SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Từ vụ xã tháo cống, cá chết trắng hồ ở Phú Thọ, hé lộ ‘lỗ thủng' lớn trong quản lý đất đai?

11:16, 07/06/2021
(SHTT) – Từ sự việc đơn lẻ, người dân có thể đánh giá về chính quyền thông qua cách ứng xử hành chính. Nhưng cũng từ việc đơn lẻ, xuất hiện “lỗ thủng” có tính phổ quát trong quản lý nhà nước về đất đai, mà người dân thường là người bị tổn thương nhiều nhất.
1. page1

Cá nổi trắng hồ Đồng Hạ sáng ngày 3/6, kéo sang ngày 1 và 5/6. 

Xã tháo cống, cá chết trắng hồ

Trong bài viết "Tam Nông (Phú Thọ): Người dân khẩn thiết đề nghị UBND tỉnh giải quyết thấu đáo vụ việc Hồ Đồng Hạ", được Sở hữu trí tuệ đăng tải ngày 02/06/2021, đã phản ánh về câu chuyện của bà Đỗ Thị Thu Hiền (người đang sử dụng Hồ Đồng Hạ tại xã Quang Húc, huyện Tam Nông) với nội dung trong khi chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết sự việc (đề nghị về việc gia hạn sử dụng hồ), thì UBND xã Quang Húc tiếp tục tháo cạn nước, khiến cá chết hàng loạt, gây thiệt hại cho người dân.

Bài viết cũng đặt ra vấn đề: Sau tất cả những đơn thư qua lại giữa công dân và chính quyền, thậm chí là những xung đột không mong muốn sắp xảy ra giữa những người “hôi cá” và chủ tài sản, thiết nghĩ, đã đến lúc UBND tỉnh Phú Thọ cần quan tâm giải quyết thấu tình, đạt lý sự việc.

2. page4

Cá được chủ tài sản vớt lên để tránh ô nhiệm nước, con to cỡ 6-8kg, con nhỏ cỡ 2-3kg. 

Theo ghi nhận, từ sớm 27/5, UBND xã Quang Húc tiến hành tháo cống Hồ Đồng Hạ, nước và cá chảy tự nhiên ra sông.... Mực nước thấp, đến trưa ngày 30/5, cá dưới Hồ Đồng Hạ nổi hàng loạt. Đến 1/6, cá tiếp tục chết, không có chiều hướng giảm.

3. page2

 

Đỉnh điểm đến ngày 3/6, cá nổi trắng hồ. Tình trạng cá chết kéo dài qua ngày 4, sang ngày 5/6. Thiệt hại vô cùng lớn (đã được chủ tài sản ghi nhận): cá to khoảng 6-8kg/con, cá nhỏ khoảng 3-4kg/con, ước tính nhiều tấn cá đã chết.

Chính quyền “vô cảm” hay “vô can”?

Ngay khi sự việc xảy ra, sáng ngày 4/6, chủ tài sản đã có tin trình báo khẩn cấp tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, xã về sự việc và đề nghị cơ quan công quyền tới nắm bắt tình hình, nhưng không có đơn vị nào tới.

3-1. page1-ho-can

UBND xã Quang Húc dường như đã cố gắng tháo cạn kiệt nước hồ... 

Theo ghi nhận của PV, trưa ngày 27/5, cống xả Hồ Đồng Hạ được mở hết cỡ (thả cửa), nước và cá trong hồ chảy tự nhiên ra phía sông. Việc mở cống do lãnh đạo UBND xã Quang Húc tổ chức thực hiện.

Trao đổi với PV, ông Vũ Xuân Tám – Chủ tịch UBND xã Quang Húc cho biết, tháo cống là hoạt động quản lý thủy lợi thông thường, hàng năm của UBND xã. Vị chủ tịch xã cho rằng, việc tháo cống thuộc thẩm quyền và đúng quy trình của UBND xã đối với công trình thủy lợi Hồ Đồng Hạ, nhằm chuẩn bị đón lũ về.

3-2. page2-khu-vuc-thi-cong

...khi việc nạo vét không cần phải tháo nước cạn nước trong lòng hồ (khu vực thi công không ở lòng hồ). 

Khi được hỏi về việc tháo cống sẽ làm thất thoát tài sản – cá của bà Đỗ Thị Thu Hiền, ông Tám nhất mực khẳng định, hiện nay ông chỉ quan tâm tới vấn đề thủy lợi – tức vấn đề nước, chứ không quan tâm tới vấn đề tài sản trong nước – tức là cá trong nước (hồ). Bởi lẽ, theo ông Tám, từ ngày 1/7/2020, UBND xã Quang Húc không còn quan hệ pháp lý nào với bà Hiền về việc sử dụng Phai ngoài Hồ Đồng Hạ, do hợp đồng đã hết hiệu lực.

