SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 08/12/2024
  • Click để copy

Sinh viên ứng dụng ruồi lính đen vào nông nghiệp tuần hoàn

11:26, 30/03/2023
Nhóm sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã dùng ấu trùng ruồi lính đen xử lý rác hữu cơ, đồng thời làm phân bón sinh học.

Nghiên cứu của cựu sinh viên Biện Công Đoàn cùng sinh viên Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Minh Duy (năm 4) thuộc khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thực hiện vào đầu năm 2022. Cho đến nay, dự án đã có nhiều dòng sản phẩm phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau.

Sinh viên Trần Tuấn Kiệt - thành viên nhóm dự án cho biết từ khi còn là sinh viên năm 2, do đặc thù ngành học, nhóm có nhiều cơ hội tìm kiếm các thông tin liên quan đến vấn đề môi trường.  

Sp khoi nghiep 1

Nhóm sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã ứng dụng ruồi lính đen để xử lý rác hữu cơ. Ảnh: NVCC

Theo tìm hiểu của nhóm, hiện tại ngành sản xuất nông nghiệp thải ra lượng phụ phẩm, phế phẩm rất lớn. Số liệu cho thấy, đến năm 2020 lượng phụ phẩm nông nghiệp đã lên tới con số 156 triệu tấn. Điều này đòi hỏi cần có phương án hiệu quả để xử lý, nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Mặt khác, hiện nay giá cả nguồn cung nguyên liệu để sản xuất phân bón và thức ăn chăn nuôi tăng cao dẫn đến giá thức ăn và phân bón tăng gây khó khăn cho người dân.

Trong thời gian học tập và nghiên cứu về ruồi lính đen, nhóm nhận thấy loài vật này có khả năng xử lý rác, phế phẩm nông nghiệp nhanh hơn cả trùn quế và vi sinh hay các biện pháp thông thường. Mỗi ấu trùng có khả năng xử lý trọng lượng gấp 2 lần, từ 10 - 12 giờ đồng hồ đối với rác hữu cơ như rau, vỏ trái cây.

Với nền tảng là sinh viên ngành công nghệ sinh học nhóm đã vận dụng kiến thức chuyên ngành nghiên cứu để nâng cao chất lượng con giống và đa dạng hóa các dòng sản phẩm.

"Trên thị trường hiện nay, ruồi lính đen chủ yếu được nuôi bằng rác hữu cơ, sau khi nghiên cứu, nhóm đã sử dụng một số nguyên liệu khác thêm vào để giúp ấu trùng khỏe hơn. Ví dụ mình muốn lượng đạm chất dinh dưỡng cao thì sẽ bổ sung nguyên liệu khác vào - đó là quá trình nghiên cứu sản phẩm đúc kết được", Biện Công Đoàn - nhóm trưởng nhóm dự án - cho biết.

Dự án của nhóm đang được triển khai thử nghiệm tại khu vực TP Thủ Đức, trước đó là huyện Bình Chánh (TP.HCM) đều cho kết quả xử lý ổn. Để thực hiện dự án, nhóm hướng dẫn người dân đặt thùng rác do nhóm cung cấp tại nhà để xử lý rác thải. Điều này giúp người dân hạn chế được chi phí trả tiền rác hàng tháng, đồng thời tạo ra nguồn phân sạch để trồng cây tại hộ gia đình. Hiện nhóm đang tập trung nghiên cứu cải tiến để giảm thiểu một số mùi hôi phát sinh trong quá trình xử lý.

ruoi linh den

Ấu trùng ruồi lính đen có khả năng xử lý rác, phế phẩm nông nghiệp nhanh hơn cả trùn quế và vi sinh. Ảnh: NVCC

Theo anh Biện Công Đoàn mặc dù ấu trùng ruồi lính đen có tốc độ xử lý rác hữu cơ nhanh hơn so với dòng sản phẩm khác nhưng ngược lại nhóm cũng đang tự thu mua lại sản phẩm sau quá trình xử lý rác. Điều này đòi hỏi nhóm phải bỏ ra nhiều công sức và thời gian hơn so với các dòng sản phẩm khác. 

