SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội theo mô hình không vì lợi nhuận: Xu hướng và niềm tin pháp lý

08:34, 02/01/2021
(SHTT) - Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trong ít những trường đại học ngoài công lập có cơ sở đào tạo riêng, đầu tư nghiêm túc cho cơ sở vật chất, coi đó là một trong những điều kiện cơ bản để tạo dựng một trường đại học đúng nghĩa, trường tồn.
HUBT

 

Thời gian tạo nên giá trị

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được thành lập bởi Quyết định số 405/QĐ-TTg ngày 15/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ với tên gọi ban đầu là Trường Đại học Dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội. 10 năm sau, tên Trường được đổi thành Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội theo Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Trường do GS. Trần Phương - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế - nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trường (nay là Phó Thủ tướng), cùng các nhà tri thức, nhà khoa học, nhà quản lý đã nghỉ hưu… có tâm huyết vì sự hưng thịnh của nền giáo dục đại học nước nhà thành lập. Dù với tên gọi nào thì trường đều hoạt động với mục tiêu KVLN.

Sau gần 25 năm từ ngày thành lập, Trường ĐH KD&CN Hà Nội đã tạo dựng được thế và lực, trở thành thương hiệu mạnh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trường là cơ sở đào tạo đa ngành (trên 25 ngành); đa cấp (Cao đẳng, Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ), đa hình thức (Chính quy, Liên thông, Vừa học - vừa làm, Trực tuyến) trên nền tảng sứ mệnh: đào tạo các nhà kinh tế thực hành, các nhà kỹ thuật- công nghệ thực hành; bác sỹ, dược sĩ, cử nhân điều dưỡng giỏi Y thuật và giầu Y đức tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trong ít những trường đại học ngoài công lập có cơ sở đào tạo riêng, đầu tư nghiêm túc cho cơ sở vật chất, coi đó là một trong những điều kiện cơ bản để tạo dựng một trường đại học đúng nghĩa. Đây cũng là một trong những thế mạnh của trường so với các trường đại học ngoài công lập khác trên địa bàn Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung [1].

Xu hướng và niềm tin pháp lý

Về chiến lược, việc tiếp tục phát triển Trường theo nguyên tắc KVLN được đông đảo các cổ đông đồng tình ủng hộ. Đây là điều kiện tiên quyết để nhà Trường có thể tận dụng hơn nữa tác dụng của các chính sách của Nhà nước đối với các trường đại học KVLN.

Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 có nhiều điểm mới về chính sách của Nhà nước về phát triển GDĐH, trong đó có nhiều chính sách ưu đãi đối với các trường ĐHTT KVLN. Cụ thể: “Thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục; ưu tiên cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học; có chính sách miễn, giảm thuế đối với tài sản hiến tặng, hỗ trợ cho giáo dục đại học, cấp học bổng và tham gia chương trình tín dụng sinh viên” (Khoản 4 Điều 12). Điều đáng chú ý là, Nhà nước chủ trương: “Chỉ chuyển đổi cơ sở giáo dục đại học tư thục sang cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.” (tiết b, khoản 2, Điều 7).

Thực hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018, Trường Đại  học Kinh doanh và Công nghệ đã và đang tiến hành một cách bài bản, có hệ thống các hoạt động kiện toàn tổ chức quản trị của Trường theo mô hình Hội đồng trường trên nguyên tắc: Tuân thủ pháp luật, vừa đảm bảo tôn chỉ của Trường là KVLN, vừa đảm bảo được lợi ích chính đáng của cổ đông; đưa ra nhiều phương án khả thi về mô hình Hội nghị Nhà đầu tư và Hội đồng trường theo Luật GDĐH.

Việc tiếp tục chuyển đổi Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sang loại hình trường ĐHTT KVLN cũng được nhà Trường tiến hành thận trọng. Đến ngày 9/8/2018, đại đa số cổ đông, đại diện cho hơn 90% số vốn góp ký cam kết đồng ý chuyển đổi loại hình trường dân lập hiện nay sang loại hình ĐHTT KVLN. Ngày 10/8/2018, Hội đồng quản trị đã họp và ban hành nghị quyết số 41/NQ-HĐQT về việc: “Tán thành việc chuyển đổi Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sang loại hình trường đại học tư thục không vì lợi nhuận”. Ngày 18/8/2018, Đại hội đồng cổ đông họp và ra Nghị quyết về việc chuyển đổi mô hình từ Trường dân lập sang Trường ĐHTT KVLN để trình Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngày 3/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 617/QĐ-TTg về việc “Chuyển đổi Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sang loại hình Trường đại học tư thục”.

Hiện nay, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đang hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi trường từ loại hình trường dân lập sang loại hình trường tư thục, kiện toàn tổ chức quản trị nhà Trường theo mô hình Hội đồng trường. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đề nghị công nhận trường là trường ĐHTT KVLN. Ngày 01/8/2020, Hội đồng quản trị Trường đã ban hành Thông báo số 1777/TB-HĐQT về kế hoạch và lịch trình tiến tới Đại hội đồng cổ đông nhà trường (đồng thời cũng là Hội nghị Nhà đầu tư). Theo đó, các phần việc được phân công cho các tổ chức, chủ thể có thẩm quyền trách nhiệm theo lộ trình xác định đảm bảo việc kiện toàn tổ chức theo kế hoạch được thông qua trên tinh thần vì mục tiêu chung, dân chủ, đoàn kết và phát triển.