Tuy nhiên, khi được hỏi về thẩm quyền quản lý Hồ Đồng Hạ hiện nay, vị Chủ tịch xã lại cho rằng từ tháng 6/2020, công trình thủy lợi loại vừa như Hồ Đồng Hạ do huyện quản lý, vì đây là công trình loại vừa. Để khẳng định lại về tính chính đáng của việc tháo cống hồ thủy lợi, ông Tám giải thích thêm: hiện nay đang trong giai đoạn thống kê các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện, nên xã tạm thời vẫn quản lý Hồ Đồng Hạ.

Chưa biết việc quản lý Hồ Đồng Hạ đã được chuyển đổi ra sao, nhưng tối ngày 27/5, theo ghi nhận, có khoảng 50 người dân tập trung ở bờ Hồ Đồng Hạ cùng các dụng cụ chài, lưới, vợt, kích điện để… hôi cá do bà Đỗ Thị Thu Hiền đang chăn thả. Theo phản ánh của bà Hiền, khi được hỏi vì sao bà con lại định xuống bắt cá, một số người dân cho rằng, Chủ tịch và Bí thư bảo cá bây giờ không của ai (cả).

Lần thứ 2 chứng kiến cảnh bị “cướp” (lần 1 là chiều ngày 7/9/2020), lực bất tòng tâm, bà Hiền buộc phải gọi điện khẩn cấp cầu cứu Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch huyện Tam Nông. Ngay lập tức, đại diện các đơn vị chức năng của huyện được điều động để ngăn chặn sự việc. Công an được lệnh thông báo lên loa phát thanh khẳng định đây là tài sản của xã quản lý, đề nghị mọi người giải tán, không đánh bắt. Sự việc tạm thời được kiểm soát, không xảy ra xô xát nào đáng kể giữa người dân và người trông cá của bà Hiền.

Sự việc tạm thời được ngăn chặn, đoàn làm việc liên ngành tiến hành họp tại UBND xã Quang Húc. Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của ông Vũ Xuân Tám – Chủ tịch UBND xã Quang Húc.

Theo ghi nhận, phần nội dung chính của cuộc họp có nhiều bất thường. Thay vì việc ghi nhận sự việc diễn ra để ghi vào biên bản thì vị Chủ tịch này nhấn mạnh về các quan điểm, nguyên tắc có tính chất giáo huấn.

Đặc biệt, ông Tám nhất mực yêu cầu bà Hiền phải xác nhận rằng Hợp đồng thầu khóa cũ đã hết hiệu lực và rút lại toàn bộ đơn, sau đó mới được đề xuất các kiến nghị. Tại cuộc họp, ông Tám cũng khẳng định, việc có đóng cống hay không lại là câu chuyện khác.

Uất ức, nghĩ mình bị “lừa”, bà Hiền đã không đồng ý rút đơn và đề nghị được giải quyết sự việc theo quy định.

Chưa biết UBND xã Quang Húc sẽ giải trình với UBND huyện Tam Nông, UBND tỉnh Phú Thọ như thế nào về buổi họp tối muộn ngày 27/5. Nhưng rõ ràng, có nhiều nội dung không khách quan, có tính chất ép buộc, đi ngược lại ý nghĩa tuyên truyền mà cấp trên giao phó cho đoàn công tác.

Vấn đề đặt ra và được dư luận quan tâm là, trong khi chờ cơ quan có thẩm quyền xác định rõ phương thức và lộ trình giải quyết các đề nghị của bà Hiền về việc sử dụng Hồ Đồng Hạ (liên quan đến pháp luật về đất đai, thủy lợi), UBND xã Quang Húc có nhất thiết phải hành xử như vậy? Giữa bối cảnh dịch Covid – 19 hoành hành, đời sống nhân dân khốn khổ, nuôi được cá sống (mà chưa biết ngày nào bán được) đã là khó, cách hành xử “sốt sắng” như vậy của UBND xã Quang Húc có phải muốn ép dân, “dìm dân” xuống đáy của sự cùng cực? Ở đây chắc hẳn sẽ đặt ra vấn đề về sự nhân văn trong công tác quản lý.

Hồ sơ giải quyết vụ việc cũng cho thấy, quá trình giải quyết đơn có sự “bẻ lái” của chính quyền, cũng như không phát huy được đối thoại giữa các bên. Cụ thể, sau khi UBND huyện Tam Nông ban hành thông báo thụ lý khiếu nại (lần 2) đối với đơn của người sử dụng đất Đỗ Thị Thu Hiền (Thông báo số 96/TB-UBND ngày 26/8/2020), thì UBND xã Quang Húc lại ban ban hành văn bản hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (Quyết định số 154/QĐ-UBND ngày 5/11/2020 bãi bỏ Quyết định số 99/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Đỗ Thị Thu Hiền). Từ đó, các cấp liên tiếp chuyển tiếp văn bản cho cấp huyện, cấp xã, mà không có buổi đối thoại nào đúng nghĩa được tổ chức, khiến cho những vấn đề pháp lý không những không được hóa giải, mà còn gia tăng các xung đột, kể cả những hiểu lầm.

