SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 24/04/2025
  • Click để copy

Truy xuất nguồn gốc thông minh: 'Căn cước số' bảo vệ hàng hóa Việt

16:08, 15/04/2025
(SHTT) - Để đối phó với vấn nạn hàng giả tinh vi, truy xuất nguồn gốc đang được xem là "căn cước điện tử" không thể thiếu, kiến tạo một nền thương mại minh bạch và bền vững cho Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số.

Chuyển đổi số và đột phá chiến lược

Tại hội thảo Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, TS. Trịnh Bá Dương - Chủ tịch AseanHub, chuyên gia đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia - nhấn mạnh rằng, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã xác định khoa học, công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số là một trong ba đột phá chiến lược của đất nước. Đây là định hướng mang tính nền tảng, tạo hành lang chính sách mạnh mẽ để ứng dụng công nghệ giải quyết các bài toán lớn, trong đó có truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả.

TS. Dương chỉ rõ, các phương pháp truy xuất truyền thống như tem nhãn, mã vạch đơn thuần đã bộc lộ nhiều bất cập, dễ bị làm giả. Để đối phó với thủ đoạn ngày càng tinh vi, cần có những giải pháp đột phá dựa trên tích hợp công nghệ thông minh và liên kết chuỗi dữ liệu số hóa.

Bộ ba công nghệ "vàng" cho truy xuất thông minh

trinh ba duong

 TS Trịnh Bá Dương - Chủ tịch AseanHub, chuyên gia đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia phát biểu.

TS. Trịnh Bá Dương đã đề xuất sự kết hợp của ba công nghệ then chốt: RFID (Radio Frequency Identification) - Blockchain - AI (Artificial Intelligence) để tạo nên một hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả.

RFID: Hạn chế tối đa khả năng làm giả vật lý, tự động hóa các khâu kiểm tra, kiểm kê, vận chuyển và lưu kho.

Blockchain: Đảm bảo tính bất biến của thông tin, không ai có thể can thiệp hay sửa đổi dữ liệu đã được ghi nhận.

AI: Dự đoán khả năng gian lận hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng thông qua học máy và các thuật toán nhận diện hành vi.

"Sự kết hợp ba công nghệ này tạo nên một hệ thống truy xuất nguồn gốc chính xác, minh bạch và tự động hóa, đủ sức đối phó với mọi hình thức làm giả hiện đại," TS. Dương khẳng định. Hệ thống này có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như y tế, dược phẩm, nông sản, logistics, thủy sản và thương mại điện tử xuyên biên giới.

TS. Dương cũng nhấn mạnh ba điểm quan trọng cần tập trung trong việc triển khai truy xuất nguồn gốc: tích hợp công nghệ mới, chuẩn hóa dữ liệu và hạ tầng mã số mã vạch quốc gia, và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. "Nếu chúng ta xem công nghệ là chìa khóa thì truy xuất nguồn gốc phải là cánh cửa để mở ra một nền thương mại minh bạch, văn minh và bền vững," ông nói.

Giải pháp TrueData: "Căn cước điện tử" cho sản phẩm

Tại hội thảo, Luật sư Phạm Văn Thọ - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ chống giả Việt Nam – ACTIV cũng đã giới thiệu giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa - True Data. Giải pháp này sử dụng công nghệ tiên tiến với vật mang dữ liệu là chip RFID, lưu trữ thông tin chi tiết về quá trình sản xuất, kinh doanh, mã truy vết sản phẩm, địa điểm, thời gian và kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia.

Luật sư Thọ nhấn mạnh, truy xuất nguồn gốc không chỉ bảo vệ người tiêu dùng khỏi hàng giả, hàng kém chất lượng mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn hội nhập quốc tế. Ông cũng chỉ ra rằng, việc thiếu truy xuất nguồn gốc khiến hàng hóa Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và gây khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng trong nước.

TrueData được ví như một "căn cước điện tử" gắn trên mỗi sản phẩm, cho phép người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc chỉ bằng một thao tác quét chip RFID trên điện thoại thông minh. Đối với doanh nghiệp, đây là công cụ hữu hiệu để bảo vệ thương hiệu và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, TrueData đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của Thông tư 02/2024/TT-BKHCN, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc triển khai.

Niềm tin thị trường bị bào mòn bởi hàng giả

tran giang khue

Ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng Miền Nam Cục Sở hữu Trí tuệ Bộ khoa học và Công Nghệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Báo Lao động

Tại hội thảo, cảnh báo về những hệ lụy nghiêm trọng của hàng giả, hàng nhái, Ths. Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM - cho biết hàng giả, hàng nhái không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Vụ việc đường dây sản xuất sữa bột giả quy mô lớn vừa bị phát hiện tại Hà Nội là một minh chứng rõ ràng cho thấy sự tinh vi và nguy hiểm của vấn nạn này.

Vì vậy giải pháp truy xuất nguồn gốc số hóa được xem là chìa khóa trao quyền cho người tiêu dùng, giúp họ lựa chọn sản phẩm chính hãng một cách an toàn và minh bạch.

TS. Trịnh Bá Dương khẳng định: "Chúng ta không thể chống hàng giả bằng công cụ cũ. Giải pháp công nghệ phải đủ mạnh để làm minh bạch toàn bộ chuỗi cung ứng. Truy xuất thông minh là cánh cửa dẫn đến một nền thương mại đáng tin cậy và phát triển bền vững."

Với sự chung tay của nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp, việc ứng dụng rộng rãi các giải pháp truy xuất nguồn gốc tiên tiến sẽ là bước đi quan trọng để bảo vệ người tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp chân chính và nâng tầm vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế số toàn cầu.

Hương Mi

Tin khác

Tài sản trí tuệ 13 giờ trước
(SHTT) - UBND TP. Hà Nội mới đây đã ban hành 2 quyết định liên quan đến việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc trưng của huyện Phú Xuyên là sản phẩm may mặc ở xã Vân Từ và sản phẩm cỏ đan tế ở xã Phú Túc.
Tài sản trí tuệ 13 giờ trước
Phiên phúc thẩm ngày 22/4/2025 giữa nguyên đơn là Công ty nhựa Bình Minh và bị đơn là Công ty nhựa Bình Minh Việt không đơn giản chỉ là một tranh chấp nhãn hiệu, mà là phép thử đối với hệ thống bảo vệ tài sản trí tuệ, môi trường đầu tư và công lý thương mại tại Việt Nam.
Tài sản trí tuệ 14 giờ trước
(SHTT) - Bộ Công an khuyến nghị người dân khi tiếp cận các quảng cáo với nội dung sử dụng từ ngữ tuyệt đối như 'duy nhất', 'tốt nhất', 'số một'. Đây thường là các nội dung quảng cáo có dấu hiệu thổi phồng quá mức công dụng của sản phẩm.
Tài sản trí tuệ 18 giờ trước
(SHTT) - Bộ Công an cho biết, kết quả điều tra ban đầu xác định đường dây sữa giả của Công ty Rance Pharma và Hacofood Group đã sản xuất 84 loại sữa bột và hơn 26.000 lon sữa. Hiện, cảnh sát xác định 12 loại sữa bột là hàng giả, 72 sản phẩm còn lại đang được làm rõ.
Tài sản trí tuệ 21 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, sự việc hàng trăm hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe An Vị Mộc Linh cùng nhiều sản phẩm khác bị đổ ra khắp vỉa hè đường Nguyễn Lân, quận Thanh Xuân đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Ngay khi nhận được phản ánh, chính quyền phường Khương Mai cũng đã nhanh chóng vào cuộc.
. ..