Các hoạt động có tính chất pháp lý nêu trên để thực hiện chuyển đổi Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đánh dấu bước đi thận trọng của lãnh đạo nhà trường, thể hiện nhãn quan nhạy bén trước xu hướng phát triển của giáo dục đại học thế giới, đem lại niềm tin cho nhà đầu tư, người dạy, người học.

Thực tiễn cho thấy, ở châu Âu, châu Mỹ đã diễn ra làn sóng tư nhân hóa các trường ĐH, đặc biệt từ năm 2000 trở lại đây. Có 3 lý do chính: Để đáp ứng nhu cầu xã hội; do cần sự đa dạng trong giáo dục ĐH; do nhu cầu về một nền giáo dục chất lượng cao, không bị ảnh hưởng bởi thần quyền, thế quyền, hay các lợi ích đặc biệt khác; trong danh sách những trường ĐH hàng đầu thế giới đa số là trường tư thục ở các nước tư bản nhưng lại không vì mục đích lợi nhuận, như Harvard, Yale, Stanford ở Mỹ. Ở Châu Á, có nhiều trường ĐHTT KVLN cũng đã trở thành những trường ĐH danh tiếng bậc nhất thế giới như ĐH Yonsei (Hàn Quốc), ĐH Sophia và ĐH Keio (Nhật Bản)…. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, những trường ĐHTT danh tiếng trên thế giới này là  những hình mẫu về mô hình hoạt động KVLN.

Nguyễn Văn Long

Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Truyền thông

Trường Đại học Kinh Doanh và Công Nghệ Hà Nội

 

[1] Qua 21 năm hoạt động, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ HN đã tiếp nhận 122.700 sinh viên, trong số đó có 1.000 sinh viên Lào và Campuchia, số đã tốt nghiệp là 70.636 (Cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư: 68.117 người; Thạc sĩ: 2.517 người; Tiến sĩ: 02 người). Hầu hết đều nhận được việc làm ngay sau khi ra trường, với mức lương tương đối cao.

Đội ngũ quản lý và giảng dạy cơ hữu của trường gồm 1.116 giảng viên cơ hữu. Trong đó có: 79 Giáo sư, Phó Giáo sư; 105 Tiến sĩ và 675 Thạc sĩ. Đội ngũ giảng viên trẻ, tâm huyết với nghề, gần gũi với sinh viên đã góp phần tạo ra một môi trường học tập trung thực nhưng rất dân chủ và thân thiện.

Trường có 3 cơ sở: Cơ sở I tại Vĩnh Tuy - Hà Nội; Cơ sở II tại Từ Sơn - Bắc Ninh; Cơ sở III tại Lương Sơn - Hòa Bình, cả ba được xây dựng trên diện tích 22 héc-ta và được trang bị hiện đại, thiết kế khoa học, rộng rãi, thân thiện, tạo nhiều hứng thú học tập và nghiên cứu. Diện tích phòng học là 41.731m2 x 2ha = 83.462m2, đủ đáp ứng cho 30.000 sinh viên Hệ chính quy học tại trường; Thư viện trường được trang bị máy tính để sinh viên truy cập mạng; Ký túc xá bảo đảm chỗ ở cho 2.000 sinh viên, hiện đang dành cho 1.000 sinh viên Lào và Campuchia; Sân vận động ngoài trời và nhà tập có mái che bảo đảm điều kiện cho sinh viên phát triển thể lực.

Trường được trang bị 4.122 máy vi tính nối mạng Internet, bảo đảm cho mỗi sinh viên một máy khi học và thực hành. Có 274 máy chiếu (Projector) phục vụ giảng dạy bằng giáo án điện tử. 250 phòng học được lắp đặt thiết bị vân tay để bảo đảm kỷ luật lên lớp đúng giờ. Các khối nhà cao tầng đều được lưu thông bằng thang máy. Các ngành kỹ thuật - Công nghệ và Bảo vệ sức khỏe có đủ phòng thực hành, thực tập hoặc thí nghiệm. Tổng tài sản cố định đạt giá trị trên 1.000 tỷ đồng. 

Tin khác

Kinh tế 10 giờ trước
(SHTT) - Năm 2024, VECOM tiếp tục hoàn thiện tính chỉ số thương mại điện tử (TMĐT). Bên cạnh việc tính toán dựa vào kết quả khảo sát hàng nghìn DN VECOM còn sử dụng nhiều kênh thông tin định lượng tin cậy khác. Tên miền quốc gia “.VN” tiếp tục là yếu tố quan trọng nhất trong đánh giá hạ tầng cho TMĐT.
Kinh tế 17 giờ trước
(SHTT) - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo nhưng không vì thế mà chàng trai trẻ Nguyễn Văn Trọng, thôn Hạc Sơn, xã Cẩm Bình, Huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá thấy thiếu tự tin, mặc cảm, ngược lại càng thôi thúc anh đam mê lao động, dám nghĩ, dám làm và quyết tâm để vươn lên làm giàu.
Kinh tế 19 giờ trước
(SHTT) - Đội chiến thắng vòng loại cấp quốc gia sẽ đại diện cho Việt nam bước vào Vòng thi chung kết Quốc tế diễn ra tại Luân Đôn vào ngày 19-20/6/2024.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Được chú trọng quy hoạch về không gian sống, từ hệ sinh thái xanh an lành đến các tiện ích thể dục thể thao, vui chơi thư giãn…, Eurowindow Twin Parks không chỉ đón đầu xu hướng sống xanh năng động mà còn góp phần thay đổi diện mạo đô thị phía Đông Hà Nội.