SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Từ vụ Khải Silk, băn khoăn: ‘Lụa thật’ vẫn còn hay…đã tuyệt chủng

06:40, 29/10/2017
(SHTT) - Lời thú tội của ông chủ Khải Silk xin lỗi khách hàng vì đã thừa nhận bán khăn Trung Quốc như một đòn đau giáng vào niềm tin của nhiều người Việt về việc phát triển, duy trì nhiều mặt hàng thủ công truyền thống của Việt Nam
IMG_1089
Làng lụa Vạn Phúc, nơi tạo nên thương hiệu lụa Việt Nam.

“Đội lốt” con buôn đi tìm “lụa thật”

Mấy ngày hôm nay, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng xen lẫn cảm xúc phẫn nộ khi nhiều năm qua ông chủ Khải Silk nhập hàng khăn lụa Trung Quốc về dán nhãn made in Việt Nam lừa người tiêu dùng.

Vậy! Một câu hỏi đặt ra: Lụa tơ tằm nguyên chất vẫn còn hay… đã “tuyệt chủng”? Nó quá đắt hay quá hiếm, hay chất lượng quá tệ đến nỗi một doanh nghiệp buôn bán lụa lớn nhất nhì nước phải làm trò "cho mèo hóa chuột" để kinh doanh.

Đi tìm câu trả lời tại tại làng lụa Vạn Phúc, nơi được coi là cái nôi tạo nên những tấm lụa mềm mượt, mang đậm chất truyền thống bao đời nay của người Việt, nhóm PV chúng tôi khá bất ngờ trước những kết quả thu lượm được.

Để đảm bảo mua được những chiếc khăn lụa thực sự chất lượng thì làng Vạn Phúc được coi là địa điểm lý tưởng. Bởi vì từ thế kỷ thứ 9 đến nay, làng nghề Vạn Phúc đã ra đời cùng với công việc trồng dâu, nuôi tằm, dệt lên từng sợi tơ, tấm lụa. Tính đến nay, ngôi làng Vạn Phúc đã trải qua hàng ngàn năm với nghề dệt lụa.

12_lua_van_phuc_td-10_21_07_248
Lụa được trưng bày tại các quầy trong chợ lụa Vạn Phúc.

Trong vai nhân viên đang làm việc tại một công ty du lịch có nhu cầu tìm mối nhập số lượng lớn khăn lụa tơ tằm làm quà tặng cho khách nước ngoài, chúng tôi vào một cửa hàng nằm trong khu Trung tâm kinh doanh lụa Vạn Phúc chất lượng cao để tìm hiểu.

Tại cửa hàng chuyên bán đồ tơ lụa, chị chủ niềm nở mời chào mua các mặt hàng lụa Vạn Phúc chính danh được sản xuất ngay tại làng.

Khi giới thiệu về mặt hàng mình đang bán, chị chủ cửa hàng cho biết, giá cả tùy thuộc vào độ dày mỏng của từng tấm khăn lụa.

Một chiếc khăn lụa mỏng được bán với giá 160.000 đồng/chiếc, một chiếc khác có giá 100.000 đồng/chiếc giá bán lẻ, nếu lấy số lượng lớn giá sẽ giảm hơn.

Hơn thế nữa, hai chiếc khăn cùng kích cỡ, một chiếc nhuộm loang sẽ có giá rẻ hơn khăn lụa thường. Vừa nói, chị chủ cửa hàng giới thiệu một chiếc khăn dày dặn nhất có giá 480.000 đồng/chiếc giá bán lẻ. Nếu lấy 100 chiếc sẽ giảm giá còn 300.000 đồng/chiếc.

Người phụ nữ này cũng khẳng định đây là tơ tằm nguyên chất 100%, không pha. Vừa nói, chị vừa tìm mác được gắn ở viền khăn với thương hiệu quen thuộc made in Việt Nam, 100 % lụa tơ tằm.

Ngoài ra, chị chủ cửa hàng không quên giới thiệu một số khăn lụa nhập từ Trung Quốc: “Mình bán ở đây 15 năm rồi, nên chất lượng sản phẩm thế nào giá sẽ như vậy. Mình giới thiệu để khách có nhiều lựa chọn. Sản phẩm này quá nổi tiếng rồi, từ trước đến nay, khách người nước ngoài nhìn khăn là họ biết hàng thật, hàng giả ra sao”.

Ra khỏi cửa hàng, nhóm PV tìm đến một cửa hàng đầu cổng làng, tại đây, hàng Trung Quốc được bán công khai, treo xung quanh quầy.

Tuy nhiên, chúng tôi phải hỏi dò trước là mua buôn thì mới được người bán tư vấn giá tốt nhất.

