SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 23/04/2024
  • Click để copy

Vai trò của Báo chí đối với việc thay đổi chính sách, pháp luật

12:18, 03/11/2016
(SHTT) - Việc Quốc hội đưa ra nghị trường để bàn bạc, thay đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII vừa qua là một minh chứng rõ ràng nhất khẳng định vai trò của báo chí trong việc góp phần thay đổi chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, tuy nhiên pháp luật ban hành ra phải dựa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích của nhà nước với lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Chính sách, pháp luật được xây dựng và ban hành nhằm bảo vệ đất nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân, hợp với lòng dân thì chắc chắn quy định pháp luật đó sẽ dễ dàng đi vào cuộc sống. Ngược lại với nguyên tắc này thì “pháp luật sẽ chết yểu”, thậm chí ngay sau khi vừa được ban hành.

vai tro cua bao chi doi voi viec thay doi chinh sach phap luat

 Vai trò của Báo chí đối với việc thay đổi chính sách, pháp luật

Quy định của nhà nước về việc cấm đốt pháo trước đây và quy định bắt buộc mọi người dân khi điều khiển xe cơ giới khi lưu thông phải đội nón bảo hiểm hiện nay là những ví dụ sinh động chứng minh cho việc pháp luật đi vào cuộc sống của người dân rất tự nhiên, đơn giản, nhẹ nhành và hiệu quả. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng phù hợp với nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp. Hiện tượng “văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng và ban hành trong phòng lạnh” không phải không còn xảy ra. Khi văn bản được xây dựng một cách máy móc, cứng nhắc, xa rời với thực tế khách quan của đời sống kinh tế-xã hội, đặc điểm của người dân Việt Nam chúng ta (nhất là trong bối cảnh chúng ta đang có xu hướng tham khảo cơ chế, chính sách, pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới để xây dựng pháp luật cho mình) thì chắc chắn quy định pháp luật đó sẽ gặp khó khăn khi triển khai thi hành do không nhận được sự đồng thuận của người dân hoặc cộng đồng doanh nghiệp. Thậm chí trong nhiều trường hợp người dân, doanh nghiệp còn biểu hiện thái độ không hài lòng, mất niềm tin do một số quy định pháp luật ban hành ra gây cản trở, khó khăn và thiệt hại người dân, doanh nghiệp.

Báo chí luôn gắn liền, mật thiết với đời sống của người dân, doanh nghiệp. Các cơ quan báo chí nói chung và các nhà báo nói riêng đã thực sự góp phần quan trọng, to lớn trong việc thông tin cho Chính phủ, Bộ GTVT nắm rõ tình hình để chủ động xử lý, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian qua.

Tuy vậy, người dân, doanh nghiệp rất khó để tự mình kiến nghị, phản ánh những khó khăn, vướng mắc của mình đến được với các cơ quan có thẩm quyền, nhất là các cơ quan ở Trung ương, cơ quan thuộc Chính Phủ, Quốc Hội…vv hoặc nếu có đơn phương kiến nghị, phản ánh thì cũng thường không mang lại hiệu quả cao. Do đó, trong những trường hợp này, nhất thiết cần có sự hỗ trợ của cơ quan báo chí. Báo chí với quyền hạn và trách nhiệm của mình sẽ áp dụng nhiều phương thức ghi nhận những khó khăn của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện quy định pháp luật của nhà nước để thông tin trung thực trên các diễn đàn báo chí. Các nhà làm luật, các cơ quan quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực của mình có trách nhiệm cập nhật, tiếp nhận thường xuyên thông tin của báo chí để kiểm tra, theo dõi và được sử dụng như một thước đo về tính khả thi, tính hiệu quả đối với các chính sách, pháp luật do mình ban hành có đi vào cuộc sống của người dân và doanh nghiệp được hay không? Nếu báo chí phản ánh đúng những hạn chế, bất cập của chính sách pháp luật gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp thì các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện trách nhiệm của mình là tổng hợp, nghiên cứu, giải quyết nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật còn hạn chế đó cho phù hợp với thực tế và yêu cầu của xã hội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp chấp hành luật.

Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) vừa ký ban hành xong đã dẫn đến phản ứng của một số công nhân thuộc nhiều nhà máy tại các tỉnh Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và thành phố Hồ Chí Minh do họ không đồng tình về nội dung quy định tại Điều 60 của luật này. Họ cho rằng quy định mới tại Điều 60 của Luật này đã tước đi quyền lựa chọn được nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần hoặc tiếp tục bảo lưu để thực hiện bảo hiểm xã hội như năm 2014 cho đến lúc nhận lương hưu.  

