SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 26/03/2024
  • Click để copy

Từ lùm xùm, sai phạm tại HNM tỉnh Thanh Hóa: Nhìn về công tác cán bộ và quản trị đối với Hội Người mù

07:31, 21/03/2022
(SHTT) - Những lùm xùm, sai phạm tại Hội Người mù (HNM) tỉnh Thanh Hóa thời gian qua cho thấy nhiều vấn đề đặt ra trong công tác cán bộ và quản trị đối với Hội Người mù.
263624513_655205065652223_5582090996193366663_n-1140

Vụ án Tham ô tài sản hơn 2,2 tỷ đồng tại HNM tỉnh Thanh Hóa là bài học đắt giá trong công tác quản trị Hội nói chung, HNM nói riêng. 

“Ung nhọt” sai phạm từ lâu

Trước khi vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Tỉnh hội Người mù Thanh Hóa (Bản án số 197/2021/HSST ngày 25/11/2021 của TAND tỉnh Thanh Hóa về Tội tham ô tài sản; xử: Nguyễn Thị Hồng vân – Kế toán HNM tỉnh Thanh Hóa 16 (Mười sáu) năm tù; số tiền bị tham ô lên tới hơn 2,2 tỷ đồng), đặt ra trách nhiệm chính trị (Đảng) và trách nhiệm pháp lý đối với người đứng đầu là Bí thư Chi bộ - Chủ tịch HNM tỉnh – ông Phạm Ngọc Quyết, thì tại tỉnh hội này đã xảy ra nhiều sai phạm, có trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ mà trách nhiệm cá nhân và trước hết thuộc về ông Phạm Ngọc Quyết – Chủ tịch HNM tỉnh. Cụ thể:

Ngày 16/5/2019, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa ban hành Kết luận số 221/KL-SNV “Về nội dung tố cáo ông Phạm Ngọc Quyết – Chủ tịch Hội người mù tỉnh và Ban thường vụ Tỉnh hội theo Công văn số 933/UBND-TD ngày 22/01/2019 và Công văn số 2635/UBND-VX ngày 08/3/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh”. Kết luận này là kết quả kiểm theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (văn bản số 993/UBND-TD ngày 22/01/2019) và Bí thư – Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa - Ông Trịnh Văn Chiến (ngày 12/02/2019) (sau đây gọi tắt là Kết luận 221/Kết luận).

Theo Kết luận 221, nhiệm kỳ 2014-2019, Hội người mù (HNM) tỉnh Thanh Hóa và Hội Người mù các huyện, thị xã, thành phố (HNM cơ sở) đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc tạo việc làm cho hội viên, chăm lo, giúp nhau về văn hóa, xã hội và nghề nghiệp, tạo môi trường để người mù phấn đấu vươn lên.

Tuy nhiên trong tổ chức và hoạt động, tập thể Ban Thường vụTỉnh hội đứng đầu là ông Phạm Ngọc Quyết có những việc làm không phù hợp quy định gây bức xúc cho một bộ phận cán bộ, hội viên Hội người mù các huyện, thị xã, thành phố; cụ thể:

Thứ nhất, ban hành Thông báo số 148/TB-HNM ngày 26/6/2017 về việc Hội người mù Thị xã Bỉm Sơn không còn trong hệ thống Hội Người mù ở tỉnh không có cơ sở pháp lý.

Thứ hai, chưa phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã trong việc kiểm tra, xử lý tập thể, cá nhân huyện hội Đông Sơn, Triệu Sơn, Như Xuân và thị xã Bỉm Sơn.

Thứ ba, có biểu hiện định kiến cá nhân đối với tổ chức, cán bộ Hội (Trường hợp Hội Người mù thành phố Sầm Sơn và bà Trần Thị Thúy Quỳnh – Nhân viên kế toán – văn phòng Hội Người mù thành phố Sầm Sơn).

Thứ tư, ban hành công văn số 98/HNM-LĐSX ngày 27/4/2017 yêu cầu các huyện, thị, thành hội trong tỉnh mua tăm của Tỉnh hội; chủ trì soạn thảo trình Ban Chấp hành Tỉnh hội biêu quyết thông qua Nghị quyết số 211/NQ-HNM về việc không thực hiện cổ phần, góp vốn kinh doanh dịch vụ tẩm quất tại văn phòng hội gắn với cơ sở sản xuất tập trung, không phù hợp với nhiệm vụ của Tỉnh hội theo quy định của Điều lệ Hội.

Thứ năm, phân công ông Phạm Ngọc Quyết – Chủ tịch Hội kiêm chức vụ Giám đốc Trung tâm Dạy nghề cho người mù thuộc Tỉnh hội, không đảm bảo tiêu chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp; chưa trình Chủ tịch UBND tỉnh công nhận theo quy định.

Kết luận nêu rõ: “Khuyết điểm nêu trên thuộc trách nhiệm của tập thể Ban thường vụ Hội Người mù tỉnh; trách nhiệm cá nhân trực tiếp và trước hết thuộc về ông Phạm Ngọc Quyết – Chủ tịch Hội Người mù tỉnh.”

Trên cơ sở đó, Giám đốc Sở Nội vụ kiến nghị với HNM tỉnh, cơ quan có thẩm quyền các nội dung sau:

Một là, với HNM tỉnh:

“- Tổ chức công bố Kết luận Kiểm tra trước Ban Chấp hành Tỉnh hội nhiệm kỳ 2014-2019;

- Kiểm điểm xác định rõ trách nhiệm tập thể Ban Thường vụ Tỉnh hội và trách nhiệm cá nhân ông Phạm Ngọc Quyết – Chủ tịch Tỉnh hội về những khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận Kiểm tra.

- Thu hồi và bãi bỏ các văn bản: Thông báo số 148/TB-HMN ngày 26/6/2017 về việc Hội người mù thị xã Bỉm Sơn không còn là hội cấp dưới của Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa; Công văn số 98/HNM-LĐSX ngày 27/4/2017 yêu cầu các huyện, thị, thành hội trong tỉnh mua tăm của Tỉnh hội; Nghị quyết số 211/NQ-HMN về việc không thực hiện cổ phần, góp vốn kinh doanh dịch vụ tẩm quất tại văn phòng hội gắn với cơ sở sản xuất tập trung.”

Hai là, với Ban Thường vụ, Ủy Ban kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh: “Kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền, chỉ đạo xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân thuộc Chi bộ Hội người mù theo quy định của Điều lệ Đảng”.

Ba là, kiến nghị với Chủ tịch UBND tỉnh:

“- Có văn bản chỉ đạo Hội Người mù tỉnh thực hiện nghiêm các kiến nghị tại Tiết 1 Mục 2 phần IV Kết luận kiểm tra.

- Có ý kiến với Thường trực Hội người mù Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thuộc Ban Thường vụ Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa về những khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận kiểm tra.

- Chỉ đạo Hội Người mù tỉnh lựa chọn, bố trí người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đảm nhiệm Giám đốc Trung tâm Dạy nghề cho người mù thuộc Hội Người mù tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận.

- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về tài chính thanh tra, kiểm tra làm rõ nội dung tố cáo về việc cắt xén tiền ăn trưa của các cháu đối với Hội Người mù tỉnh và Trung tâm Dạy nghề thuộc Hội Người mù tỉnh./.”

Đường thăng tiến “lạ kỳ” của Chủ tịch Hội

Được biết, ông Phạm Ngọc Quyết làm Chủ tịch HNM thành phố Thanh Hóa suốt 20 năm, từ năm 1989 đến 2009. Năm 2010, ông Quyết giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh Hội kiêm Giám đốc Trung tâm Dạy nghề, cùng giai đoạn 2009-2012, vẫn kiêm chức Chủ tịch HNM thành phố Thanh Hóa. 

Tới khoảng tháng 7/2012, ông Quyết bị tổ chức cho thôi chức PCT Thường trực Tỉnh hội, nhưng vẫn giữ chức CT thành hội thành phố Thanh Hóa.

Tới năm 2014, tại đại hội giữa nhiệm kỳ, ông Quyết lại giữ chức PCT Thường trực Tỉnh hội kiêm Giám đốc Trung tâm đào tạo. Tới tháng 7/2017, ông Phạm Ngọc Quyết giữ chức Chủ tịch tỉnh hội.

Theo phản ánh của nhiều cán bộ (đã và đang đương chức), hội viên HNM tỉnh Thanh Hóa thì ông Phạm Ngọc Quyết có thâm niên làm cán bộ Hội, trải qua nhiều chức vụ khác nhau, chứ không phải là người non kinh nghiệm để có thể bị kế toán Nguyễn Thị Hồng Vân “qua mặt” dễ dàng để tham ô hơn 2,2 tỷ đồng.

