SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Trừng phạt Nga, các bên đều thiệt

08:47, 28/04/2014
Ngay sau khi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), G-7 cảnh báo tăng cường trừng phạt Nga, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz tuyên bố: Việc thực thi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga ảnh hưởng không chỉ đối với Mátxcơva mà còn tác động lớn tới EU.

Gắn bó nhiều lợi ích

Ông Schulz mong muốn các chính phủ châu Âu nên phổ biến với người dân của mình sự thật rằng các biện pháp trừng phạt không chỉ ảnh hưởng tới Nga mà còn gây tổn thất cho chính các quốc gia ở lục địa già.

Năm 2013, nhiều doanh nghiệp Pháp đã xuất khẩu gần 8 tỷ EUR sang Nga. 1.200 doanh nghiệp Pháp hiện đang hoạt động tại Nga, trong khi ngành ngân hàng Pháp đang nắm trong tay hơn 36 tỷ EUR tín dụng của các tập đoàn Nga. Anh và Nga có mối quan hệ mật thiết về tài chính, trong khi đó Đức phụ thuộc vào dầu khí của Gazprom, Rosneft.

Giới quan sát cho rằng vì những quyền lợi kinh tế riêng của từng nước, 28 thành viên EU đều phải cân nhắc kỹ đến viễn cảnh phong tỏa kinh tế Nga. Isabelle Facon, chuyên gia Viện Nghiên cứu chiến lược có trụ sở tại Paris, Pháp, phân tích thêm: “Tất cả mọi quốc gia đều đang tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi tài chính, kinh tế của mình trước một đối tác có trọng lượng như Nga hơn là vào việc thẳng tay trừng phạt kinh tế Mátxcơva vì Ukraine. Đừng quên rằng Nga và châu Âu có những mối quan hệ khá chặt chẽ trong mọi lĩnh vực, từ tài chính, thương mại, đầu tư, đến năng lượng… Trong bối cảnh kinh tế châu Âu đứng trước nhiều thách thức như hiện nay, đương nhiên Brussels phải cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định trừng phạt Nga”. 

Vì vậy, người đứng đầu EP cho rằng, trước khi quyết định thông qua các trừng phạt cứng rắn hơn với Nga, EU cần cố gắng tìm kiếm một giải pháp ngoại giao nếu có thể. Theo ông Schulz, chỉ khi đối thoại không tác dụng mới nên tính đến các biện pháp trừng phạt

Giơ cao đánh khẽ

Chuyên gia I.Facon không phủ nhận những tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào nước Nga nhưng không quên nhấn mạnh rằng trong cuộc đọ sức trên bàn cờ kinh tế, Mátxcơva đang có một lá bài then chốt trong tay: dầu lửa và khí đốt. 

“Một câu hỏi rất thực tế là liệu EU ở vào thời điểm này sẽ xoay xở ra sao nếu Mátxcơva ngừng cung cấp khí đốt và dầu lửa cho 28 thành viên trong khối? Tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung EUR (eurozone) đã èo uột, đôi khi mấp mé 0%, thử hỏi khối này có thể đương đầu được với thực tế khi mà giá dầu khí trên thế giới đột nhiên tăng vọt lên khoảng từ 120-150 USD/thùng như ở vào thời điểm những năm 2008 hay không?”, bà I.Facon nói.

Trong lĩnh vực tài chính, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của châu Âu vào Nga là 190 tỷ EUR, thêm vào đó là khoảng 90 tỷ EUR công trái và cổ phiếu của các tập đoàn Nga đang trong tay các nhà đầu tư châu Âu. Điều gì sẽ xảy ra và ai sẽ lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” nếu như Mátxcơva quyết định phong tỏa vốn của châu Âu trên lãnh thổ Nga? EU vì những ràng buộc kinh tế, tài chính, năng lượng, đang lúng túng trước một nước Nga đang rất tự tin vào những nước cờ mình đang đi. Do vậy, dù cứng giọng với Mátxcơva nhưng thực sự Brussels vẫn mong Nga nhượng bộ một chút để giải quyết khủng hoảng Ukraine mà không bên nào mất mặt.

Còn về phía Mỹ, kinh tế không phải là động lực khiến Washington nhẹ tay trừng phạt Mátxcơva. Thị trường Mỹ tiêu thụ 4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga. Dù vậy, chính quyền Obama đã phải nương nhẹ ông Putin vì những lý do địa chính trị: lính Mỹ từ Afghanistan trở về phải đi qua lãnh thổ của Nga. Hơn nữa, Washington cần có tiếng nói của Mátxcơva để giải quyết các hồ sơ nóng như hạt nhân Iran hay khủng hoảng Syria và hạt nhân Triều Tiên. Trong bối cảnh đó, cả Mỹ lẫn châu Âu cùng tỏ thái độ cứng rắn với Nga, nhưng giới quan sát tin rằng đó chỉ là những đòn “giơ cao đánh khẽ” mà thôi.

Tin khác

Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Ngày 19/4, Apple cho biết rằng họ đã gỡ WhatsApp và Threads của Meta khỏi App Store ở Trung Quốc sau khi nhận lệnh từ chính phủ Trung Quốc với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Tin tức 19 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - Một nghiên cứu mới từ Turnitin, nhà phát triển nền tảng chống đạo văn hàng đầu, đã khám phá xu hướng mới trong việc viết bài của sinh viên trên toàn cầu, từ đó mở ra cuộc thảo luận về vai trò của AI trong giáo dục hiện đại.
Tin tức 3 ngày trước
(SHTT) - Thời gian gần đây, nền tảng mạng xã hội X đã liên tục tiết lộ về kế hoạch thay đổi cách thức hoạt động. Trong đó, một chính sách mới khiến người dùng chú ý là yêu cầu phải phí để sử dụng toàn bộ các tính năng của nền tảng.
Tin tức 4 ngày trước
(SHTT) - Google thông báo sẽ thử nghiệm loại bỏ các liên kết tin tức cho một số người dùng California do lo ngại ảnh hưởng của đạo luật mới.