SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 24/03/2024
  • Click để copy

Trọng dụng trí thức: Chính sách quan trọng trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế

19:59, 13/10/2021
(SHTT) - Các nhà lãnh đạo đều có nhận thức sâu sắc về vai trò to lớn của tri thức nói chung, và vai trò của những người trí thức có tài nói riêng đối với sự phát triển. Song từ nhận thức đến việc thực thi chính sách thì không phải nhà lãnh đạo nào cũng làm được.

1. Đàm luận trước khi đưa ra khái niệm về trí thức

Những đàm luận sau đây là những quan điểm của tác giả khi nghiên cứu về trí thức.

Đàm luận thứ nhất: khái niệm cần mang tính khoa học, có nghĩa là phải khách quan và dễ hiểu.

Đàm luận thứ hai: khái niệm không thể thay đổi theo thái độ của lãnh đạo hoặc chế độ chính trị.

Đàm luận thứ ba: Lòng yêu nước của trí thức, tố chất phản biện xã hội của trí thức không nhất thiết chỉ là (hay, nhất thiết phải là) thể hiện sự chống đối, phản kháng, trực diện, là lời nói, lời thề, lời cam kết, phản biện trực diện. Lòng yêu nước của trí thức, tố chất phản biện xã hội của trí thức được thể hiện hết sức phong phú, bằng nhiều hình thức, tuỳ theo sức và thời thế và phải được hiểu là sự đóng góp lao động sáng tạo bằng tri thức để xây dựng xã hội bền vững và lành mạnh hơn. Chủ thể đánh giá, phán xét lòng yêu nước và tố chất phản biện xã hội không phải là cấp trên hay lãnh đạo, mà là xã hội (cao hơn nữa là lịch sử).

Đàm luận thứ tư: lao động sáng tạo mới chính là lao động tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội, càng nhiều sáng tạo, càng nhiều giá trị thặng dư. Lao động sáng tạo chính là cốt lõi của nền kinh tế tri thức.

Đàm luận thứ năm: Lao động quản lý luôn luôn là dạng lao động sáng tạo hàng đầu và chủ đạo nhất của mọi xã hội, mọi thời đại.

 Đàm luận thứ sáu: Cụm từ “xã hội” được hiểu là số đông trong xã hội và xã hội phát triển theo bề dày của lịch sử.

trong dung tri thuc

 

2. Khái niệm trí thức

Đã có rất nhiều khái niệm được đưa ra, song với những đàm luận được nêu ở mục 1, tác giả xin đưa ra định nghĩa sau đây, mà theo tác giả là bao quát và dễ hiểu hơn cả:

Nhà trí thức là người có tri thức, lao động sáng tạo bằng tri thức đó, có đóng góp cho xã hội và được xã hội công nhận.

Sau đây là một số thuật ngữ có liên quan tới trí thức thường hay được sử dụng trong các văn bản ở Việt Nam:

Tầng lớp trí thức là tổ hợp các đội ngũ trí thức, các nhóm hay cá nhân trí thức. Tổ hợp này nhằm để phân biệt với những tổ hợp người dân có đặc điểm lao động khác.

Đội ngũ trí thức là tập hợp có tổ chức các nhà trí thức nhằm thực hiện mục tiêu chung nào đó.

Theo định nghĩa trên, thì các nhà bác học, các nhà lãnh đạo quốc gia, các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ ..., sống bằng chính lao động sáng tạo do tri thức của mình sản sinh ra, được xã hội trả lương, hoặc được xã hội tôn vinh và đó chính là sự công nhận của xã hội.

3. “Có tri thức” mới chỉ là điều kiện cần

Như vậy, theo định nghĩa trên, có tri thức chỉ là một vế cần phải có.

Tri thức có được có thể do được đào tạo rất cơ bản, có hệ thống, song cũng có thể là do tự học, tự nhận thức mà có được. Tri thức đó, có thể tương đương hoặc có thể thậm chí cao hơn trình độ của bằng cấp nào đó nào đó. Ở đây, có thể lấy ví dụ gương của rất nhiều người không có bằng cấp chính quy, không có bằng cấp cao, song không thể nói là họ không có tri thức. Thí dụ các bậc lão thành cách mạng, các nhà doanh nghiệp như Bill Gates, các nhà thơ nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ bẩm sinh..., họ là những người có tri thức thực sự, chỉ thiếu mỗi tấm bằng cụ thể mà thôi.

4. “Lao động sáng tạo và được xã hội công nhận” là điều kiện đủ

Những ai có bằng cấp, cho dù là rất cao (tức là mới có tri thức, mới hội tụ được điều kiện cần), song (ví dụ) lại chỉ kiếm sống bằng nghề chơi đề (thiếu điều kiện đủ) thì không thể gọi người đó là nhà trí thức.

