Ưu điểm và thách thức của chương trình giáo dục nhiều bộ SGK
Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục được triển khai ở cấp học, bậc học, từ mầm non đến phổ thông trung học, trong đó "khâu giáo dục phổ thông (GDPT) có thể xem là khâu rất quan trọng để thay đổi toàn bộ hệ thống GD-ĐT".
Chia sẻ những điểm khác biệt giữa Chương trình GDPT 2006 và Chương trình GDPT 2018, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết:
Chương trình 2006 có tính chất khung, định hướng và SGK sẽ thể hiện một cách cụ thể, đầy đủ. Cả Chương trình GDPT chỉ có một bộ SGK duy nhất. SGK là căn cứ mang tính chất pháp lệnh dùng để dạy, học, kiểm tra đánh giá. Bên cạnh đó, tất cả các trường, lớp đều thực hiện kế hoạch giáo dục do Bộ GD&ĐT ban hành. Đến tuần nào học bài nào là cả nước đều như nhau.
Trong khi đó, Chương trình GDPT 2018 được biên soạn chi tiết, theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học; gia tăng yếu tố thực tiễn, thực hành, trải nghiệm; dành quyền chủ động cao hơn cho địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên. Một Chương trình nhưng có nhiều bộ SGK. Trong đó, Chương trình mang tính pháp lệnh; các trường phổ thông trên cả nước dạy học thống nhất theo nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình. Nội dung SGK đóng vai trò là học liệu. Đây là sự thay đổi rất lớn.
Khi SGK là học liệu, thì học liệu càng phong phú sẽ càng tốt để phục vụ dạy học, triển khai chương trình. Giáo viên được trao quyền chủ động trong chọn ngữ liệu, chọn bài tập phù hợp, phát huy sự năng động, chủ động, sáng tạo. Với chương trình mới, mỗi trường, căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung có tính chất định hướng trong chương trình để xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Như vậy, hướng đến cùng đạt theo chuẩn đầu ra của chương trình, nhưng cách thức đạt đến chuẩn đó thì dành sự chủ động cho nhà trường.
Bên cạnh đó, triển khai một chương trình, nhiều bộ SGK huy động được nguồn lực, trí tuệ xã hội rất lớn cùng tham gia biên soạn sách; đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh để học sinh, giáo viên có được những bộ SGK tốt nhất.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh Chương trình GDPT mới 2018 là một trong những điểm đột phá, điểm mới quan trọng để thay đổi hệ thống giáo dục phổ thông.
Việt Nam có 3 bộ SGK lớn được lưu hành và một số cuốn sách nhỏ lẻ khác nhau. Người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh, đây là sự thay đổi rất lớn. Phân tích thêm ưu điểm nhiều bộ SGK, ông cho biết, sẽ có thêm nhiều tư liệu; tạo sự chủ động, sáng tạo; có thể huy động nguồn lực, trí tuệ, tài chính tham gia biên soạn sách.
Để cạnh tranh các đơn vị phải phát huy sáng tạo để bộ sách của mình tốt nhất, hấp dẫn nhất. Đến nay có hơn 1.000 nhà giáo, nhà khoa học tham gia biên soạn hệ thống SGK.
Cho đến thời điểm này, triển khai Chương trình GDPT 2018 đã đi được hơn nửa chặng đường. Cụ thể, chương trình, SGK mới đã và đang triển khai ở các lớp 1, 2, 3, 6, 7 10; từ năm học 2023-2024 triển khai tiếp thêm tới lớp 4, 8, 11. Đến năm 2025, việc triển khai sẽ kết thúc một lộ trình. Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã triển khai các hoạt động, như phối hợp với địa phương chỉ đạo chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng học, lớp học, phòng học bộ môn; tập huấn giáo viên; chỉ đạo đổi mới dạy học, kiểm tra, đánh giá…
Qua nắm bắt thông tin và quá trình đánh giá giữa kỳ cho thấy, triển khai thời gian đầu cũng có lúng túng, nhưng nay giáo viên đã quen với thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK. Việc chọn SGK tại các địa phương đi vào nền nếp, trở thành một công việc bình thường.
Có một số ý kiến đặt lại vấn đề có nên tiếp tục chương trình nhiều bộ SGK nữa hay không. Ông Sơn phân tích, từ góc độ làm và thực thi chính sách, khi chương trình đã đi nửa chặng đường nếu thay đổi, quay lại thực hiện một chương trình, một bộ SGK "sẽ đi ngược lại tinh thần, triết lý mở, tự do, chủ động, sáng tạo mà chương trình mới đang đặt ra".
Phân tích thêm ở góc độ tài chính, kinh phí, việc quay lại một bộ sách sẽ lãng phí rất nhiều công sức, tiền của, trí tuệ của các tập thể, cá nhân đã biên soạn, phát hành SGK trong thời gian qua, Bộ trưởng từ đó nhấn mạnh thêm mong mỏi giữ ổn định chính sách trong quá trình triển khai chương trình mới. “Nếu có điều chỉnh thì tính toán khi đã đi hết một chặng đường. Một chính sách thay đổi lại nhiều lần, ngành Giáo dục vốn đã khó, sẽ vô cùng khó”.
Vân Trang
TIN LIÊN QUAN
-
Cảnh báo: TPBVSK Viên sủi An thần quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo
-
WHO tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
-
Bế mạc Festival Nghề truyền thống Huế 2023, nhiều kỷ lục mới được xác lập
-
Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm việc mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử