Từ 1/9, Trung Quốc buộc gắn nhãn nội dung do AI tạo ra
Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cùng với ba cơ quan thuộc Chính phủ vừa công bố một bộ quy tắc, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải gắn nhãn rõ ràng nội dung được tạo bởi AI, hoặc nhúng siêu dữ liệu vào trong tệp tin. Các quy định có hiệu lực từ 1/9, với mục tiêu nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm trong không gian số.
Theo quy định do CAC công bố, các nhà cung cấp dịch vụ AI, bao gồm cả những mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), phải đảm bảo nội dung AI có thể được nhận diện thông qua nhãn hiển thị hoặc âm thanh. Đồng thời, các kho ứng dụng cũng phải đảm bảo rằng những ứng dụng cung cấp nội dung AI tuân thủ quy định này.
CAC cũng nghiêm cấm việc xóa, giả mạo hoặc che giấu nhãn AI, cũng như cung cấp công cụ hỗ trợ các hành vi này.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt liên quan đến "lợi ích xã hội và nhu cầu công nghiệp", cơ quan quản lý Trung Quốc cho phép đơn vị yêu cầu bỏ nhãn AI. Dù vậy, ứng dụng tạo nội dung AI vẫn phải thông báo rõ ràng về yêu cầu này và lưu trữ thông tin để phục vụ việc kiểm tra khi cần thiết.
Trung Quốc kỳ vọng quy định này sẽ giúp người dùng dễ dàng phân biệt giữa nội dung do con người tạo ra và nội dung do AI dựng nên, góp phần hạn chế thông tin giả mạo trên Internet.
Hiện chưa có thông tin về mức phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm, nhưng chính phủ Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp xử lý theo pháp luật hiện hành.
Bên cạnh CAC, ba cơ quan chính phủ quan trọng khác sẽ giám sát việc thực thi các quy định này gồm Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Bộ Công an, và Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình quốc gia. Sự tham gia của các cơ quan này cho thấy một nỗ lực phối hợp nhằm quản lý nội dung do AI tạo ra trên các nền tảng số khác nhau.
Các công ty công nghệ, nền tảng truyền thông và nhà sáng tạo nội dung sẽ cần nhanh chóng thích nghi với các quy định này, vừa đảm bảo tuân thủ luật pháp, vừa tiếp tục tận dụng AI vào các mục đích sáng tạo và thực tiễn.
Có thể thấy, sự phát triển của AI tạo sinh (generative AI) đã cách mạng hóa việc tạo nội dung trên nhiều lĩnh vực, từ viết bài luận, tạo hình ảnh, cho đến công nghệ deepfake bắt chước giọng nói con người. Dù mang lại nhiều lợi ích, những tiến bộ này cũng đặt ra thách thức lớn trong việc phân biệt nội dung thật và nội dung nhân tạo, làm gia tăng nguy cơ phát tán thông tin sai lệch.
Minh Hà
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
