Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử: Vẫn còn nhiều nỗi lo
Theo lộ trình thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử (quy định tại Thông tư 46/2018/TT-BYT), từ ngày 01/01/2027, các bệnh viện, viện có giường bệnh từ tuyến tỉnh/thành phố trở lên áp dụng quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị. Tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc áp dụng quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị từ ngày 01/01/2029.
Dù vậy lâu nay, Bộ Y tế đã khuyến khích các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác triển khai quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử sớm nhất có thể. Việc áp dụng bệnh án điện tử sớm đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân và các cơ sở y tế, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hiện thực hóa mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
“Chúng tôi đã theo đuổi công nghệ thông tin, viết bệnh án điện tử từ năm 2000 nhưng vẫn cảm thấy khó khăn và không biết đi bằng cách nào, cấu trúc, hành lang pháp lý ra sao. Sau thời gian tự mày mò, chúng tôi hiểu rằng để áp dụng thành công hồ sơ bệnh án điện tử, cần thiết phải làm rõ hành lang pháp lý, làm sao có được một Thông tư hướng dẫn bao trùm được hết từ khối bệnh viện, khối dự phòng, từ hệ thống bệnh viện tỉnh đến cấp cơ sở”, PGS. TS. BS Nguyễn Hoàng Bắc – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM – chia sẻ.
Phát biểu tại Hội thảo xin ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn triển khai bệnh án điện tử, ThS Trần Văn Tuyên – Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế - cho biết hiện nay, mới chỉ có khoảng 100 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai EMR không sử dụng bệnh án giấy. Việc số hóa hồ sơ bệnh án hiện đang lưu trữ tại các cơ sơ y tế cũng chưa có quy định. Trong khi đó, cấu trúc và định dạng mẫu của hồ sơ bệnh án điện tử hiện nay cũng chưa thống nhất. Lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử cũng chưa đáp ứng theo quy định.
“Đội ngũ y tế có thể được hỗ trợ cung cấp chữ ký số từ nhà cung cấp dịch vụ công cộng, tuy nhiên đối với người bệnh không có chữ ký số thì phải triển khai như thế nào? Mặc dù trong Thông tư 46/2018/TT-BYT đã quy định người bệnh hoặc người nhà của người bệnh có thể cung cấp chữ ký điện tử nhưng còn phụ thuộc vào Luật giao dịch điện tử. Đến thời điểm hiện tại, chữ ký điện tử của người bệnh vẫn đang là vấn đề khó khăn khăn nhất trong quá trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế”, ThS Trần Văn Tuyên nhấn mạnh.
Ngoài ra, còn nhiều khó khăn trong việc lựa chọn, triển khai phần mềm; kết cấu chi phí ứng dụng công nghệ thông tin trong chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh; thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ bệnh án giấy sang điện tử hay việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin phục vụ;… cũng là những khó khăn thường gặp phải trong quá trình các cơ sở y tế chuyển đổi sang hồ sơ bệnh án điện tử.
Về các nội dung phải cập nhật, bổ sung tại Thông tư 46/2018/TT-BYT, ThS Trần Văn Tuyên – Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế - cho rằng cần phải có quy định thống nhất về mã định danh y tế trong hồ sơ; xây dựng cấu trúc, định dạng mẫu hồ sơ bệnh án điện tử; cập nhật quy định về chữ ký số; cho phép số hóa, lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy để quản lý, lưu trữ điện tử;….
Đồng quan điểm, TS. BS Lê Quan Anh Tuấn – Trưởng ban xây dựng bệnh án điện tử, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM – cho biết trong quá trình triển khai Thông tư 46/2018/TT-BYT, bên cạnh những kết quả đạt được, đơn vị vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc thay đổi thói quen, thay đổi tư duy trong việc sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử là việc mất rất nhiều thời gian, đặc biệt là đối với người bệnh. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, sự đồng bộ trong chuyển đổi số y tế và các khung pháp lý, quy định vẫn còn chưa rõ ràng cũng tạo rào cản không nhỏ cho đội ngũ thực hiện.
“Rất may mắn tại Bệnh viện Đại học Y dược, chúng tôi được Ban giám đốc hết sức hỗ trợ, chỉ đạo nhất quán, kiên quyết trong chuyển đổi số. Đội ngũ công nghệ thông tin đáp ứng được nhu cầu và phối hợp nhuần nhuyễn với đội ngũ lâm sàng”, TS. BS Lê Quan Anh Tuấn cho biết.
Chia sẻ về các nguyên tắc cốt lõi khi triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, đại diện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho rằng toàn bộ thông tin bệnh nhân nên được thu thập và nhập liệu vào hệ thống một lần duy nhất. Dữ liệu này phải được số hóa, đồng bộ hóa và liên kết với tất cả mô – đun khác trong hệ thống để có thể dễ dàng truy cập, cập nhật nhanh chóng, chính xác trên mọi loại máy móc.
“Bệnh án điện tử là khối thống nhất, liên kết hoàn chỉnh từ nhân sự, điều trị đến thanh quyết toán. Các báo cáo trên hệ thống cũng được xuất tự động và chính xác, đảm bảo tuân thủ theo các biểu mẫu mà không phải làm thủ công, tiết kiệm được thời gian”, đại diện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố nói.
Tại hội nghị, TS. Nguyễn Tri Thức – Thứ trưởng Bộ Y tế - khẳng định chuyển đổi số y tế là một trong những chủ trương quan trọng của Nhà nước, đồng hộ với hệ thống triển đổi số quốc gia.
“Lúc đầu Bộ Y tế chuẩn bị ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai bệnh án điện tử ngay nhưng cảm thấy chưa thực sự an tâm. Bệnh án điện tử không dễ như mình nghĩ, khó có hướng đi. Đứng ở góc độ quản lý cần phải lắng nghe thêm các bệnh viện, sở y tế và các doanh nghiệp phần mềm mới có thể triển khai được.
Vừa rồi đã triển khai sổ sức khỏe điện tử, tiếp theo là hồ sơ bệnh án điện tử. Quan trọng nhất là thanh toán bảo hiểm y tế được cho người bệnh, nếu mình làm mà không đồng bộ là bảo hiểm y tế treo đó. Vì thế Bộ muốn lắng nghe các bệnh viện chia sẻ và nói những bất cập, từ đó ban hành Thông tư cho chính xác”, TS. Nguyễn Tri Thức – Thứ trưởng Bộ Y tế - chia sẻ.
Nhật Linh
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- vitamin 3b có tác dụng gì?
- xe đạp điện M133 mini
- Backup là làm gì
- Smart Tivi Samsung 4K 65 inch UA65DU8000
- Công thức hàm tính trung bình trong excel