SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Ukraine, Moldova, Gruzia ký thỏa thuận kinh tế với EU: Lối thoát cho bế tắc chính trị?

08:26, 28/06/2014
Ngày 27-6, Moldova, Gruzia và Ukraine đã ký những thỏa thuận hợp tác thương mại với Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ. Đây là sự kiện được thế giới đặc biệt quan tâm trong bối cảnh bế tắc chính trị ở Ukraine chưa có lối thoát.

Cơ hội tăng trưởng

Cuối cùng, Ukraine cũng đã tiến tới thỏa thuận hợp tác thương mại với EU có thời hạn trong 10 năm. Lẽ ra, thỏa thuận này đã được ký từ tháng 11-2013 nhưng Tổng thống Yanukovych khi ấy đã từ chối. Ngay sau đó, ông Yanukovych đón nhận sự chỉ trích gay gắt từ người dân, là ngọn nguồn dẫn đến bùng phát bất ổn chính trị hiện nay ở Ukraine.

Thỏa thuận này, theo Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, là khung quy định để giảm nạn tham nhũng, khôi phục lại nền kinh tế của quốc gia này. Nội dung của thỏa thuận có quy định, EU sẽ dỡ bỏ 98% thuế quan của mình với Ukraine. Ngược lại, Ukraine cũng dỡ bỏ 99% thuế quan để tăng cường thương mại song phương.

Theo đó, cả hai bên đều kỳ vọng vào sự tăng trưởng kinh tế, kích thích tiêu dùng và tạo ra việc làm. Theo thỏa thuận, Ukraine phải đảm bảo ít nhất trong 10 năm tuân theo các quy chuẩn của EU trong các lĩnh vực sản xuất cũng như trong các hợp đồng cấp chính phủ. 

AP cho biết, các hãng sữa ở Ukraine đã chờ đợi thỏa thuận này từ rất lâu. Milkiland đang nỗ lực đẩy nhanh cải tiến để trở thành hãng sữa đầu tiên của Ukraine có mặt trên thị trường các quốc gia EU. 53% trong số gần 100 triệu USD lợi nhuận của hãng sữa này đến từ thị trường Nga. Tuy nhiên, tháng 4 vừa qua, Nga đã ngừng nhập khẩu pho mát của Milkiland với lý do không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

EU là thị trường hấp dẫn các nhà sản xuất đến từ các nước chưa phát triển với dân số lên đến 506 triệu người với chính sách ưu đãi riêng. Chuyên gia kinh tế Volodymyr Sidenko thuộc Viện Nghiên cứu Razumkov ở thủ đô Kiev cho biết, thỏa thuận này đòi hỏi Ukraine phải thay đổi cách kinh doanh của mình theo hướng hiện đại hóa. Nếu không có sự thay đổi hệ thống ở Ukraine thì những thỏa thuận này khó có hiệu quả như mong muốn. 

Moldova (dân số 3,5 triệu người) và Gruzia (4,5 triệu người) đã ký thỏa thuận sơ bộ về liên kết với EU tại Hội nghị thượng đỉnh “Đối tác phương Đông” ở thủ đô Vilnius của Litva vào tháng 11-2013.

Thận trọng trước thay đổi

Về phía Nga, ông Sergey Glazyev, cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga Putin cảnh báo, thỏa thuận trên sẽ là một hành động tự sát đối với kinh tế Ukraine. Ông Glazyev cho rằng Ukraine sẽ đối diện với việc đồng tiền nước này giảm mạnh, lạm phát tăng, dẫn đến mức sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện Nga là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Ukraine, chiếm 25,6% lượng hàng hóa xuất khẩu từ Ukraine. 

Thậm chí, một số quan chức của EU cũng nhận định bên cạnh việc mang lại mối lợi cho nhiều công ty, thỏa thuận này có thể là nỗi ám ảnh của nhiều người. Ukraine phải đối mặt với sự thay đổi có thể gây cản trở cho các ngành công nghiệp lâu đời. 

Tờ Liberation cho biết, theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây thì 1/3 người dân Moldova ủng hộ việc gia nhập EU, 22% muốn Moldova gia nhập liên minh thuế quan với Nga, còn lại 1/3 thì lưỡng lự không có lựa chọn. Về việc gia nhập khối NATO, sự lựa chọn rõ ràng: phân nửa người dân nước này không muốn liên minh quân sự và chỉ có 20% ủng hộ.

Ngày 27-6, vòng đàm phán mới giữa lực lượng đòi ly khai ở khu vực Donetsk và Lugansk và chính quyền Kiev nhằm chấm dứt xung đột ngày càng diễn biến phức tạp ở khu vực miền Đông Ukraine đã diễn ra. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã sẵn sàng gia hạn thêm 72 giờ lệnh ngừng bắn lẽ ra hết hiệu lực vào cuối ngày 27-6. 

Trước đó, hôm 26-6, Quốc hội liên minh Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa nhân dân Luhansk tự xưng nhất trí thông qua hiến pháp chung và công bố thành lập Liên minh nhà nước Cộng hòa nhân dân Donetsk và Luhansk (UPR). UPR sẵn sàng tiếp nhận sự gia nhập của các nhà nước cộng hòa khác.

Tin khác

Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc công ty mẹ của TikTok, ByteDance phải bán nền tảng truyền thông xã hội này hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm. Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ ký vào dự luật này.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Hàng trăm y tá từ khắp California đã mặc áo sơ mi đỏ và cầm biển hiệu ghi “Hãy tin tưởng y tá, không phải AI” biểu tình bên ngoài Trung tâm Y tế San Francisco của Kaiser Permanente để phản đối việc hệ thống bệnh viện lớn sử dụng trí tuệ nhân tạo để chăm sóc cho các bệnh nhân.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Viện Phát triển và Quản lý quốc tế (IMD) phối hợp Tổ chức Thành phố Thông minh bền vững thế giới (WeGO) tháng 4/2024 đã công bố bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng đầu thế giới năm 2024. Trong đó, Hà Nội đứng ở vị trí thứ 97.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Hồng Kông (Trung Quốc) sẽ cắt giảm thuế lợi nhuận từ sở hữu trí tuệ xuống chỉ còn 5%, đồng thời điều chỉnh Luật Bản quyền để phản ánh sự tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI). Cơ chế mới cũng nhằm thúc đẩy thành phố trở thành trung tâm giao dịch bản quyền.
Tin tức 2 ngày trước
(SHTT) - Phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thời điểm ASEAN bước sang thập kỷ thứ sáu tồn tại và phát triển cũng là lúc chúng ta đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới sau khi hoàn thành việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.