Từ thiện qua mạng: Liệu lòng trắc ẩn có được đặt đúng chỗ?
Lợi dụng lòng thương bằng những câu chuyện không có thật
Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, sẽ không khó để chúng ta bắt gặp một câu chuyện cảm động về hoàn cảnh khó khăn của ai đó. Ở phía dưới là các bình luận đồng cảm, thương xót và bày tỏ mong muốn ủng hộ vật chất.
Không gian 4.0 khiến những tấm lòng nhân ái kết nối được với nhiều mảnh đời cần giúp đỡ. tiếp sức kịp thời cho những hoàn cảnh khó khăn.
Một trong những câu chuyện ấm lòng có thể kể đến là vụ việc của bác bảo vệ Bùi Tiến Giảng (86 tuổi) tại Biên Hòa. Câu chuyện của bác Hòa từng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng khi trong ca trực của mình, bác bị đối tượng xấu lừa bẻ khóa, trộm xe nhưng lại không có điều kiện để đền bù cho khách do hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Sau khi một tài khoản đăng tải thông tin này trên Facebook cá nhân, bác đã nhận được hỗ trợ từ những tấm lòng hảo tâm của cộng đồng mạng và có đủ số tiền để bồi thường giá trị của chiếc xe bị mất chỉ trong vài giờ sau đó.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều “quả ngọt” khi các mạnh thường quân trao yêu thương từ thông tin trên mạng xã hội. Không cần phải là đại diện cho một tổ chức từ thiện, hay là cá nhân có ảnh hưởng mới có thể đứng ra kêu gọi quyên góp. Bất kỳ ai chứng kiến hoàn cảnh cần giúp đỡ cũng có thể kể lại câu chuyện và kết nối với người cần hỗ trợ. Cộng đồng mạng không bận tâm nhiều đến người kể chuyện là ai, họ chỉ quan tâm về nội dung chia sẻ.
Nhưng chính sự dễ dàng này cũng là con dao hai lưỡi. Mới đây, cộng đồng mạng truyền tay nhau đoạn clip về câu chuyện gánh rau của một chàng trai được Hội Phụ nữ của tổ dân phố đứng ra mua giúp.
Theo đó, chàng trai này nhận được tin mẹ mất ngay khi đang bán hàng, tình nguyện tặng rau miễn phí để sớm được về nhà. Hội Phụ nữ đã mua lại cả xe rau với giá 11 triệu đồng. Đoạn clip được chi sẻ trên Facebook và nhanh chóng nhận được sự cảm thông từ cộng đồng mạng. Có người hỏi địa chỉ, có người xin số tài khoản ngân hàng với mong muốn góp sức cho chàng trai bán rau.
Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, câu chuyện bị bóc mẽ là chiêu trò lừa đảo, cộng đồng mạng cũng thở phào nhẹ nhõm vì chưa ủng hộ.
Một số nghệ sĩ như Quách Ngọc Tuyên, Khả Như cũng vướng vào lùm xùm kêu gọi từ thiện khi chia sẻ hoàn cảnh về một bé trai bị bệnh nặng, không có tiền chữa trị. Theo đó, khi đọc được chia sẻ từ các nghệ sĩ, một nhà hảo tâm đã nhanh chóng chuyển tặng 100 triệu đồng vào số tài khoản trong bài đăng. Nhưng sau khi xác nhận với bệnh viện, nhà hảo tâm phát hiện không có trường hợp nào giống như bé trai được nhắc tới, mà đây chỉ là hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
Một trường hợp lừa đảo từ thiện rúng động khác được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra là Nhóm từ thiện 82 với đại diện là Nguyễn Thị Minh Thy cùng câu chuyện “bác sĩ Trần Khoa rút ống thở của ba mẹ để cứu sản phụ”.
Trong vụ việc này, lợi dụng thời điểm cả cộng đồng đang đổ dồn sự quan tâm vào các y bác sĩ trong chiến dịch chống COVID-19, Nguyễn Thị Minh Thy đã tự viết nên “kịch bản” cảm động này, cùng với sự “trợ diễn” của hàng loạt tài khoản Facebook giả khác. Kết quả, đối tượng này thu được không ít tiền từ cộng đồng dưới danh nghĩa ủng hộ bác sĩ Trần Khoa.
Ủng hộ hết mình, kết quả hết hồn
Mạng xã hội là kênh thông tin có sức lan tỏa rất nhanh tuy nhiên nếu không thể xác thực thì rất dễ bị lừa. Một bức ảnh, một đoạn video có thể bị “tam sao thất bản” thành vô vàn ý nghĩa khác nhau, khiến cộng đồng mạng “dở khóc, dở cười” vì những pha gây quỹ khó đỡ.
Trên TikTok, một clip ghi lại hình ảnh bà cụ 60 tuổi ở xã Y Tý, tỉnh Lào Cai mang vác bao xi măng nặng 50kg, khoác chiếc áo cũ sờn bên ngoài bộ quần áo mỏng manh. Người quay video là một tài xế chuyên chở vật liệu xây dựng, thấy xót xa trước hình ảnh của bà cụ nên đã chia sẻ với cộng đồng mạng.
Chỉ đến khi một nhà hảo tâm đến thăm với mục đích trực tiếp ủng hộ bà cụ, cộng đồng mạng mới “ngã ngửa” về sự thật đằng sau đoạn video. Hóa ra bà cụ đã có ngôi nhà khang trang ở xã Y Tý, đi làm thêm trong lúc rảnh rảnh rỗi để rèn luyện sức khỏe và không có nhu cầu nhận tiền quyên góp từ cộng đồng.
Và còn rất nhiều những câu chuyện quen thuộc, như một bức ảnh chụp vô tình nhưng lại là nguồn cảm hứng để sáng tác thành hoàn cảnh éo le, hay đoạn video “từ trên trời rơi xuống” được “xào nấu” nội dung để “câu” like, “câu” view, kêu gọi sự cảm thông từ cộng đồng mạng.
Dù không có mục đích lừa đảo, nhưng những trường hợp này là lời nhắc nhở chúng ta cần tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin trước khi quyết định ủng hộ ai đó.
Làm gì để lòng tốt không đặt sai chỗ?
Chúng ta cần thật sự tỉnh táo trước bão thông tin. Nếu thấy 1 bài đăng thông tin về một hoàn cảnh khó khăn, chúng ta cần xác nhận chính xác hoàn cảnh của người đó ra sao. Điều này vừa giúp kiểm tra lại thông tin, vừa khiến câu chuyện của người cần giúp đỡ được biết đến một cách rõ ràng và minh bạch hơn.
Bên cạnh việc kiểm chứng thông tin, chúng ta cũng cần mạnh tay xử lý những trường hợp vi phạm khi phát hiện có người trục lợi hoặc có ý định trục lợi. Cùng với đó là mạnh dạn cảnh báo trên mạng xã hội, báo cáo cơ quan chức năng để nhanh chóng ngăn chặn hành vi lừa đảo của các đối tượng xấu.
Theo Pháp luật Việt Nam, hành vi lừa đảo này được xét vào tội chiếm đoạt tài sản, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc phạt từ 6 tháng đến 20 năm tùy theo mức độ nghiêm trọng.
Viết Sơn