Phát hiện nguyên nhân khiến nhiều người bị thương hàn tại Trung Quốc
Đợt bùng phát liên quan đến 23 bệnh nhân trong một khu căn hộ ở quận Trường Bình, Bắc Kinh và do chủng vi khuẩn (XDR) Salmonella Typhi kháng thuốc trên diện rộng qua nguồn nước ô nhiễm. Đây là báo cáo đầu tiên về sự bùng phát dịch bệnh qua đường nước do XDR Salmonella Typhi gây ra ở nước này, theo một nghiên cứu được công bố trên China CDC Weekly.
Vào đầu tháng Hai, bốn trường hợp thương hàn được chẩn đoán lâm sàng được các quan chức y tế thông báo. Trong số 23 người bị bệnh, ngày khởi phát bệnh dao động từ ngày 22/1 đến ngày 13/2. Đỉnh điểm là vào ngày 4/2, 8 trường hợp là nam giới, với độ tuổi từ 22 đến 45 và trung bình là 30 tuổi, làm nhiều ngành nghề khác nhau, và không ai làm việc trong lĩnh vực thực phẩm. Các triệu chứng chủ yếu là sốt cao và tiêu chảy.
Những người bị bệnh không uống nước mà dùng nước để rửa rau và đánh răng. Người dân cho biết nước sinh hoạt có mùi hôi trong khoảng nửa tháng vào cuối tháng 12/2021, và một số người cho biết đã có sự gián đoạn về nguồn cung và có hiện tượng nước đục vào giữa tháng 1/2022.
Các nhà nghiên cứu được thông báo rằng công việc tái thiết đường ống dẫn nước thải được thực hiện vào tháng 12/2021 gần khu căn hộ, và đường ống này cách giếng nhánh cung cấp nước cho căn hộ khoảng 1m.
Thử nghiệm nước cho thấy lượng E. coli rất cao và tổng số coliform trong hai mẫu nước máy trong các phòng của ca bệnh có sự nhiễm bẩn, nhưng không có mẫu nào dương tính với Salmonella. Thử nghiệm sâu hơn đã tách được một chủng vi khuẩn Salmonella Typhi từ đầu ra của bể chứa.
Các nhà nghiên cứu cho biết những biện pháp kiểm soát bao gồm giáo dục sức khỏe của cộng đồng và nhấn mạnh vào khử trùng bằng clo cho nước uống và vệ sinh. Đường ống dẫn nước cho căn hộ cũng được thay mới. Bể chứa nước và mạng lưới đường ống đã được làm sạch và khử trùng. Một điều quan trọng là các cơ quan chính phủ phải quản lý chặt chẽ việc cung cấp nước uống an toàn và hợp vệ sinh, tăng cường giám sát chất lượng nước và giáo dục người dân về thói quen vệ sinh tốt.
“Ngoài ra, với các lựa chọn điều trị hẹp cho bệnh sốt thương hàn, có thể dẫn đến thất bại trong điều trị, thời gian nằm viện kéo dài, cũng như bệnh truyền nhiễm tái phát và lan rộng. Do đó, cần phải theo dõi nguồn gốc của các chủng XDR và tăng cường giám sát sự lây lan của chúng thông qua các cuộc điều tra dịch tễ học trong phòng thí nghiệm và trên diện rộng trong tương lai”.
Nước cũng là nguồn nghi ngờ trong hai đợt bùng phát Dịch tả ở Quảng Đông vào năm 2020 và 2021. Đợt bùng phát bệnh viêm dạ dày xảy ra vào tháng 9/2020 tại một trường cao đẳng với 137 trường hợp. Các chủng vi khuẩn Vibrio cholerae được tách ra từ 32 mẫu.
Vào cuối tháng 9/2021, một đợt bùng phát khác ảnh hưởng đến 79 người xảy ra tại một trường cao đẳng gần đó. Tổng cộng có 34 mẫu bệnh phẩm dương tính với Vibrio cholerae. Trong cả hai đợt bùng phát, nước được cho là nguồn lây nhiễm nhưng không có vi khuẩn Vibrio cholerae nào được phân lập từ các mẫu nước.
Vì các đợt bùng phát được báo cáo ở gần như cùng một thời điểm trong hai năm liên tiếp, các nhà khoa học cho biết việc giám sát tăng cường, tập trung vào thực phẩm và nước môi trường, nên được thực hiện vào năm tới.
Theo nghiên cứu, các đợt bùng phát dịch tả liên tiếp là do Vibrio cholerae (vi trùng gây bệnh tả) nhóm huyết thanh O5 không sản sinh độc tố. Các nhà nghiên cứu cho biết chiến lược phòng chống và kiểm soát bệnh tả hiện nay ở Trung Quốc nên được điều chỉnh và cần chú ý đến hai nhóm huyết thanh O1 và O139 của Vibrio cholerae.
Hồng Hạnh