Những người có tri thức, có lao động sáng tạo và cống hiến cho xã hội bằng tri thức của mình, được xã hội công nhận mới thực sự trở thành nhà trí thức. Như vậy, “có lao động sáng tạo và được xã hội công nhận” mới là điều kiện đủ để người có tri thức trở thành nhà trí thức.

Thế nào là “xã hội công nhận”? Sau đây là một số hình thức công nhận của xã hội đối với lao động sáng tạo của các nhà trí thức:

 Người có tri thức được xã hội trả lương, trả tiền công cho lao động sáng tạo do tri thức của người đó tạo ra;

Người có tri thức được bầu chọn, được công nhận là hội viên các hội nghề nghiệp trí thức do chính những thành quả lao động sáng tạo của mình;

Người có tri thức, với những thành quả lao động sáng tạo của mình được cử, chọn hoặc tôn vinh là lãnh tụ, là một trong các vị trí lãnh đạo các tổ chức nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các doanh nghiệp, ...

Thế nào là tố chất “phản biện xã hội” của trí thức?

Sau đây là một số hình thức thể hiện tố chất phản biện xã hội của các nhà trí thức:

Trực tiếp và công khai thể hiện những điều đúng, khách quan, có lợi lâu dài, những cái đẹp, nhân văn.

Gián tiếp thể hiện những điều đúng, khách quan, có lợi lâu dài, những cái đẹp, nhân văn. Tính gián tiếp có thể được thể hiện qua thơ ca, họa, nhạc, các hình thức nghệ thuật khác, chuyện ngụ ngôn, các bài giảng, các công trình nghiên cứu...

Như vậy, phản biện xã hội theo nghĩa rộng, phải được hiểu là sự đóng góp tích cực cho xã hội của trí thức, có nghĩa là bằng kết quả lao động sáng tạo của mình, trí thức làm cho xã hội phát triển tốt hơn, lành mạnh hơn, lạc quan hơn, và bền vững hơn. Cách hiểu tố chất phản biện xã hội theo nghĩa hẹp (tức là đồng nghĩa với phản kháng, phản đối) là không chuẩn, mà chỉ là một phần rất nhỏ của khái niệm phản biện xã hội mà thôi.

5. Có đội ngũ trí thức và sử dụng đội ngũ trí thức là hai lĩnh vực khác nhau

Lịch sử dựng nước Việt Nam cho thấy rất rõ: không khi nào dân tộc Việt Nam thiếu trí thức tài năng. Điều này không chỉ sử sách Việt Nam đã ghi lại, mà nhiều nhà học giả quốc tế cũng đã thừa nhận (xem thêm [1, 3]). Chỉ có điều, không phải lúc nào người trí thức, người tài cũng được trọng dụng đúng với tầm vóc và tri thức của họ. Về cơ bản, có hai trường hợp người tài được sử dụng rất hữu hiệu: đó là khi quốc gia lâm nguy, hoặc khi lãnh đạo quốc gia có tầm chiến lược, có tài quản lý, trị vì đất nước, biết sử dụng những người tài giỏi hơn mình, thì trí thức Việt Nam được trọng dụng. Và chính họ, những trí thức Việt Nam, đã và sẽ luôn hết mình vì sự nghiệp chung của đất nước, đem lao động sáng tạo của mình góp phần quyết định vào thắng lợi chung của cả dân tộc Việt Nam.

Thế giới ngày nay phát triển trong điều kiện nền kinh tế mở, cạnh tranh gay gắt, tài nguyên vật chất ngày càng cạn kiệt, chỉ còn yếu tố con người là cốt lõi của sự sống còn của bất kỳ dân tộc nào. Trong yếu tố con người, thì điều có ý nghĩa quyết định là lao động sáng tạo của những nhà trí thức. Bởi vậy, vấn đề sử dụng đội ngũ trí thức là đương nhiên.

Tuy nhiên, nhiều tham luận của các đại biểu Quốc hội, của các nhà lãnh đạo trong thời gian gần đây trên diễn đàn báo chí cho thấy vấn đề trọng dụng trí thức còn nhiều nan giải. Hay nói các khác là trí thức chưa được sử dụng một cách thích đáng cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh...” (xem thêm [5])

6. Lao động sáng tạo là công cụ sắc bén nhất cho động lực phát triển

Lao động sáng tạo của đội ngũ trí thức là lao động quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, lao động trong các lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và công nghệ của những người có tài năng. Đó là lao động trí óc, mang tính sáng tạo của đội ngũ trí thức. Đây chính là tài nguyên đặc biệt của mỗi quốc gia. Tính đặc biệt của tài nguyên chất xám được thể hiện ở chỗ nếu biết khai thác thì hiệu quả kinh tế - xã hội sẽ vô cùng to lớn, song nếu không biết cách phát huy, thì tài nguyên này sẽ không được phát huy, sẽ bỏ đi chỗ khác, hoặc tự hao mòn dần, và thậm chí bị mất đi theo thời gian (xem thêm [2, 4]).