Những lo lắng, trăn trở, băn khoăn của người lao động đã được nhiều cơ quan báo chí hỗ trợ thông tin trong nhiều ngày liên tục. Bài viết của các phóng viên được đăng tải trên báo viết, báo điện tử với nhiều thể loại khác nhau tạo nên một sức mạnh nhất định để các cơ quan nhà nước ở cấp cao nhất cũng phải nghiêm túc xem xét lại quy định này. Cụ thể, Chính phủ đã báo cáo giải trình trước Quốc hội và trong phiên họp ngày 27/05/2015 vừa qua, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tổng kết, Quốc hội sẽ có một nghị quyết về việc bảo lưu Điểm c, Khoản1, Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 đến một thời gian nào đó. Sau khi đánh giá tổng kết, thăm dò ý kiến một cách toàn diện đầy đủ đối tượng người lao động, Quốc hội sẽ tính đến việc có sửa hay không sửa Điều 60. Nhưng “Phải làm sao để ngày càng có nhiều người chọn phương án bảo lưu, để thấy lợi ích nằm ở lâu dài.” – như lời của ông Trương Trọng Nghĩa-thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại nghị trường.

vai tro cua bao chi doi voi viec thay doi chinh sach phap luat a

 

 Nhìn lại ba năm gần đây, pháp luật nói chung và pháp luật về giao thông đường bộ nói riêng đã có sự thay đổi, chuyển biến mạnh mẽ. Thực hiện chủ trương của Bộ Giao thông vận tải là “giao thông vận tải phải đi trước một bước”, siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải hoạt động. Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành, sửa đổi, bổ sung hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật từ việc xây dựng các điều kiện kinh doanh vận tải, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn quốc gia đối với thiết bị, phương tiện xe cơ giới…vv thực sự đã tạo nên một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ và đồng bộ làm cơ sở thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Thông qua việc triển khai thi hành các quy định trong lĩnh vực này, cùng với cơ sở hạ tầng được nhà nước quan tâm đầu tư, xây dựng và phát triển mạnh mẽ, năng lực về tài chính, quản lý và điều hành của các doanh nghiệp vận tải cũng từng bước được nâng cao. Ý thức tuân thủ, chấp hành các quy định pháp luật của lái xe, chủ doanh nghiệp cũng thay đổi theo hướng tích cực so với thời kỳ trước đó.

 Ví dụ: Để xây dựng Qũy bảo trì đường bộ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2012/ĐN-CP ngày 13/3/2012, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện được quy định tại Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính Phủ nói trên.

Tại khoản 1 Điều 5 nghị định số 18/2012/ĐN-CP quy định: “Phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: … máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo .... Như vậy nhà nước vừa thu phí cả đầu phương tiện là “máy kéo” vừa thu phí cả “rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo”. Điều này chưa phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vận tải, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, vì vậy khi triển khai thi hành thì nhiều DN gặp khó khăn. Trước tình hình kêu cứu, kiến nghị của nhiều doanh nghiệp, nhiều tờ báo đã đăng tin: Báo Thanh niên online  có bài “phí bảo trì đường bộ: cứ thu rồi sửa” (Vọng, 2012); bài “phí chồng phí-nỗi lo của doanh nghiệp vận tải” đăng trên báo điện tử Tin Tức  …vv. Những thông tin trung thực của báo chí cùng với kiến nghị của các Hiệp hội vận tải hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, Đà Nẵng…đã làm cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2014/NĐ-CP ngày 30/5/2014 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2012/ĐN-CP) và Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/09/2014 thay thế Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với “Sơ mi rơ moóc” tồn tại trong hai năm trời. Nhiều doanh nghiệp vận tải đã thở phào nhẹ nhõm khi Bộ Tài chính gộp chung mức thu của xe đầu kéo và sơ mi rơ moóc vào làm một, không “tách để thu riêng từng thiết bị” như quy định cũ, giảm được gánh nặng khó khăn về tài chính đồng thời có điều kiện thuận lợi để đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh.

Nhà nước ta đang hướng đến xây dựng một nhà nước pháp quyền, một xã hội dân sự trong đó chính sách, pháp luật ban hành phải đặt trọng tâm đến việc tôn trọng và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Trong sự nghiệp đó, báo chí với vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình luôn cung cấp thông tin trung thực về những hạn chế của pháp luật khi triển khai thi hành để giúp các nhà làm luật, hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện trách nhiệm của mình trong việc xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật nhằm cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp để đất nước phát triển bền vững như lời ông Thuận Hữu-Chủ tịch Hiệp hội nhà báo Việt Nam phát biểu trong một hội nghị gần đây.

Luật sư Thái Văn Chung

Tin khác

Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Đó là ý kiến được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặc biệt nhấn mạnh trong buổi làm việc về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" diễn ra hôm 22/4 vừa qua.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nền tảng, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, ngày 5/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 22/4, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) đã trao 100 suất học bổng toàn phần trị giá 6 tỷ đồng cho các em học sinh trường THPT Cẩm Thủy 1, THPT Cẩm Thủy 2, tỉnh Thanh Hóa.
Tin tức 21 giờ trước
(SHTT) - Hôm nay, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn về việc tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.
Tin tức 22 giờ trước
Giải bóng đá khối sở hữu trí tuệ phía Nam lần thứ 11 năm 2024 đã để lại nhiều ấn tượng với những trận tranh đấu kịch tính.
Liên kết hữu ích