SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 24/04/2024
  • Click để copy

Truy xuất nguồn gốc - Nâng tầm nông sản Việt

07:21, 05/11/2021
(SHTT) - Ngày 04/11/2021, Đoàn thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) tổ chức Hội thảo trực tuyến “Truy xuất nguồn gốc - Nâng tầm nông sản Việt”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết: Trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm thì “Truy xuất nguồn gốc” được coi là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Điều này giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được bảo đảm; đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam. 

Không chỉ vậy, đối với xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác.

truy xuat nguon goc

Truy xuất nguồn gốc - Nâng tầm nông sản Việt 

Qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.

Trình bày về lợi ích của việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, ông Nguyễn Vũ Trung, chuyên gia Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản khẳng định: Đối với các doanh nghiệp, việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc có thể làm tăng chi phí, nhưng lợi ích thu lại cũng không nhỏ. “Hệ thống truy xuất nguồn gốc có thể phục vụ cùng lúc nhiều mục đích và có thể đem lại nhiều lợi ích như: Có thể quản lý tốt chất lượng sản phẩm, từ khâu nuôi trồng, chế biến cho đến quá trình bảo quản, vận chuyển và phân phối; dễ dàng phát hiện và xử lý nếu có sự cố xảy ra; bảo đảm sự thu hồi nhanh chóng sản phẩm; giảm thiểu tác động của việc thu hồi sản phẩm bằng cách giới hạn phạm vi sản phẩm có liên quan. Đặc biệt, việc truy xuất nguồn gốc cũng giúp giải quyết việc giả mạo chuỗi cung ứng thực phẩm, tăng tính minh bạch, qua đó nâng cao uy tín của các sản phẩm trên thị trường”- ông Trung cho hay.

Để đón đầu xu hướng, ngày 19/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) và giao cho Bộ KH&CN chủ trì triển khai, và một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và đưa vào vận hành Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia.

Cổng này sẽ đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc, với sự tham gia của tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng, như nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ, các đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý nhà nước với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.

Hiện nay, Bộ KH&CN đã xây dựng, công bố 20 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc.

Dẫn câu nói của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan “một nền nông nghiệp mù mờ sẽ dẫn đến hệ quả phải giải cứu”, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, nêu thực trạng hiện nay người sản xuất còn “mù mờ” về thị trường, nơi tiêu thụ, quy chuẩn chất lượng, trong khi thị trường cũng “mù mờ” về sản xuất. Điều này dẫn đến hệ quả phải hỗ trợ tiêu thụ, chia cắt chuỗi cung ứng ngành hàng trong kết nối cung-cầu, người tiêu dùng cũng mất niềm tin vào chính hệ thống quản lý, giám sát, hệ thống phân phối của chuỗi nông sản…

Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, trước hết cần minh bạch dữ liệu, thông tin, bởi chỉ có minh bạch dữ liệu, thông tin thì nông nghiệp mới vươn xa, mới có trách nhiệm với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc hiện nay cũng gặp phải thực trạng khó khăn từ nhiều phía, trong đó cơ quan quản lý nhà nước chưa có các chế tài nghiêm khắc xử lý các sai phạm khi truy xuất nguồn gốc; quản lý lưu thông hàng hóa chưa nghiêm, còn để vi phạm giả mạo mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói khi xuất khẩu nông sản..

Hơn nữa, nhận thức của một bộ phận người dân chưa biết cách bảo vệ sản phẩm, uy tín của mình. Còn nhiều tình trạng ghi chép, lưu trữ hồ sơ theo cách chống đối; nhiều trường hợp vi phạm giả mạo hồ sơ giấy tờ sản phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn, mã số vùng trồng. Tình trạng loạn phần mềm truy xuất nguồn gốc, loạn app diễn ra còn khá phổ biến, các tiêu chí quy định về truy xuất nguồn gốc còn lạc hậu so với thị trường thế giới, thiếu chủ động đổi mới nên liên tục bị bất ngờ với các hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu.

Hương Mi

Tin khác

Tài sản trí tuệ 16 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với UBND thị xã Quế Võ tổ chức Lễ công bố Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận “Dưa gang muối Quế Võ”.
Tài sản trí tuệ 16 giờ trước
(SHTT) - Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông H.P.Đ về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là mỹ phẩm.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Adidas hiện đang phải đối mặt với sự thẩm vấn gay gắt của tòa phúc thẩm Hoa Kỳ trong nỗ lực khôi phục vụ kiện tuyên bố hãng thời trang Thom Browne đã xâm phạm nhãn hiệu ba sọc mang tính biểu tượng của công ty.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đối với ông Lê Tiến M. về hành vi Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là thực phẩm và buộc tiêu hủy lô hàng gần 7 tấn Chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã phát đi thông tin cảnh báo về việc phát hiện chất cấm Sibutramin trong sản phẩm giảm cân Detox Táo.