SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 25/03/2024
  • Click để copy

Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam

11:22, 01/07/2022
Sở hữu trí tuệ hiện nay là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp. Việc sử dụng các tài sản trí tuệ một cách có chiến lược sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Trong nền kinh tế toàn cầu hóa và thị trường ngày càng mở rộng, các doanh nghiệp không ngừng tạo ra những sản phẩm mới và khác biệt nhằm thu hút khách hàng. Khi đổi mới, sáng tạo sản phẩm, các công ty phải tiến hành các biện pháp để bảo hộ đầy đủ tài sản trí tuệ của mình một cách hữu hiệu. Song song đó, họ phải đảm bảo rằng sản phẩm của mình không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của người khác.

Theo Luật sư Phạm Nghiêm Xuân Bắc - Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (VIPA), tình hình bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay có nhiều khởi sắc. Cụ thể, trong những năm gần đây, đơn xin xác lập quyền SHTT của các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam liên tục tăng. Các cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc cung cấp thông tin, kiến thức cũng như hỗ trợ người nộp đơn tại Việt Nam trong việc xác lập và bảo vệ quyền SHTT.

1ab0ee1c5bdc9882c1cd

Luật sư Phạm Nghiêm Xuân Bắc – Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (VIPA).

Bảo hộ SHTT sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh

Nền kinh tế số với tốc độ thu thập, truyền đạt thông tin như hiện nay cho thấy bất cứ sản phẩm, dịch vụ nào cũng dễ bị các đối thủ cạnh tranh nhanh chóng tiếp cận, sao chép để sản xuất các sản phẩm giống hoặc tương tự. Do vậy, công tác đăng ký và bảo hộ SHTT có vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp.

Luật sư Xuân Bắc - Chủ tịch Hội VIPA cho biết khi các doanh nghiệp đăng ký các đối tượng SHTT và được bảo hộ, thì các đối tượng này sẽ mang lại rất nhiều lợi thế như phát triển sản phẩm, cạnh tranh, phòng thủ và nâng cao giá trị doanh nghiệp.

“Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Tuy có nhiều hạn chế về tiềm lực tài chính, chi phí cho hoạt động đổi mới sáng tạo, nhưng dữ liệu thống kê cho thấy thành phần doanh nghiệp này, gồm cả các doanh nghiệp mới hoạt động đang tăng dần tỷ lệ đóng góp vào hệ thống đổi mới sáng tạo thông qua sản phẩm mới”, luật sư Bắc chia sẻ.

Trong khi đó, theo chuyên gia SHTT Huỳnh Duy Toàn, lợi thế về SHTT là nền tảng giúp một bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt được tốc độ phát triển, doanh thu và số lượng việc làm cao hơn so với phần còn lại.

“Nhìn chung, các doanh nghiệp nên tận dụng ưu thế về quyền SHTT để góp phần tạo dựng giá trị thương hiệu, đẩy mạnh thực hiện hoạt động thương mại và tăng trưởng doanh thu. Ưu thế thu được từ quyền SHTT sẽ trở thành động lực để doanh nghiệp và nhà đầu tư an tâm, đầu tư nguồn lực tài chính vào hoạt động đổi mới sáng tạo cho các chu kỳ phát triển tiếp theo”, chuyên gia Huỳnh Duy Toàn nhận định.

df542cf899385a660329

VIPA thường xuyên phối hợp với các chuyên gia nước ngoài tổ chức hội thảo về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam.

Không chỉ doanh nghiệp nội địa, đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hệ thống bảo hộ quyền SHTT hữu hiệu là cơ sở để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ và các kỹ năng quản trị. Qua đó giúp tạo ra nhiều việc làm trong những lĩnh vực, ngành nghề mới.

Điển hình, ICANKid là ứng dụng được Công ty Galaxy Education ra mắt dành cho trẻ em từ 2 đến 6 tuổi luyện nói Tiếng Anh, làm quen chữ cái tiếng Việt. ICANKid được xây dựng dựa trên bản quyền từ các đối tác hàng đầu trên thế giới như Disney, Pearson và trong nước như NXB Kim Đồng.

Bà Lê Hồng Tâm - Giám đốc Nội dung thuộc Công ty Galaxy Education cho biết: “Các đối tác mà chúng tôi hợp tác về bản quyền đều là những đối tác lớn, có uy tín hàng đầu thế giới và Việt Nam. Chính vì vậy, họ rất kỹ lưỡng và có tiêu chuẩn cao trong việc lựa chọn đối tác phân phối nội dung số”.