Vai trò to lớn của tri thức nói chung, và vai trò của những người trí thức có tài nói riêng đối với sự phát triển đã quá rõ ràng. Các nhà lãnh đạo của bất kỳ quốc gia nào cũng đều có nhận thức sâu sắc về điều này. Song từ nhận thức đúng đắn đến việc thực thi chính sách thì không phải nhà lãnh đạo nào cũng làm được.

Những nước phát triển, hoặc những nước có những nhà lãnh đạo sáng suốt, thì dù trong những điều kiện tài chính hạn hẹp, họ đều thể hiện sự nhận thức về vai trò của những nhà trí thức tài ba bằng các chính sách cụ thể, các chính sách đó được thể chế hoá, tài chính hoá và rất mực nhất quán. Trong lịch sử không ít dẫn chứng như Pierre Đại đế, Nhật hoàng Minh trị, Lênin, Hồ Chí Minh..., là những nhà lãnh đạo quốc gia có tầm chiến lược, biết sử dụng người giỏi hơn mình, những nhà trí thức của đất nước, biết đầu tư đủ và tạo những điều kiện thích đáng cho môi trường lao động sáng tạo của những nhà trí thức. Bởi vì họ biết rằng, sử dụng hiệu quả trí thức chính là yếu tố quyết định để quốc gia họ tồn tại, phát triển và vững mạnh.

7. Thay lời kết

Về cơ bản, khi mà yếu tố cạnh tranh không được phát triển một cách lành mạnh (tức là sự đánh giá không khách quan đối với cái tốt, cái sáng tạo vì quyền lợi chung của dân tộc) thì một chính sách sử dụng trí thức sẽ chỉ mang lại hiệu quả không đáng kể, chủ yếu cũng chỉ mang tính hình thức mà thiếu yếu tố thực chất. Nói cách khác, xã hội càng ít cạnh tranh thì càng ít sử dụng trí thức. Cạnh tranh (lành mạnh) là động lực phát triển cho mọi mọi xã hội.

Có hai vấn đề mấu chốt: thứ nhất là tạo môi trường tích cực cho mọi tài năng được phát hiện và phát triển; thứ hai là có đủ năng lực để khách quan đánh giá và trọng dụng trí thức đúng tầm, vị trí. Hai vấn đề trên chỉ có thể được giải quyết bởi những nhà lãnh đạo có tri thức, tài năng và đạo đức.

Biết tạo môi trường tích cực cho phát triển và biết đánh giá người tài giỏi hơn mình, đó là “cái Tài” của nhà lãnh đạo; biết đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết thảy để sử dụng người tài hơn mình, đó là “cái Đức” của nhà lãnh đạo. Chính “cái Tài” đó và “cái Đức” đó đã được Hồ Chí Minh gương mẫu thực hiện trong suốt cuộc đời làm cách mạng của mình.

Danh mục tài liệu tham khảo

1.     Nhân tài trong Chiến lược phát triển Quốc gia.- NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004.

2.     Mai Hà và cs. Bàn về chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2000.- NXB Sự thật, Hà Nội, 1991.

3.     Phan Hữu Dật (Chủ biên). Phương sách dùng người của ông cha ta trong lịch sử. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994.

4.     Mai Hà, Đậu Thị Hạnh, Phạm Thị Thúy Nga. Một số vấn đề cơ bản về phương pháp luận xây dựng chiến lược khoa học và công nghệ ở Việt Nam đến năm 2020.- Hà Nội, 9/1999.

5.     Mai Hà (Chủ biên) và cs. Phác thảo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010.- NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003.

PGS.TS. Mai Hà,

nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN

Bộ Khoa học và Công nghệ

Tin khác

Khoa học Công nghệ 7 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Toyota bắt đầu tiến hành chương trình triệu hồi đối với hai mẫu SUV đầu bảng của mình tại Việt Nam, nhằm cập nhật phần mềm điều khiển hộp số.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin của Bệnh viện Massachusetts General ở Boston, một người đàn ông 62 tuổi mắc bệnh thận giai đoạn cuối đã trở thành người đầu tiên được ghép thận lợn đã được chỉnh sửa gen.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây đã ban hành Quyết định 405/QĐ-BKHCN công bố thủ tục hành chính mới ban hành thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương (ABU Robocon) năm nay sẽ được tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 23/8 đến 27/8/2024. Chủ đề thi của ABU Robocon 2024 mang tên "Ngày mùa", lấy ý tưởng từ việc canh tác lúa trên các thửa ruộng bậc thang.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là các mô hình Generative AI như ChatGPT của OpenAI, đang dẫn đến một thách thức lớn về năng lượng.