Ưu tiên phát triển công nghiệp bán dẫn
Bộ Thông tin nhấn mạnh: đây là một nội dung rất quan trọng trong bối cảnh công nghiệp bán dẫn trở thành ngành công nghiệp chủ chốt có vai trò ảnh hưởng đến sự phát triển về kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng của mọi quốc gia; Đồng thời nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư khi rất nhiều tập đoàn toàn cầu lớn quan tâm đầu tư vào Việt Nam.
Dự thảo Luật dự kiến quy định một số chính sách đặc biệt cho phát triển công nghiệp bán dẫn như: ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án đầu tư mới hoặc mở rộng; có cơ chế về đối ứng đầu tư, hỗ trợ đầu tư để thu hút các dự án đầu tư lớn, có tính lan tỏa trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn; có cơ chế đặc thù tuyển dụng các chuyên gia, nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn;
Cùng với đó đề xuất có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ chiến lược phát triển bán dẫn cho doanh nghiệp công nghệ số chủ lực trong nước; có cơ chế hỗ trợ chuyển giao công nghệ, mua bán sáp nhập các công ty công nghệ trong và ngoài nước; cơ chế một cửa liên thông quốc gia; cơ chế làn xanh cho các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Ngoài ra, trong bối cảnh AI được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực đời sống, việc quản lý nhằm hạn chế những rủi ro, đồng thời tận dụng tốt những lợi ích mà AI mang lại là vấn đề căn cơ, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.
Dự thảo dự kiến quy định khái niệm hệ thống AI, sản phẩm tạo bởi AI, chính sách phát triển hệ thống AI; các hoạt động AI bị cấm; phân loại cấp độ rủi ro đối với hệ thống AI và biện pháp quản lý; xây dựng nguyên tắc đạo đức AI, ... trên sở tham khảo AI Act của Liên minh Châu âu (EU). Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng quy định dán nhãn nhận dạng đối với sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi AI theo kinh nghiệm của Trung Quốc.
TH