3-3. page3

Sau khi hồ cạn nước, cá chết hàng loạt (3/6), Chủ tịch UBND xã Quang Húc mời bà Hiền tới để đối thoại (3/6). Bà Hiền bức xúc mang cá tới UBND xã Quang Húc để trình báo...

Ban Tiếp công dân tỉnh Phú Thọ thì cho rằng, các bên tự thỏa thuận, thương lượng, nếu không thống nhất được thì khởi kiện tại tòa án. Đây đang là quan điểm nhất quán của cấp tỉnh ở Phú Thọ.

Ngày 02/4/2021, UBND huyện Tam Nông ban hành văn vản số 633/UBND-TTr V/v phúc đáp văn bản số 30/ĐĐBQH-CĐ ngày15/3/2021 của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ. Bằng văn bản này, UBND huyện Tam Nông còn báo cáo nội dung tới các cơ quan của tỉnh được biết và chỉ đạo.

“Lỗ thủng” trong quản lý đất đai

Theo một số luật gia, vụ việc cho thấy có sự khiếm khuyết trong hệ thống quy định về quản lý, sử dụng đất công ích, đất – hồ thủy lợi, từ cấp trung ương tới địa phương, dẫn tới những khó khăn trong việc áp dụng pháp luật đối với những tình huống phát sinh.

Ở góc độ pháp luật, việc chính quyền đưa đất khu vực Hồ Đồng Hạ vào loại đất 5% (để thực hiện đấu thầu 5 năm 1 lần) là chưa đúng. Đất này cần được phân vào nhóm đất ao, hồ, đầm để nuôi trồng thủy sản, hoặc nhóm đất có mặt nước chuyên dùng để kết hợp sản xuất nông nghiệp và thủy lợi, vì việc nuôi cá không ảnh hưởng tới vấn đề thủy lợi.

Đơn cử như trường hợp Hồ Đồng Hạ, nhiều người tưởng cả hồ này là công trình thủy lợi, nhưng không phải. Chỉ có cái cống hồ là công trình thủy lợi – nó sẽ được được điều chỉnh bởi pháp luật về thủy lợi, còn khu vực Hồ Đồng Hạ, cần được điều chỉnh bởi luật đất đai.

Ở góc độ sản xuất, ý kiến chuyên gia cho rằng, đất đai là tư liệu sản xuất, phải được giao trong thời gian đủ dài để người sử dụng đất có thể yên tâm đầu tư, mới có thể làm giàu từ đất. Việc phân thành đất 5% để tiến hành đấu thầu, nó giống như một công cụ quản lý dễ gây phiền hà cho người sử dụng đất hơn là một phương thức quản lý vì nông dân, vì đất.

Ý kiến luật gia cùng khẳng định, về căn bản, cần phải minh định lại tính chất pháp lý của Hồ Đồng Hạ theo quy định pháp luật về đất đai và luật thủy lợi, từ đó có mô thức, phương thức quản lý phù hợp, mới giải quyết căn bản loại sự việc như của bà Hiền theo quy định. Trường hợp bà Hiền nhận thấy sự việc ngoài phạm vi trách nhiệm của chính quyền địa phương mà có liên quan đến quy định của cấp trung ương, thì có thể đề nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn, giải quyết vụ việc.

Hiện chúng tôi đã liên hệ với UBND tỉnh Phú Thọ để tiếp tục tìm hiểu sự việc.

Phúc Huy – Bắc Hiệp

Tin khác

Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Cuộc chiến pháp lý giữa các công ty dược phẩm từ năm 2022 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mới đây, Pfizer và BioNTech đã yêu cầu một tòa án ở London (Anh) thu hồi các bằng sáng chế của công ty đối thủ Moderna về công nghệ phát triển vắc xin COVID-19.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Công an Thành phố Hà Nội, một nạn nhân đã trình báo về việc tham gia đầu tư tiền ảo và bị lừa đảo trực tuyến hơn 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, các mánh khóe, chiêu lừa được các đối tượng sử dụng để moi tiền của nạn nhân đều không mới.
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Vũ Thị Kim Dung (Rouse) đã có phần trình bày liên quan đến vấn đề pháp luật về xác lập quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, từ sửa đổi đến thực tiễn áp dụng.
Pháp luật 5 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức Hội thảo khoa học tham vấn, trao đổi, thảo luận các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Pháp luật 1 tuần trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ môn Sở hữu trí tuệ - Khoa Khoa học Quản lý phối phợp cùng Hội Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam tổ chức tạo đàm “Luật Sở hữu Trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại”.