Úc lập kỷ lục thế giới mới về tốc độ đường truyền internet
Trong một bài viết được đăng tải trên tạp chí Nature Communications, nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học đến từ trường đại học Monash, Swinburne và RMIT đã công bố kỷ lục mới về tốc độ đường truyền internet.
Theo đó, kỷ lục mới về tốc độ internet hiện nay trên thế giới đã được các nhà khoa học Úc thiết lập ở mức 44,2 terabit mỗi giây, tương đương với việc có thể tải 1.000 bộ phim chất lượng HD chỉ trong 1 giây.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên tốc độ này được ghi nhận trong môi trường cơ sở hạ tầng bình thường, thay vì môi trường phòng thí nghiệm của các kỷ lục liên quan trước đó. Điều này khiến các nhà khoa học hy vọng có thể áp dụng vào đời sống trong tương lai gần.
Để tạo được kỷ lục đáng kinh ngạc này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một con chip siêu nhỏ có tên micro-comb thay thế 80 laser trong phần cứng viễn thông hiện tại. Micro-comb có nhiệm vụ phân chia các tín hiệu quang thành nhiều phần để cung cấp tốc độ nhanh hơn.
Để thử nghiệm hiệu xuất của micro-comb, các nhà nghiên cứu đã đặt chip quang micro-comb trong 76,6 km sợi quang nối giữa khuôn viên thành phố Melbourne của Trường Đại học RMIT và khuôn viên Clayton của Đại học Monash. Thiết bị micro-comb trong thử nghiệm đã được sử dụng để mô phỏng cầu vồng laser hồng ngoại sao cho mỗi tia laser có khả năng được sử dụng như một kênh liên lạc riêng biệt.
Bill Corcoran, đồng tác giả của nghiên cứu và giảng viên về kỹ thuật hệ thống điện và máy tính tại Đại học Monash cho biết: “Những nghiên cứu mô phỏng khả năng của các sợi quang chúng tôi đã có trong lòng đất, nhờ vào dự án mạng băng rộng quốc gia (NBN), là xương sống của các mạng truyền thông hiện tại và trong tương lai. Chúng tôi đã phát triển một thứ có thể mở rộng để đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Dữ liệu này có thể được sử dụng cho xe tự lái và giao thông, đồng thời giúp ích cho y học, giáo dục, tài chính và các ngành công nghiệp thương mại điện tử”.
Các nhà khoa học hy vọng nghiên cứu này có thể ứng dụng cho xe tự lái và giao thông, đồng thời giúp ích cho y học, giáo dục, tài chính và các ngành công nghiệp thương mại điện tử.
Giáo sư Arnan Mitchell từ Đại học RMIT cho biết phát hiện mới cũng cho thấy tiềm năng có thể phát triển mạnh hơn của cơ sở hạ tầng ở Úc và hy vọng công nghệ này sẽ được triển khai trên toàn thế giới. Ông cho biết thêm, công nghệ này có thể sẽ tiết kiệm chi phí và tiện lợi đối với các thành phố trên thế giới.
Ngô Hiếu