SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 23/04/2024
  • Click để copy

Valentino Creations: Lập lờ thương hiệu ngoại

11:03, 13/10/2022
Xuất hiện ở nhiều trung tâm mua sắm lớn, các cửa hàng thời trang với tên gọi Valentino Creations (Malaysia) đã khiến không ít khách hàng nhầm lẫn với thương hiệu thời trang Valentino (Italy) đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Việc bảo hộ nhãn hiệu không chỉ dừng lại ở việc đăng ký, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược bảo vệ nhãn hiệu trước những đối thủ cạnh tranh không lành mạnh. Ý thức được điều đó, Valentino S.p.A đã bảo vệ thành công nhãn hiệu “Valentino” trước những đối thủ đăng ký nhãn hiệu tương tự.

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh?

Valentino S.p.A là chủ sở hữu của nhãn hiệu “Valentino”, trong đó các nhãn hiệu có thành phần “Valentino” đang được bảo hộ tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, nhãn hiệu này đã được cấp bằng ngày 20/7/2012. 

Điều đáng nói, tại các trung tâm mua sắm, không ít cửa hàng thời trang có tên gọi Valentino Creations cũng chứa thành phần “Valentino”. Điều này khiến nhiều khách hàng nhầm lẫn với nhãn hiệu Valentino (chủ sở hữu là Valentino S.p.A) đã đăng ký bảo hộ trước đó.

cua-hang-1920

Các sản phẩm có nhãn hiệu Valentino Creations được trưng bày sang trọng tại trung tâm thương mại lớn khiến người mua nếu không chú ý sẽ dễ dàng bị nhầm lẫn.

Có thể thấy, nhãn hiệu “VALENTINO CREATIONS V” được Goggles Corporation Sdn. Bhd. nộp đơn đăng ký có chữ “V” cách điệu và thành phần “Valentino” gần như tương tự nhau. Hơn nữa, Goggles Corporation Sdn. Bhd. cũng đăng ký sản phẩm thuộc các nhóm trùng với sản phẩm mà Valentino S.p.A đã đăng ký bảo hộ trước đó.

Cụ thể, tại Việt Nam, Valentino S.p.A đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nhóm 18, 25, 35. Đáng nói, Goggles Corporation Sdn. Bhd. cũng đăng ký các nhãn hàng thuộc 3 nhóm trên.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam cho biết: “Nhãn hiệu Valentino Creations không được bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam, vì trùng lặp với nhãn hiệu “Valentino” của chủ sở hữu Valentino S.p.A đã được bảo hộ tại Việt Nam theo đăng ký quốc tế Madrid”.

Hiện nay, tại Việt Nam, thương hiệu Valentino Creations có hơn 30 cửa hàng trên cả nước, chủ yếu được bày bán trong các trung tâm thương mại lớn. Cũng gắn với chữ “Valentino” nhưng không phải hàng Italy. Thương hiệu này có xuất xứ tại Malaysia và được gia công tại Trung Quốc hoặc Thái Lan.

Các sản phẩm có nhãn hiệu Valentino Creations được trưng bày sang trọng tại trung tâm thương mại lớn khiến người mua nếu không chú ý sẽ dễ dàng bị nhầm lẫn. Có thể thấy, việc cạnh tranh không lành mạnh dễ gây ra sự hiểu lầm và thiệt hại cho người tiêu dùng. Ngoài ra, việc này còn gây thiệt hại cho chủ sở hữu hợp pháp tên thương mại được bảo hộ.

Một số lưu ý khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Bằng cách sử dụng nhãn hiệu, logo gần giống, nhiều doanh nghiệp đã “dựa hơi” các thương hiệu lớn để cố tình gây nhầm lẫn cho khách hàng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp ngoài việc đăng ký bảo hộ cần phải xây dựng chiến lược bảo vệ nhãn hiệu trước những đối thủ cạnh tranh không lành mạnh.

Ngoài ra, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định danh doanh nghiệp trên thị trường cũng như là công cụ hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong quá trình mở rộng thị trường. 

