Trí tuệ nhân tạo trong giáo dục: Giúp tối ưu hóa công tác dạy và học
Đây là cơ hội để các sinh viên hiểu hơn về những thách thức, cơ hội mà AI mang lại, từ đó ứng dụng hiệu quả vào việc học tập, tác nghiệp…
Tại sự kiện, PGS.TS. Nguyễn Thị Trường Giang – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh: Với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, chuyển đổi số chính là xu hướng của xã hội nói chung, lĩnh vực giáo dục nói riêng. Việc áp dụng công nghệ vào giáo dục có vai trò vô cùng to lớn tạo nên nhiều bước ngoặt phát triển, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới thông minh hiệu quả, đồng thời tiết kiệm chi phí cho người học.
Phó Giám đốc Học viện nhận định: “Ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo ra mô hình giáo dục thông minh từ đó giúp cho việc học tốt hơn, dễ dàng hơn. Sự bùng nổ của các nền tảng công nghệ, trong đó có AI đã tạo điều kiện thuận lợi để truyền đạt kiến thức và phát triển khả năng tự học của người học mà không bị giới hạn về thời gian và không gian... Bên cạnh đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục góp phần giúp sinh viên và giáo viên tối ưu hóa, tự động hóa công tác dạy và học”.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo cho biết, AI là một trong những công nghệ then chốt, mũi nhọn hàng đầu. Không phải ngẫu nhiên có gần 60 quốc gia đã đưa ra chiến lược phát triển AI quốc gia trong đó có Việt Nam, vì AI là công nghệ quan trọng nhất, quyết định cho việc thắng thua, sự phát triển và văn minh của các quốc gia trên thế giới trong bối cảnh hiện nay.
Ông Hoài cũng khẳng định trong khoảng 10 năm trở lại đây, AI phát triển rất mạnh và đang dần thay đổi cuộc sống hàng ngày. Hiện nay, AI đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống cũng như trong công việc. Tuy vậy, vấn đề đặt ra đối với người dùng là cần phải biết chọn lọc, phân tích thông tin một cách khách quan, cụ thể để ứng dụng AI cho hiệu quả, tránh lạm dụng, phụ thuộc vào AI.
Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo cũng chỉ ra những cơ hội lớn mà AI mang lại như thúc đẩy nhanh và hiệu quả quá trình thu thập, xử lý, xuất bản, chia sẻ, tối ưu hóa, cá nhân hóa thông tin. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo về những thách thức của AI đó là: Nguy cơ thông tin giả (fake news); nguy cơ mất việc làm; nguy cơ về quyền tự do báo chí/ngôn luận.
Vì vậy, theo ông, các công ty truyền thông, báo chí, truyền hình hay mỗi cá nhân hoạt động trong ngành báo chí truyền thông đều có thể ứng dụng công nghệ AI hiệu quả trong nhiều công việc: Sáng tạo nội dung (generative AI); Lọc nội dung; Phân tích và tình diễn nội dung; Sản xuất và xuất bản nội dung; Phân phối và trình diễn…
Cùng chung sự quan tâm về trí tuệ nhân tạo, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã tổ chức Hội thảo tập huấn “Ứng dụng Công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) trong dạy, học và kiểm tra, đánh giá ngoại ngữ” dành cho giảng viên Nhà trường vào ngày 10/5/2023.
Phát biểu tại buổi tập huấn, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đã chia sẻ những câu chuyện từ góc nhìn cá nhân đến Nhà trường về vai trò của AI và khẳng định: “Trong năm học tới chúng ta sẽ phải sớm đưa ra một môn học chính thức trong chương trình cho sinh viên về Ứng dụng Công nghệ Trí tuệ nhân tạo; tổ chức các buổi tập huấn, cấp giấy chứng nhận nhất định để sinh viên có thể bước vào thị trường lao động với các kỹ năng thành thạo”. Từ đó cho thấy tính cập nhật, sự quan tâm, sát sao của Nhà trường nhằm luôn kịp thời thích ứng với sự phát triển của công nghệ, đáp ứng nhu cầu của xã hội về đào tạo.
Minh Tú