Hiện nay, TP.HCM cũng đang đẩy mạnh việc phân loại rác tại tại nguồn, với việc dùng ruồi lính đen để xử lý rác hữu cơ, nhóm mong muốn mở rộng hơn mô hình để phát triển. 

Hiện nhóm có 3 dòng sản phẩm khác nhau là phân bón sinh học, dịch thủy phân và thức ăn thủy sản. 

Phân bón sinh học của nhóm được tạo ra bằng cách cho ấu trùng ruồi lính đen xử lý rác hữu cơ rồi thu lại sản phẩm thải ra từ ấu trùng. Sản phẩm này khi sử dụng để bón cho rau, cây ăn trái, hoa màu... sẽ có tác dụng giúp cây sinh trưởng và phát triển. Đặc biệt trong phân có chứa axit humic là chất giúp cải tạo đất màu mỡ, duy trì và ổn định pH. Theo kết quả thử nghiệm của nhóm, sau khi bón cho cây trồng, độ pH trong đất có sự cải thiện, đối với đất xám bạc màu, phân sinh học từ ruồi lính đen cũng giúp giữ ẩm cao hơn so với phân gà và phân trùn quế.

SP khoi nghiep

 Hiện nhóm có nhiều dòng sản phẩm phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau. Ảnh: NVCC

Đối với sản phẩm dịch thủy phân, nhóm chiết xuất dịch từ ấu trùng ruồi lính đen và kết hợp với một số chủng vi sinh vật để tạo ra một loại phân hữu cơ bón lá thân thiện với con người và môi trường. Sản phẩm có công dụng cung cấp các chất đa lượng và vi lượng cần thiết cho cây trồng, đặc biệt dịch thủy phân chứa lượng đạm cao có tác dụng tăng cường trao đổi chất cho cây trồng, giúp hỗ trợ rễ phát triển khỏe mạnh…

Hiện nay, nhóm cũng đang phát triển dòng sản phẩm thức ăn thủy sản từ ấu trùng ruồi lính đen. Đối tượng sử dụng được nhóm hướng đến là thị trường thức ăn cá cảnh, đặc biệt là dòng cá la hán. Khi thay thế bột cá bằng bột ấu trùng ruồi trong thành phần thức ăn cho thấy cá phát triển nhanh, khỏe mạnh, sức đề kháng tự nhiên tăng cao, hạn chế được bệnh tật.

Vừa qua, nhóm dự án đã đạt giải Nhì tại cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý  tưởng khởi nghiệp" lần thứ 5 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. 

Bình Tú

Tin khác

Khoa học Công nghệ 11 giờ trước
(SHTT) - OpenAI đã ra mắt ChatGPT Pro, gói đăng ký trị giá 200 USD (khoảng 5 triệu đồng) mỗi tháng dành cho chatbot hàng đầu của mình.
Khoa học Công nghệ 14 giờ trước
(SHTT) - Theo trang Carscoops, Audi đang tiến hành triệu hồi hơn 4.600 xe Q5 PHEV và A7 PHEV tại Mỹ do nguy cơ quá nhiệt pin cao áp. Điều này làm gia tăng khả năng cháy nổ và gây mất an toàn cho người sử dụng phương tiện.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Hệ thống giải thưởng VinFuture gồm 4 hạng mục, trong đó một Giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD (hơn 73 tỷ đồng) và ba giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500 nghìn USD (hơn 12 tỷ đồng).
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Ngày 5/12, Trung Quốc ra mắt máy tính lượng tử siêu dẫn "Tianyan-504" được trang bị chip "Xiaohong" 504 qubit, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực tính toán lượng tử của nước này.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Tối 6/12, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ trao giải thưởng VinFuture lần thứ tư. Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương Việt Nam và đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế và các nhà khoa học.
. ..