam, việc khai thác và thực hiện sách tinh gọn phải nhận được sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc. Điều này nhằm tạo điều kiện để tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả hưởng những quyền lợi hợp pháp từ công sức sáng tạo của mình, kiểm soát và bảo vệ sự nguyên vẹn của tác phẩm, tránh những việc làm xâm hại đến nội dung của tác phẩm. Tuy nhiên, hiện vấn đề quyền tác giả của sách tinh gọn ở nước ta vẫn chưa được Luật Sở hữu trí tuệ điều chỉnh cụ thể. Việc xuất bản sách và phát hành sách tinh gọn cũng có thể vi phạm quy định của Luật Xuất bản… Do đó, để phát triển sách tinh gọn đúng hướng cần sớm có hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ.
Bên cạnh vấn đề pháp lý, việc phát triển sách tinh gọn cần nhân lực chất lượng, chuyên nghiệp để bảo đảm các tiêu chí của loại hình này. Một số đơn vị xuất bản mời chính tác giả sách tự tóm tắt tác phẩm của mình.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, Cục đang dự thảo hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị thực hiện sách tinh gọn bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ và quyền lợi của các bên. Song song với đó, tinh thần hợp tác kết nối giữa các đơn vị hoạt động xuất bản rất quan trọng để phát triển sách tinh gọn lâu dài và bền vững.
Ông Lê Hoàng Thạch, người sáng lập ứng dụng Voiz FM cũng cho biết: “Sách tóm tắt không thay thế hay triệt tiêu sách gốc, mà là một phương thức rất hiệu quả để thúc đẩy việc tiêu thụ tác phẩm gốc. Theo khảo sát của Voiz FM vào đầu năm 2022, có hơn 2/3 người dùng sau khi nghe bản tóm tắt đã tìm nghe bản sách nói đầy đủ hoặc tìm mua sách giấy. Vì vậy, đây là hình thức đáng khuyến khích phát triển chứ không nên có thái độ thận trọng. Dĩ nhiên, khi thực hiện các bản sách tóm tắt luôn tuân thủ theo Luật sở hữu trí tuệ để đảm bảo tôn trọng bản quyền, bằng cách hạn chế trích dẫn nguyên văn từ tác phẩm gốc mà viết tóm ý theo lời văn riêng. Đồng thời, về thời lượng, hiện tại Voiz FM cũng tự đặt ra giới hạn cho loại nội dung sách tóm tắt là 5-10% nội dung gốc. Điều này nhằm hạn chế vi phạm bản quyền, cũng như tạo động lực để các bạn biên tập viên có sự sáng tạo trong việc lựa chọn câu chữ sao cho vừa đủ ý, vừa ngắn gọn”.
Một số người dùng cũng cho rằng, sách tóm tắt không thể thay thế sách gốc. Có thể hiểu, sách tóm tắt chính là cầu nối, khơi gợi cho bạn đọc tìm đến tác phẩm gốc. “Không phủ nhận những tiện ích mà sách tóm tắt đem lại, nhưng mình chỉ xem sách tóm tắt là lời giới thiệu để tìm đến bản gốc. Bởi lẽ, việc đọc hay nghe trọn vẹn một cuốn sách sẽ cung cấp cho độc giả nhiều cái nhìn khác nhau. Ngoài ra, việc tóm tắt sách nếu không cẩn thận sẽ dễ dẫn đến vi phạm bản quyền”, chị Cẩm Hương (quận Bình Thạnh) chia sẻ.
Hà Minh
TIN LIÊN QUAN
-
Vi phạm bản quyền trực tuyến và các biện pháp ngăn chặn tại Việt Nam
-
Vi phạm bản quyền trực tuyến khiến doanh nghiệp Việt thất thoát tới 348 triệu USD
-
Hà Nội yêu cầu thu hồi triệt để viên nén Capetero 500mg vi phạm
-
Triệt phá hàng loạt vụ giả mạo nhãn hiệu, 'hô biến' hàng Trung Quốc thành hàng Nhật, Hàn