Theo chị H. chủ cửa hàng, mặt hàng tơ sống là mặt hàng khăn lụa được nhiều khách hàng ưa chuộng, giá thành rất mềm. Hầu hết các công ty đều lấy mặt hàng này về làm quà tặng cho khách. Mua số lượng lớn 100 chiếc có giá 50.000 đồng/ chiếc đã bao gồm đóng hộp: “Nếu bán lẻ, một chiếc khăn lụa tơ sống có giá 150.000 đồng/chiếc, tùy thuộc vào khách hàng, cũng có lúc tôi bán được với giá 500.000 đồng/ chiếc. Nếu em mua ở những quầy khác sẽ không có giá này đâu. Vì họ phải mất tiền thuê nhân viên, thuê mặt bằng, còn đây là nhà chị nên chị nói để cho em mua”.

Hàng khăn tơ lụa voan bao gồm cả gắn mác công ty nếu khách có nhu cầu và đóng hộp có giá từ 70.000 đồng/chiếc; khăn đũi thêu và khăn đũi hoa văn giá thành đắt hơn, hai loại ấy chênh nhau khoảng 40.000 – 60.000 đồng/chiếc.

Riêng khăn lụa thêu đã thay mác và đóng hộp giá từ 180.000 đồng - 200.000 đồng/chiếc. Có loại khăn lụa 3D được nhiều người ưa chuộng, giá bán lẻ là 250.000 đồng/ chiếc, bán buôn là 80.000 đồng/chiếc.

“Không có loại khăn nào chất liệu 100% lụa”?!

Đó là lời khẳng định chắc nịch của chị H. khi được hỏi về khăn lụa tơ tằm chuẩn của làng lụa Vạn Phúc.

Khi chúng tôi gặng hỏi mong muốn lấy được hàng khăn lụa không chuẩn 100% để có được giá chiết khấu tốt nhất, lúc đầu chị H. khẳng định chắc nịch rằng sản phẩm của mình là hàng 100% lụa thật, nhưng trước thái độ lưỡng lự của khách hàng, chị H. thú nhận không có chiếc khăn nào 100% lụa.

Theo chị H., có cái khăn 70% là lụa, được pha với 30% là một loại sợi khác. Cũng có cái chỉ 60% là lụa, còn lại 40 % chất khác pha thêm: “Tôi sinh ra và lớn lên ở làng này, tôi biết, không có chiếc khăn nào là khăn lụa nguyên chất. Bởi vì, nếu từ lụa nguyên chất sẽ cho ra chiếc khăn không có màu đẹp mà màu rất xỉn. Tôi đảm bảo, khách xem xong cái khăn đó chẳng muốn lấy. Những điều này chỉ người trong ngạch mới biết. Chỉ vì khách hàng ai cũng thích khăn lụa 100% nên chúng tôi để mác như vậy cho họ thích mà thôi”.

Vậy ngoài lụa ra, chất còn lại trong khăn có phải là sợi nhập từ Trung Quốc? chị H. cho hay, đó có thể là sợi tơ bóng, hoặc có thể là những chất khác, chứ tuyệt nhiên, không pha sợi Trung Quốc.

Vừa nói, chị H. chỉ tay vào chiếc khăn có sợi tua rua, chị: “Như chiếc khăn này có làm sợi tua rua, tất cả các sợi tua đều là những sợi lụa nguyên chất. Khách hàng có thói quen thử lụa bằng cách đốt sợi này. Tuy nhiên, nếu dùng cách này để tìm ra chất lượng lụa thật hay giả thì vô ích. Bởi vì, tất cả những sợi tua rua ấy đều được làm từ lụa chuẩn người ta pha trộn chất khác ở trong chiếc khăn chứ không phải ở những sợi này”.

Cần xem lại khái niệm thế nào là lụa Vạn Phúc

IMG_1012
Bà Oanh bên cạnh xưởng dệt tại nhà.

Với mong muốn được chứng kiến trực tiếp cảnh tằm nhả tơ, người dân dệt sợi như thế nào, qua chị H. chúng tôi được giới thiệu đến nhà một người phụ nữ tên Oanh, người phụ nữ gần 40 năm sống bằng nghề dệt lụa.

Nếu ngày xưa, mọi công đoạn từ trồng dâu, nuôi tằm, xe tơ, dệt lụa đều được gói gọn trong khu làng nhỏ thì ngày nay, người dân không còn trồng dâu, nuôi tằm nữa mà họ nhập sợi tơ từ nơi khác về và dệt thành những tấm lụa.

Theo bà Oanh, sợi tơ bà phải mua từ một công ty dâu tằm ở Gia Lâm về dệt lụa. Được biết, công ty này nhập sợi từ Bảo Lộc, Tp. HCM. Bà cho biết: “Hiện tại, một mình tôi có tất cả 6 cái máy quay tơ, nhà tôi đã chuyển từ quay máy chứ không quay tay như ngày xưa nữa. Tôi chỉ hoàn thiện đến công đoạn dệt lụa thành tấm lụa thô, sau đó các thương lái trong làng đến thu mua mang đi chuội, nhuộm, cuối cùng mới ra sản phẩm”.

