Thanh Hóa triển khai sâu rộng phong trào 'Bình dân học vụ số'

Nhằm cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và phân công cho các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Bình dân học vụ số”, Sở Khoa học và Công nghệ đã trình UBND tỉnh Kế hoạch triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh để UBND tỉnh xem xét, báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch xác định mục tiêu cụ thể trong năm 2025, 90% cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về CĐS; 100% học sinh trung học và sinh viên được trang bị kiến thức, KNS; 85% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về CĐS; 60% người dân trong độ tuổi trưởng thành được xác nhận đạt phổ cập tri thức về CĐS; 80% người lao động trong các doanh nghiệp, HTX, liên HTX, nghiệp đoàn có kiến thức cơ bản về công nghệ số, có KNS.
Năm 2026, 100% CB, CC, VC và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về CĐS; 100% học sinh từ cấp tiểu học được trang bị kiến thức KNS; 100% người dân trưởng thành có tri thức cơ bản về CĐS; 80% người dân trong độ tuổi trưởng thành được xác nhận đạt phổ cập tri thức về CĐS; 100% người lao động trong các doanh nghiệp, HTX, liên HTX, nghiệp đoàn có kiến thức về công nghệ số, có KNS.
Để triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” toàn diện, sâu rộng đến tận thôn, bản, tổ dân phố, tạo nên cuộc vận động toàn dân thi đua học tập, rèn luyện KNS, tích cực tham gia vào quá trình CĐS; cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu thực hiện phong trào, góp phần lan tỏa tinh thần tự học, tự nâng cao trình độ, KNS; đồng thời chuyển hóa việc sử dụng KNS thành nhu cầu thực hiện hàng ngày của mỗi người... Tỉnh sẽ thực hiện truyền thông sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về CĐS và phong trào “Bình dân học vụ số”; tổ chức lễ phát động phong trào trên địa bàn tỉnh nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi, cổ vũ, động viên tinh thần, đưa phong trào “Bình dân học vụ số” trở thành phong trào thường xuyên, liên tục và phát triển sâu rộng, đều khắp trên địa bàn tỉnh, trở thành bước đột phá trong nâng cao nhận thức và KNS, nhất là các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa hoặc chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ.
Đồng thời, triển khai hướng dẫn khung KNS và việc đánh giá, xác nhận đạt trình độ phổ cập KNS cho 4 nhóm đối tượng, đó là: CB, CC, VC, người lao động trong các cơ quan Nhà nước; học sinh, sinh viên; người lao động trong các doanh nghiệp; người dân theo hướng dẫn (hoàn thành trong tháng 5/2025).
Ngoài ra, sẽ hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, cống hiến, đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào (hoàn thành trong tháng 4/2025). Hướng dẫn triển khai cơ chế, chính sách thu hút cộng đồng, doanh nghiệp công nghệ, các tổ chức xã hội tích cực tham gia hiệu quả phong trào (hoàn thành trong tháng 6/2025) và tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ hoạt động cho Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh (hoàn thành trong tháng 9/2025).
Thanh Hóa cũng sẽ xây dựng chương trình phổ cập KNS; hoàn thiện hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin phục vụ người dân tiếp cận, sử dụng internet và các ứng dụng số; triển khai các nền tảng học trực tuyến mở đại trà quốc gia (MOOCs), “Bình dân học vụ số”; phổ cập tri thức về CĐS, KNS cho từng nhóm đối tượng; triển khai các mô hình, phong trào lan tỏa KNS cho cộng đồng (bắt đầu triển khai từ tháng 4/2025), như: xây dựng mạng lưới “Đại sứ số”, thực hiện phong trào “Gia đình số”, mô hình “Chợ số”, “Mỗi công dân - Một danh tính số”, chương trình “Chắp cánh công nghệ”, “Tổ công nhân công nghệ”...
Nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến về hành động cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về CĐS, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức triển khai kế hoạch hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số” nhằm nâng cao nhận thức và KNS thiết yếu cho hội viên, giúp phụ nữ tiếp cận và tận dụng công nghệ trong cuộc sống, hình thành cộng đồng thích ứng với CĐS. Theo đó, cán bộ, hội viên, phụ nữ xác định rõ vai trò của phụ nữ trong thực hiện phong trào; thành lập các tổ “Bình dân học vụ số” do phụ nữ làm nòng cốt; triển khai hiệu quả mô hình “Gia đình số”, “Mỗi phụ nữ - Một danh tính số”, góp phần lan tỏa tinh thần tự học, tự nâng cao tri thức, KNS, chuyển quá trình học tập, rèn luyện, nâng cao và ứng dụng tri thức số trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người dân.
PV.
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