Điều đáng nói là, tới năm 2012, dù chuyển “lên” Tỉnh hội, nhưng ông Quyết không bàn giao chức vụ Chủ tịch thành hội (thành phố Thanh Hóa), chức vụ Bí thư Chi bộ (tức, không chuyển sinh hoạt Đảng sang Chi bộ Tỉnh hội).

Vai trò của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương

Có thể hiểu, tại địa phương, HNM tỉnh Thanh Hóa chịu sự lãnh đạo, quản lý của tỉnh ủy và UBND tỉnh. Cụ thể, về mặt Đảng, tỉnh ủy thực hiện sự lãnh đạo đối với Chi bộ tỉnh hội thông qua Đảng ủy Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh (Đảng ủy Khối). Còn về mặt nhà nước, UBND tỉnh thực hiện quản lý Hội thông qua cơ quan chính là Sở Nội vụ và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Về cơ chế - lý thuyết là vậy, còn thực tế thì sao?

z3262980915247_e51d88a6edda7cea6b25a8240ce05f01-0515

Đơn kiến nghị khẩn cấp của nhiều cán bộ, hội viên HNM Thanh Hóa gửi cơ quan có thẩm quyền cao nhất ở tỉnh. 

Được biết, ngày 09/02/2020, tại tỉnh hội, có đơn tập thể (09 người; có 04 đảng viên và cán bộ, giáo viên cơ quan tỉnh hội) gửi Ban Chấp hành tố cáo ông Phạm Ngọc Quyết – Chủ tịch tỉnh hội có nhiều sai phạm trong chỉ đạo về tài chính. Trong đó, người tố cáo có bà Nguyễn Thị Hồng Vân – đảng viên, kế toán tỉnh hội. Không biết đơn thư tố cáo đã được Đảng ủy Khối giải quyết như thế nào (hay không được giải quyết?), nhưng tại thời điểm còn tố cáo, bà Vân và ông Quyết đều được cơ cấu vào lãnh đạo cấp ủy, mà thẩm quyền phê chuẩn thuộc về Đảng ủy Khối.

Ngày 26/6/2020, tổ chức Đại hội Chi bộ tại tỉnh hội. Một tháng sau, ngày 27/7/2020, bà Vân bỏ trốn. Đến ngày 4/9, bà Vân bị khởi tố (trong vụ án Tham ô tài sản).

Theo Bản án số 197/2021/HSST ngày 25/11/2021 của TAND tỉnh Thanh Hóa thì hành vi tội phạm của bà Vân đã diễn ra nhiều năm trước khi bà Vân tố cáo ông Quyết (ngày 09/02/2020 có đơn). 

Vậy để thấy, nếu công tác cán bộ được thực hiện nghiêm túc, chưa chắc đã xảy ra sai phạm tới mức hình sự, hoặc nếu ngăn chặn sớm hơn, chắc chắn hậu quả sẽ nhỏ hơn.

Suy luận trên không hẳn không có lô-gic khi mà kết quả phỏng vấn (thành viên BCH, BTV tỉnh hội) cho thấy, đại đa số các kiến nghị tại Kết luận 221 không được thực hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra của UBND tỉnh đã không phát hiện ra lỗ hổng “chết người”, đó là việc ông Phạm Ngọc Quyết – Chủ tịch hội – Chủ tài khoản, không thiết lập người làm “phó chủ tài khoản” theo quy định. Với kinh nghiệm 30 năm làm cán bộ Hội đặc thù, thật khó có thể tin đây là lỗi vô ý của ông Quyết.

Về công tác cán bộ, điều đáng nói là, hồ sơ nhân sự của ông Quyết có vấn đề nhưng không biết Đảng ủy Khối có phát hiện ra.

Trong nhiều báo cáo gửi TW Hội Người mù Việt Nam (03 năm trở lại đây), thì ông Quyết khai có trình độ 4/10, nhưng theo phản ánh, hồ sơ – lý lịch Đảng, có dấu hiệu bất nhất, lúc thì khai trình độ 7/10, lúc thì khai 9/12.

Nếu trình độ thực là 4/10 thì ông Quyết không đủ tiêu chuẩn đối với người đứng đầu hội cấp tỉnh (yêu cầu trình độ 7/10, hoặc tương đương). Còn nếu thực là trình độ 7/10, 9/12, thì vì sao ông Quyết lại khai 4/10 đối với TW Hội (?).

