Trí tuệ nhân tạo giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Những năm gần đây, Việt Nam ngày càng coi trọng nguồn lực di sản và xem di sản văn hóa nói riêng và văn hóa nói chung là một loại tài nguyên, nếu được sử dụng phù hợp sẽ là động lực, chất xúc tác cho phát triển bền vững.
Bắt nhịp với những tiến bộ công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số, việc áp dụng công nghệ mới trong quản lý và bảo tồn di sản, xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa đã được Nhà nước đặt ra và ngày càng gia tăng.
Ngày 2/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị đã bước đầu hình thành số hóa, chuẩn hóa dữ liệu hiện có của các bảo tàng, ban quản lý di tích trên toàn quốc, nhằm từng bước hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành.
Điều này không chỉ hữu ích trong công tác bảo tồn, tạo kho tàng lưu giữ thông tin chi tiết về các giá trị vật thể và phi vật thể mà còn tạo nền tảng khai thác tối đa tiềm năng của di sản trong công nghiệp văn hóa.
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia diễn ra tọa đàm Trí tuệ nhân tạo và thiết kế kiến trúc. Tọa đàm do Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, tổ chức, xoay quanh các tác động của AI và công nghệ số hóa đến quá trình thiết kế và chuyển đổi số trong kiến trúc hiện đại.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, AI không chỉ dừng lại ở việc tối ưu hóa các quy trình từ khảo sát hiện trạng đến thiết kế tích hợp và quản lý vận hành công trình mà còn mang đến những trải nghiệm sáng tạo thông qua khai thác dữ liệu liên quan cả về kỹ thuật lẫn cảm xúc. Nhờ đó, kiến trúc sư có thể vận dụng AI để tạo ra những thiết kế bền vững mang tính thẩm mỹ cao và thân thiện với người dùng.
Tuy nhiên, dù AI có thể hỗ trợ đắc lực trong việc phục dựng tác phẩm, nhưng nó không thể thay thế hoàn toàn sự sáng tạo và cảm xúc của con người. Mặc dù AI có thể tái tạo hình ảnh và màu sắc, nhưng chính các nghệ sĩ mới quyết định và giám sát quá trình phục dựng, đảm bảo giá trị gốc của tác phẩm không bị bóp méo. AI cần có sự giám sát và dữ liệu chính xác từ các nghệ sĩ, vì vậy nó chỉ là công cụ hỗ trợ, không thể thay thế hoàn toàn vai trò của con người.
Cảm xúc và nhận thức của con người là yếu tố không thể thiếu trong việc truyền tải giá trị văn hóa. Công nghệ AI có thể xử lý nhanh chóng các tác vụ, nhưng chiều sâu của tác phẩm nghệ thuật chỉ được tạo ra từ tâm huyết và cảm xúc của nghệ sĩ. Chính vì vậy, dù AI mang lại những khả năng mới, sự kết hợp tinh tế giữa công nghệ và trí tuệ con người vẫn là yếu tố quyết định trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.
AI mở ra cơ hội mới trong việc bảo tồn ký ức văn hóa và phát huy giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên, vai trò của con người vẫn là yếu tố quyết định. AI không thể thay thế sự sáng tạo, cảm xúc và trí tuệ của con người trong việc giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa đặc sắc. Sự kết hợp giữa công nghệ và con người sẽ là chìa khóa giúp bảo tồn ký ức văn hóa một cách hiệu quả và bền vững trong tương lai.
Vân Anh