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam: “Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sẽ giúp doanh nghiệp tránh các rủi ro về việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu thuộc sở hữu của mình. Hơn nữa, khi quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp bị xâm phạm, việc phối hợp với cơ quan thực thi để xử lý và bảo vệ quyền SHTT dễ dàng hơn”.

Ngay từ những bước đi đầu tiên, doanh nghiệp cần lựa chọn cho mình những nhãn hiệu có khả năng tự phân biệt cao, dễ ghi nhớ, nhận diện và ghi dấu ấn cho doanh nghiệp so với nhãn hiệu của các chủ thể khác. Để hiệu quả, doanh nghiệp nên tiến hành tra cứu trước khi đăng ký để đánh giá, xem xét nhãn hiệu được lựa chọn có trùng lặp hay tương tự với nhãn hiệu của người khác đã được nộp đơn và đăng ký trước tại Việt Nam hoặc thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm hoặc dịch vụ cùng loại hoặc tương tự hay không.

Thông qua việc tra cứu nhãn hiệu, doanh nghiệp sẽ dự đoán được khả năng đăng ký hoặc sử dụng của nhãn hiệu và nhờ đó tránh lãng phí công sức và tiền bạc khi doanh nghiệp đầu tư rất nhiều chi phí, nhân lực vào việc phát triển nhãn hiệu mà nhãn hiệu lại bị từ chối bảo hộ.

Không chỉ dừng lại ở việc đăng ký, để bảo vệ nhãn hiệu và ngăn ngừa các hành vi xâm phạm, doanh nghiệp cần có các bước rà soát, phân tích và đánh giá một cách có hệ thống những đối thủ có đăng ký, sử dụng nhãn hiệu có khả năng xâm phạm đến quyền của doanh nghiệp. Lúc này, doanh nghiệp sẽ có một cái nhìn tổng thể, từ đó cân nhắc nguồn lực và xây dựng chiến lược trên cơ sở tham vấn ý kiến luật sư để có biện pháp xử lý hiệu quả, củng cố vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Doanh nghiệp có thể tự tiến hành tra cứu nhãn hiệu từ các nguồn thông tin/dữ liệu sau:

- Công báo Sở hữu công nghiệp do Cục SHTT phát hành hàng tháng và được công bố trên trang web của Cục SHTT tại: https://ipvietnam.gov.vn/web/guest/cong-bao-so-huu-cong-nghiep1;

- Đăng bạ quốc gia và đăng bạ quốc tế về nhãn hiệu hàng hóa được lưu giữ tại Cục SHTT;

- Cơ sở dữ liệu điện tử về nhãn hiệu quốc gia của Cục SHTT;

- Cơ sở dữ liệu điện tử về nhãn hiệu quốc tế được chỉ định tại Việt Nam theo Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố tại: https://branddb.wipo.int/branddb/en/index.jsp.

Võ Liên

Tin khác

Tài sản trí tuệ 13 giờ trước
(SHTT) - Adidas hiện đang phải đối mặt với sự thẩm vấn gay gắt của tòa phúc thẩm Hoa Kỳ trong nỗ lực khôi phục vụ kiện tuyên bố hãng thời trang Thom Browne đã xâm phạm nhãn hiệu ba sọc mang tính biểu tượng của công ty.
Tài sản trí tuệ 18 giờ trước
(SHTT) - Thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đối với ông Lê Tiến M. về hành vi Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là thực phẩm và buộc tiêu hủy lô hàng gần 7 tấn Chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 21 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã phát đi thông tin cảnh báo về việc phát hiện chất cấm Sibutramin trong sản phẩm giảm cân Detox Táo.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Thông qua công tác tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doang vàng trên địa bàn, mới đây, Cục QLTT Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện thêm số lượng lớn trang sức được bày bán có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
Đội quản lý thị trường số 5 Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng vừa kiểm tra đột xuất 4 hộ kinh doanh phụ tùng xe máy trên địa bàn quận Liên Chiểu, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính, buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Honda và Yamaha.