SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 25/03/2024
  • Click để copy

Từ “siêu” dự án nghìn tỷ đến những “tai tiếng” và dấu hỏi về năng lực tài chính của Tập đoàn Bitexco

07:47, 07/11/2018
(SHTT) - Tập đoàn Bitexco được giao thực hiện nhiều dự án có quy mô và vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Bitexco đã để xảy ra nhiều “tai tiếng” tại những dự án này.

 Nhà đầu tư ngoại “tháo chạy”, Bitexco từ bỏ dự án Thanh Đa?

Cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng.

Thời điểm đó, thông tin về “siêu đô thị” tương lai này được lan truyền rộng rãi với những mỹ từ được sử dụng để tô vẽ cho dự án. 

Tuy nhiên, đến tháng 10/2016, Bitexco bất ngờ thông báo Emaar Properties PJSC đã rút khỏi dự án với lý do được Bitexco đưa ra là Emaar đề xuất các ưu đãi ngoài các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, yêu cầu xác định chính xác chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, xin miễn, giảm giá trị tiền sử dụng đất và các cam kết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thời hạn bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư, đồng thời khẳng định nếu các điều kiện này chưa rõ thì Emaar chưa tham gia đầu tư dự án. 

Đối tác ngoại rút lui đồng nghĩa với việc Bitexco vẫn chưa thể triển khai dự án, và cuộc “tháo chạy” của Emaar một lần nữa khiến dư luận đặt dấu hỏi, khi đối tác ngoại rút lui, liệu Bitexco có đủ sức thực hiện dự án này?

cc

 Một góc bán đảo Thanh Đa. Ảnh: CafeF

Mới đây nhất, UBND TP HCM đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất việc tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư mới có năng lực thực hiện hơn, nhằm đảm bảo tính khả thi cho dự án. 

Điều này đồng nghĩa với việc siêu dự án đã từng có sự hiện diện của nhiều đại gia bất động sản trong và ngoài nước đã phải quay lại vạch xuất phát tìm nhà đầu tư mới.

Tuy nhiên, câu hỏi đang khiến nhiều người quan tâm là việc Bitexco sẽ tiếp tục thực hiện hay từ bỏ dự án này hiện vẫn còn bỏ ngỏ. Hiện, UBND TP HCM vẫn chưa có thông báo chính thức nào về vấn đề này.

Nhiều sai phạm tại dự án Đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An 

Dự án Đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An được khởi công vào ngày 15/5/2014, bao gồm hai tuyến đường số 1, số 5 và Cầu vượt trực thông giữa Tuyến số 1 với Quốc lộ 70 được UBND TP giao cho Tập đoàn Bitexco đầu tư thực hiện. 

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (tại Thông báo số 1785 ngày 19/7/2017), cơ quan thanh tra đã chỉ rõ, đây là một trong số những dự án mà UBND TP Hà Nội thẩm định, đánh giá và lựa chọn thực hiện dự án năng lực về tài chính của Nhà đầu tư còn hạn chế, không đảm bảo năng lực. 

Nhà đầu tư dự án là Tập đoàn Bitrexco, tại thời điểm thẩm định, đánh giá lựa chọn nhà đầu tư bị xác định là hạn chế về năng lực tài chính, không đảm bảo năng lực tài chính theo quy định. 

Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ các nội dung về đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán của Dự án là chưa chính xác, làm ảnh hưởng đến việc tính toán, sắp xếp phương án giao đất đối ứng để xác định tiền sử dụng đất.

Cụ thể, công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng mức vốn đầu tư không chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và định mức không đúng khiến tăng số tiền trên 12,173 tỷ đồng. Công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công cũng chưa chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và áp dụng định mức chưa đúng, làm sai tăng số tiền gần 16 tỷ đồng. 

2

Dự án Đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An do Tập đoàn Bitexco đầu tư thực hiện vướng nhiều sai phạm. 

Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội và Công ty Bitexco giảm trừ giá trị tổng mức đầu tư số tiền 12,173 tỷ đồng trên. 

Với số tiền lập, thẩm tra, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công chưa đúng gần 16 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu TP Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT và Nhà đầu tư loại khỏi giá trị dự toán thiết kế bản vẽ thi công số tiền trên 6,2 tỷ đồng làm cơ sở thanh, quyết toán hợp đồng BT. 

Bên cạnh đó, dự án cũng bị đánh giá là chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng làm phát sinh tăng chi phí đầu tư... 

Ngoài ra, tại báo cáo kiểm toán năm 2017, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong các dự án BT của Hà Nội; trong đó có dự án BT nói trên. Cụ thể, Kiểm toán nhà nước cho biết, dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư đội vốn không căn cứ lên tới 36,79 tỷ đồng. 

Liên quan đến vấn đề này, thông tin đến báo chí, một đại diện truyền thông của Bitexco đã lên tiếng giải thích về việc dự án đội vốn và kéo dài thời gian thực hiện là do UBND Thành phố có chủ trương tiếp tục giao thêm cho Bitexco đầu tư thực hiện thêm một số hạng mục tại dự án nên tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên 1.921.116 triệu đồng. 

Thời gian thực hiện dự án cũng được điều chỉnh từ 36 tháng lên thành 54 tháng (từ tháng 5/2014). Vì vậy, đại diện Bitexco cho rằng, tính tới thời điểm hiện tại dự án vẫn đang trong thời gian thi công nên nói chậm tiến độ là không chính xác. 

Mặc dù vậy, hiện tại các tuyến đường, các hạng mục được phê duyệt ban đầu vẫn còn dang dở, chưa tuyến đường nào hoàn thiện dù Bitexco đã triển khai xây dựng dự án này từ năm 2014. 

Mua “đất vàng” giá rẻ sau đó bán cho doanh nghiệp nước ngoài để kiếm lời? 

Ngoài các dựa án nói trên, Bitexco cũng liên quan đến những “lùm xùm” về hàng loạt khu đất vàng ở Huế mà tập đoàn này được “ưu ái” bán rẻ không qua đấu giá. 

Thời điểm nhận chuyển nhượng, Bitexco tuyên bố sẽ biến những nơi này đẹp hơn, sang trọng và thu hút nhiều du khách hơn cho Huế nhưng chỉ ít lâu sau khi mua xong, Bitexco đã bán ngay cho doanh nghiệp nước ngoài để kiếm lời? 

Cụ thể, Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang nguyên là Công ty Du lịch Hương Giang - doanh nghiệp lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế về du lịch. Công ty này nắm giữ hầu hết các khách sạn lớn nằm ở các khu "đất vàng" đắc địa nhất tại TP. Huế và biển Lăng Cô. Bên cạnh đó, hai công ty con của Công ty Du lịch Hương Giang cũng nắm giữ nhiều khu "đất vàng" ở TP.Huế. 

Tháng 7/2007, Công ty Du lịch Hương Giang cổ phần hóa trở thành Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang. Trong đó, phần vốn của Nhà nước nắm giữ là 62,8%. 

3

 Khách sạn SaiGon Morin (Huế) tọa lại trên khu đất đắc địa.

Đến tháng 3/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện chủ trương thoái vốn nhà nước và bán toàn bộ cổ phần trong Công ty du lịch Hương Giang cho Tập đoàn Bitexco. Tổng số cổ phần là 12.572.200 được bán với giá 158 tỷ đồng. 

Sau khi mua lại cổ phần từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cộng với hơn 7,6% cổ phần đã mua trước đó, Bitexco đã chiếm giữ hơn 70,4% cổ phần, trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang. 

Nhưng chỉ hơn 3 tháng sau, ngày 24/10, Bitexco đã bán lại 5.758.000 cổ phần cho một doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) là Công ty TNHH Kei Sei (nay có tên là Công ty TNHH Crystal Treasure), giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 41,7%. 

Như vậy, Bitexco đã chuyển phần lớn cổ phần của Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang với hàng loạt khu “đất vàng” cho doanh nghiệp nước ngoài. Thương vụ này đã khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về việc tài sản công bị bán rẻ, gây thất thoát tài sản và ngân sách nhà nước. 

Điều này một lần nữa khiến dư luận băn khoăn, liệu doanh nghiệp này có phải chỉ là một đơn vị “trung gian” mua bán kiếm lời từ việc "sang tay" dự án hay vì lý do nào khác? 

Dự án The One “bất động” suốt nhiều năm 

Một dự án khác của Tập đoàn Bitexco là cao ốc văn phòng - thương mại - dịch vụ The One. Khu đất xây dựng dự án có diện tích 8.641m2, tọa lạc ngay trung tâm đắc địa của quận 1, TP HCM, hiện dự án được đổi lại tên là Spirit of Saigon. 

Xung quanh dự án này là những địa danh nổi tiếng mang tầm biểu tượng của thành phố như chợ Bến Thành, Bảo tàng Nghệ thuật, công viên 23/9, Bệnh viện Sài Gòn... 

4

 Dự án The One sau nhiều năm vẫn "án binh bất động". Ảnh: Tiền Phong.

Thời điểm triển khai dự án, lãnh đạo Bitexco khẳng định, đến năm 2015, khi tòa tháp The One hoàn thành, nền kinh tế và thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trở lại. 

Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, công trình này vẫn rơi vào tình trạng "án binh bất động", dự án vẫn chưa thành hình, hiện chỉ là khu đất với những mảng bê tông cốt thép được quây tôn lại. 

Hải Lan

Tin khác

Pháp luật 7 giờ trước
(SHTT) - Lợi dụng dịp cao điểm quyết toán thuế, nhiều đối tượng lừa đảo đã sử dụng hình thức giả mạo cán bộ thuế , cơ quan thuế để thực hiện hành vi chiếm đoạn tài sản.
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Công an thành phố Hà Nội mới đây đã phát đi thông tin cảnh báo về hình thức lừa đảo tham gia đầu tư tiền ảo.
Pháp luật 5 ngày trước
(SHTT) - Bộ Công Thương đã xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Tờ trình, Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả...
Pháp luật 5 ngày trước
(SHTT) - Lợi dụng tâm lý tiếc của của nạn nhân, tội phạm mạng thời gian gần đây đã tạo những nội dung giả mạo Cục An ninh mạng hoặc cơ quan chức năng hỗ trợ người dân lấy lại tiền bị lừa đảo trực tuyến.
Pháp luật 5 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Bloomberg, một thẩm phán tại San Francisco đã đưa ra phán quyết Apple phải đối diện với một vụ kiện tố cáo công ty về sự cẩu thả trong việc đối phó với nguy cơ theo dõi tiềm ẩn do các thiết bị AirTag gây ra.