Bất nhất là rõ ràng, phải chăng còn có việc khai gian dối, để nhằm đủ tiêu chuẩn (về hình thức) đối với người đứng đầu hội cấp tỉnh(?). Được biết, vấn đề này đã được một số cán bộ, hội viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ trong đơn đề nghị gửi Thường trực tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, TW Hội Người mù Việt Nam, ngày 12/3/2022. Cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm trực tiếp ở đây là Đảng ủy Khối tỉnh Thanh Hóa.

Kết luận 221 nêu rõ: “Hội Người mù là tổ chức xã hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản; dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; tự bảo đảm kinh phí hoạt động; không vì mục đích lợi nhuận; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội. Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa và Hội Người mù các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều do Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định thành lập, trong đó, Hội Người mù tỉnh được công nhận là Hội có tính chất đặc thù theo Quyết định số 1026/QĐ-UBND ngày 04/4/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Tổ chức và hoạt động của các Hội Người mù trên địa bàn tỉnh thực hiện theo điều lệ Hội người mù Việt Nam được Bộ Nội vụ phê duyệt tại Quyết định số 118/QĐ-BNV ngày 20/02/2008. Hội Người mù ở các cấp chịu sự quản lý nhà nước của UBND cùng cấp và các ngành có liên quan”.

Như vậy có thể thấy, Hội Người mù ở Thanh Hóa nói riêng, ở các địa phương khác nói chung, tổ chức và hoạt động mạnh/yếu, tốt/chưa tốt, hay/dở đến mức nào, chủ yếu do yếu tố địa phương, cụ thể nhất là sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và UBND các cấp, mà thống nhất ở tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Trả lời phóng viên, Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, cơ quan này đã cử Ban Kiểm tra và đơn vị này đang thực hiện kiểm tra đối với Chi bộ HNM tỉnh, khi nào có kết quả sẽ thông tin báo chí. Trước đó, PV đề nghị tìm hiểu thông tin về việc thực hiện kiến nghị theo Kết luận số 221/KL-SNV ngày 16/5/2019 của Sở Nội vụ Thanh Hóa.

Dù có thể muộn, nhưng sự vào cuộc của TƯ HNM và phía tỉnh là rất cần thiết. Hơn lúc nào hết, HNM – Hội đặc thù, cần sự hỗ trợ của các thiết chế khác để giải quyết dứt điểm các vấn đề ung nhọt bao năm nay mà bản thân Hội không thể giải quyết nổi, vì có liên quan đến lãnh đạo, đó là Chủ tịch Hội.

Xét ở góc độ tính nhân văn của quản lý, thiết nghĩ, cần tuyệt đối loại bỏ tâm lý coi nhẹ, buông lỏng, hay bỏ mặc vấn đề của người mù. Trong hệ thống các tiêu chí đánh giá quản trị nhà nước hiện nay, tiêu chí chăm lo đời sống cho các đối tượng yếu thế, đặc biệt (nhân quyền/quyền con người), trong đó có người mù ngày càng trở nên quan trọng, để đánh giá tính nhân văn của Nhà nước nói chung, trong đó có chính quyền địa phương.

Phúc Huy

Tin khác

Pháp luật 5 giờ trước
(SHTT) - Cục An toàn Thông tin (Bộ TT-TT) cho biết bên cạnh các hình thức lừa đảo xuất hiện trên không gian mạng Việt Nam, gần đây đã đã xuất hiện chiến dịch lừa đảo quốc tế có khả năng ảnh hưởng tới người dùng Việt.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Lợi dụng dịp cao điểm quyết toán thuế, nhiều đối tượng lừa đảo đã sử dụng hình thức giả mạo cán bộ thuế , cơ quan thuế để thực hiện hành vi chiếm đoạn tài sản.
Pháp luật 4 ngày trước
(SHTT) - Công an thành phố Hà Nội mới đây đã phát đi thông tin cảnh báo về hình thức lừa đảo tham gia đầu tư tiền ảo.
Pháp luật 6 ngày trước
(SHTT) - Bộ Công Thương đã xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Tờ trình, Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả...
Pháp luật 6 ngày trước
(SHTT) - Lợi dụng tâm lý tiếc của của nạn nhân, tội phạm mạng thời gian gần đây đã tạo những nội dung giả mạo Cục An ninh mạng hoặc cơ quan chức năng hỗ trợ người dân lấy lại tiền bị lừa đảo trực tuyến.