Đồng tình với ý kiến của bà H., bà Oanh khẳng định: “Hiện nay, ở Vạn Phúc gần như không nhiều hộ gia đình sản xuất lụa nguyên chất bởi vì những tấm lụa không pha làm ra rất khó bán, do giá thành khá đắt so với những loại lụa khác. Loại lụa chuẩn có giá 400.000 đồng/m, nếu may 1 chiếc áo hết 2m, hết gần 1 triệu đồng nên không mấy người dám bỏ tiền may loại lụa chuẩn này.

Còn lụa pha những chất khác giá mềm hơn nhiều, những người thu nhập thấp như tôi cũng có thể mua được”.

Đành rằng hiện nay lụa nguyên chất rất hiếm, nhưng liệu rằng lượng tơ người dân nhập về dệt có phải là hàng chuẩn do Việt nam sản xuất hay là tơ nhập từ Trung Quốc? Bà Oanh không dám khẳng định điều này vì: “Chúng tôi không tự tay sản xuất ra tơ nên làm sao tôi dám khẳng định về chất lượng của nó”.

Tiếp tục đi tìm nguồn tơ nhập về của người dân Vạn Phúc đang dùng để dệt lụa hàng ngày, chúng tôi tìm đến gia đình bà  Nguyễn Thị Tâm, chủ cơ sở lụa tơ tằm Mão Silk ( phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) đồng thời cũng là chủ xưởng dệt Triệu Văn Mão.

Đây là một trong những xưởng lụa có uy tín từ lâu trong làng Vạn Phúc.

Cũng giống như những cửa hàng khác, sản phẩm lụa ở đây rất đa dạng, nhiều mẫu mã, có cả những sản phẩm lụa thêu hoa văn rất tinh xảo.

Tuy nhiên khi hỏi người trông cửa hàng, con gái bà Tâm về nguyên liệu nhập của những chiếc khăn lụa tơ tằm, chị này cũng khẳng định lụa của gia đình mình nhập nguyên liệu sợi chủ yếu ở Sài Gòn, Phú Thọ. Tuy nhiên, một số làng nghề kéo tơ, dệt lụa nổi tiếng như làng dệt lụa tơ tằm ở Hưng hà (Thái Bình), làng dệt lụa Nha xá (Hà Nam) không được bà nhắc đến. 

Vậy, tơ mà các tiệm lụa của làng lụa nổi tiếng nhất nhì này đang sử dụng có thực sự là tơ Việt hay không? Câu hỏi này sẽ tiếp tục được trả lời trong bài viết kỳ tới.

Cù Hiền - Chí Hiếu

 

Nghịch lý: Lụa Việt Nam giá rẻ nhưng có tiền cũng ...khó mua

Theo ông Trần Hữu Phương, Phó Giám đốc HTX Tơ lụa Mã Châu, ngay tại TP Hội An (Quảng Nam) nếu thống kê nguồn gốc lụa tơ tằm chắc lụa Trung Quốc phải chiếm đến 90%.

 

Khăn lụa Khaisilk 'made in China': Có thể bị truy tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả

"Nếu như Khaisilk mua khăn lụa sản xuất tại Trung Quốc, cắt nhãn, và đính nhãn mới sản xuất tại Việt Nam, thì hành vi này có thể bị xem xét truy tố hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự hiện hành", Luật sư Vũ Thái Hà

Tin khác

Tin tức Việt Nam 4 năm trước
Mùa phim hè 2020 đã trở nên ảm đảm vì Covid-19 khi hàng loạt bom tấn phải lùi lịch chiếu đến cuối năm thậm chí tận năm sau. Tuy nhiên, các khán giả vẫn được 'bù đắp' vào tháng 11 - tháng có số lượng bom tấn lớn nhiều nhất năm 2020!
Tin tức Việt Nam 5 năm trước
Hai con giáp may mắn được Thực Thần ghé thăm vào hôm nay sẽ đón tài lộc, tiền bạc đầy nhà.
Tin tức Việt Nam 5 năm trước
Thuyền trưởng của Man City tin rằng đội bóng của ông sẽ thắng tất cả các trận đấu còn lại để bảo vệ thành công ngai vàng Ngoại hạng Anh.
Tin tức Việt Nam 5 năm trước
Nhập dịp cuối tuần này, tuổi Tuất nên ra ngoài đi chơi cùng mọi người, có thể sau những chuyến đi bạn lại tìm thấy người thực sự tâm đầu ý hợp với mình đấy.
Tin tức Việt Nam 5 năm trước
Vinicius ghi bàn quyết định từ chấm 11m ở những phút bù giờ giúp TP.HCM giành chiến thắng nghẹt thở 3-2 trước Bình Dương.