Đặc biệt, ICANKid đã sử dụng công nghệ DRM (Digital Rights management - hệ thống quản lý bản quyền số), mỗi video sẽ được mã hóa. Từ đó, các đơn vị sở hữu bản quyền có thể kiểm soát cách người dùng (người mua sản phẩm số) sử dụng sản phẩm của họ. Bà Tâm cũng cho biết thêm nhờ công nghệ kiểm soát bản quyền chặt chẽ này, ứng dụng ICANKid nghiêm túc đảm bảo thực hiện các cam kết bảo vệ bản quyền với các đối tác bản quyền lớn.

VIPA – ngọn cờ đầu thúc đẩy quyền SHTT tại Việt Nam

Trong những năm vừa qua, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam - VIPA thường xuyên tổ chức tọa đàm, hội thảo quốc tế dành cho doanh nghiệp hội viên nhằm cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng và các dịch vụ về bảo hộ quyền SHTT trong nước, quốc tế. Bên cạnh đó, VIPA còn thường xuyên phối hợp với Cục sở hữu trí tuệ tổ chức những tọa đàm nhằm tìm ra giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp.

Liên quan đến hoạt động lập pháp, Chủ tịch VIPA Phạm Nghiêm Xuân Bắc cho biết thời gian qua, Hội đã gửi nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến: Dự thảo Thông tư về Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam; Dự thảo Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT,… tới các cơ quan có thẩm quyền.

Đặc biệt, trong năm 2020, Hội phối hợp với Viện Phát triển doanh nghiệp, VCCI biên soạn và xuất bản cuốn sách “Xây dựng, quản lý và bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ” dành cho doanh nghiệp với số lượng 1000 cuốn. Nội dung cuốn sách gồm nhiều thông tin bổ ích dành cho doanh nghiệp từ hoạt động xây dựng, quản lý, định giá tài sản SHTT đến hoạt động thương mại hóa và thực thi quyền SHTT.

Từ đó, doanh nghiệp có thể tìm ra phương thức để vừa xây dựng và bảo vệ tài sản SHTT, vừa nâng cao được giá trị doanh nghiệp của mình.

Doanh nghiệp cần lưu ý gì?

Từ góc độ của luật sư lĩnh vực SHTT, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc cho rằng các doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm để phát triển và bảo hộ tài sản SHTT.

Thứ nhất, cần xác định đúng đối tượng và đăng ký bảo hộ quyền SHTT với các cơ quan quản lý Nhà nước, vì nó là một trong những tiền đề quyết định đến việc thành bại của doanh nghiệp.

Thứ hai, cần phải có ý thức bảo vệ tài sản SHTT của mình. Doanh nghiệp nên nghiên cứu và tạo lập một hành lang pháp lý vững chắc trước khi đưa hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ của mình ra thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài.

Cuối cùng, công tác tự bảo vệ mình của doanh nghiệp trước các đối thủ cạnh tranh cũng rất quan trọng, thông qua việc kiểm soát liệu có đối thủ cạnh tranh nào đăng ký quyền tương tự ngay từ đầu để tiến hành phản đối, khiếu nại hoặc xâm phạm trái phép quyền SHTT của mình hay không. Khi quyền SHTT của doanh nghiệp bị xâm phạm, cần phối hợp với cơ quan thực thi để xử lý và bảo vệ quyền SHTT.

Võ Liên

Tin khác

Tin tức 16 giờ trước
(SHTT) - Ngày 21/3/2024, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, các doanh nghiệp viễn thông – công nghệ thông tin tổ chức hội nghị “Nền tảng hợp đồng điện tử và các giải pháp nâng cao chỉ số doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử”.
Tin tức 16 giờ trước
(SHTT) - Chính phủ Ả Rập Xê Út đang lên kế hoạch tạo vốn khoảng 40 tỷ đô la để đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), tiềm năng trở thành nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường sôi động này.
Tin tức 16 giờ trước
(SHTT) - Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các trường trên địa bàn thành phố không được thu tiền giữ chỗ của phụ huynh.
Tin tức 16 giờ trước
(SHTT) - Ngày 22/3 vừa qua, Thành đoàn Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 93 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024) và Tuyên dương 70 cán bộ Đoàn Thủ đô tiêu biểu năm 2023.
Tin tức 16 giờ trước
(SHTT) - Liên danh 3 nhà thầu trúng gói thầu số 12 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Trung tâm Văn hoá thể thao huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa.