SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 16/04/2024
  • Click để copy

Trí tuệ nhân tạo: Công cụ hỗ trợ hay giải pháp thay thế con người?

11:27, 06/02/2023
"Cơn sốt" ChatGPT trong thời gian gần đây một lần nữa làm dấy lên lo ngại về việc con người có khả năng bị trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế. Từ góc độ chuyên môn, các chuyên gia nhận định rằng AI được tạo ra với vai trò là công cụ hỗ trợ, tối ưu công việc hơn là cạnh trạnh với con người.

Trước đây, khi khái niệm trí tuệ nhân tạo được đề cập, người ta thường cho rằng công nghệ này khó có thể chạm đến địa hạt sáng tạo tinh thần như văn chương, âm nhạc, hội họa… Tuy nhiên nhiều năm gần đây, nhân loại đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của AI trong lĩnh vực nghệ thuật và nhân văn.

Ranh giới sáng tạo giữa AI và con người ngày càng mờ nhạt

Ngày 29/8/2022, bức tranh mang tên "Théâtre D’opéra Spatial" được trao giải nhất cho hạng mục nghệ thuật số tại triển lãm ở bang Colorado, Mỹ. Điều đáng nói, tác phẩm này là sản phẩm được tạo nên từ AI. Sự việc đã gây xôn xao trong giới nghệ thuật và cộng đồng nói chung, nhiều cuộc tranh cãi nổ ra về lằn ranh sáng tạo giữa con người và máy tính, nhiều người đặt câu hỏi liệu các lĩnh vực sáng tác tinh thần có còn là "độc quyền" của con người?

Thực tế, việc tạo ra một bức tranh bằng AI hiện nay đã không còn quá khó khăn. Không đòi hỏi các kiến thức về công nghệ hay lập trình, việc mọi người cần làm là truy cập và đăng ký tài khoản với các công cụ như DALL-E 2, Midjourney, Stable Diffusion,… sau đó nhập từ khóa mô tả ý tưởng bức tranh và chờ đợi kết quả được trả về sau ít phút.

AI ve

 Bức tranh có tên "Théâtre D'opéra Spatial" được trao giải nhất ở hạng mục nghệ thuật số. Bức tranh do Midjourney, phần mềm vẽ ảnh dựa trên trí tuệ nhân tạo tạo ra. Ảnh: Jason Allen

Theo ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc – Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (VIPA) - AI hiện nay đã phát triển, tạo ra nhiều tác phẩm trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật ở mức độ phức tạp cao và có thể sánh ngang với khả năng sáng tạo của con người. Bức tranh "Théâtre D’opéra Spatial" hay bức ảnh "Mèo Ninh Thuận" do phần mềm AI Midjourney tạo ra và được chia sẻ rộng rãi dịp Tết vừa qua là những ví dụ rõ ràng nhất.

"Có thể thấy, dường như ranh giới giữa các sản phẩm sáng tạo như thế này từ AI và con người ngày càng mờ nhạt dần", ông Bắc nhận định.

Tuy nhiên, cũng theo Chủ tịch VIPA Phạm Nghiêm Xuân Bắc, trong lĩnh vực nghệ thuật, tài năng và sự độc đáo của mỗi cá nhân con người vẫn hết sức quan trọng trong việc tạo ra giá trị của các tác phẩm nghệ thuật. Đây chính là điểm khiến các tác phẩm nghệ thuật do con người tạo ra khác biệt với các tác phẩm của AI. Vì vậy, mặc dù AI có thể tham gia sáng tạo nghệ thuật nhưng khó có thể thay thế con người trong lĩnh vực này.

Theo PGS. TS Quản Thành Thơ - Phó Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính (Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG TP.HCM) - dưới góc độ khoa học máy tính, không gian trạng thái của các bài toán nghệ thuật là rất lớn và khó định nghĩa chặt chẽ các tiêu chuẩn (metrics) để huấn luyện các mô hình AI.

"Các mô hình AI hiện nay khó tạo được các sản phẩm có tính sáng tạo cao và có ý nghĩa sâu sắc như các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bởi nghệ nhân của con người", PGS. TS Quản Thành Thơ chia sẻ.

Tuy nhiên theo ông Thơ, các mô hình AI vẫn rất hữu ích trong việc tìm kiếm ý tưởng hoặc phát triển một sản phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh từ ý tưởng ban đầu, đó cũng là mục đích mà các nhà phát triển AI hướng tới.

Phản đối hay tiếp nhận?

Trước đó, ngày 18/9/2023, cộng đồng nghệ thuật Fur Affinity đã lên tiếng "cấm cửa" các tác phẩm sáng tạo thông qua AI xuất hiện trên diễn đàn này vì cho rằng các tác phẩm trên "thiếu giá trị nghệ thuật". Gần đây, trước sự bùng nổ của ChatGPT – một chatbot sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo - một số trường đại học tại Mỹ đã bắt đầu cấm sinh viên sử dụng công cụ này.

Với trường hợp của ChatGPT, PGS.TS Quản Thành Thơ cho biết tình huống này khá giống với tình huống khoảng 20 năm trước, khi Google bắt đầu được sử dụng nhiều trong học thuật với nhiều mục đích khác nhau, bao gồm cả gian lận. Tuy nhiên, chiến lược đối phó hiệu quả nhất và được sử dụng cho đến lúc này là không cấm mà ngược lại, khuyến khích và hướng dẫn để người dạy và người học sử dụng Google hiệu quả (và hợp pháp) trong công việc học thuật của mình.

chatgpt 1

ChatGPT trả lời câu hỏi về vai trò của chính chatbot này trong lĩnh vực sáng tạo và nghệ thuật. 

Theo PGS.TS Quản Thành Thơ, điều mà các trường đại học ở Việt Nam cần chuẩn bị cho làn sóng sử dụng công cụ AI là phải tăng cường giáo dục về ý thức và đạo đức học thuật. Đây là việc luôn cần phải làm dù có AI hay không. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, đưa ra các bộ quy tắc ứng xử về việc sử dụng AI trong giảng dạy và học tập. Đồng thời, hỗ trợ tăng cường năng lực và kỹ năng của giáo viên về AI để giáo viên có thể sử dụng AI một cách hiệu quả trong quá trình giảng dạy.

Theo ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, AI là xu hướng của công nghệ hiện nay. Trong lĩnh vực sáng chế với bản chất là "giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên" (quy định tại Điều 4.12 Luật Sở hữu Trí tuệ), hiện nay, AI đã hỗ trợ các nhà sáng chế, nhà nghiên cứu rất nhiều trong việc tìm kiếm tài liệu/thông tin, tổng hợp, nghiên cứu, phân tích thông tin, tiến hành thí nghiệm, đánh giá kết quả, trên cơ sở đó góp phần tạo ra sáng chế.

"Với các giải pháp thực sự có tính mới, là bước tiến trong khoa học, kỹ thuật, vai trò của con người trong việc tìm kiếm/xây dựng ý tưởng, định hướng/lên chương trình nghiên cứu vẫn chưa thể thay thế. Mặc dù vậy, tôi vẫn cho rằng trong tương lai, vẫn có khả năng rằng AI sẽ trực tiếp tạo ra các giải pháp kỹ thuật độc đáo, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nhân loại", Chủ tịch VIPA Phạm Nghiêm Xuân Bắc nói.

Trong giáo dục và định hướng nghề nghiệp, trước làn sóng của AI, PGS. TS Quản Thành Thơ nhận định nhu cầu học của con người là luôn có với nhiều mục đích khác nhau. Do đó, người học sẽ không bao giờ bị AI thay thế. Nếu sử dụng AI một cách hợp lý, người học có thể tiếp cận và đào sâu tri thức hiệu quả hơn so với cách tiếp cận truyền thống.

Tuy nhiên, nếu lạm dụng AI thì quá trình tiếp thu tri thức của người học có thể trở thành một con dao hai lưỡi khi người học có thể không có sự thẩm thấu và tích lũy kỹ năng cần thiết để làm chủ vấn đề. Việc này cũng giống như trong quá khứ, nếu quá lạm dụng máy tính điện tử thì học sinh có thể không hiểu nguyên lý để giải một phương trình. Từ đó, học sinh không phát triển được kỹ năng toán để vận dụng vào những vấn đề liên quan hiệu quả hơn.

Với sự phát triển của AI, giáo viên cũng dần hướng đến tình huống là người học có điều kiện tiếp xúc và sử dụng các công cụ AI một cách rộng rãi. Từ đó, giáo viên cần nắm được khả năng và cả hạn chế của các công cụ AI để có chiến lược truyền đạt kiến thức hiệu quả hơn, cũng như cách đặt vấn đề và ra câu hỏi trong các bài kiểm tra để đánh giá được thực chất của người học.

"AI không phải để thay thế hoặc đánh bại con người mà giúp cho con người có được hiệu suất cao hơn trong công việc của mình",  PGS. TS Quản Thành Thơ nhận định.

Võ Liên

Tin khác

Khoa học Công nghệ 12 giờ trước
(SHTT) - Từ cuối năm nay, những người sử dụng iPhone 15 trở lên sẽ có thể sửa chữa điện thoại bằng các bộ phận chính hãng đã qua sử dụng, bao gồm màn hình, pin và camera, mà không có bất kỳ thay đổi nào về chức năng.
Khoa học Công nghệ 12 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, tập đoàn viễn thông Nippon Telegraph and Telephone (NTT) tại Nhật Bản thông báo về việc ra mắt nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh mới mang tên Tsuzumi.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Tiến sĩ Nguyễn Duy Duy đã trở thành 1 trong 10 nhà khoa học trẻ xuất sắc được trao giải thưởng từ quỹ tài trợ các nhà khoa học tại Australia trong lĩnh vực khoa học và công nghiệp, của Viện Hàn lâm Khoa học Australia (SIEF).
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ thông tin Việt Nam (Vinasa) mới đây đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Sao Khuê 2024 cho 169 sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin của 117 doanh nghiệp công nghệ.
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Tại Diễn đàn Hợp tác xã quốc gia 2024 với chủ đề 'Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm' mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho biết trình độ KHCN trong nông nghiệp của nước ta còn thấp và chậm phát triển, có khoảng cách khá xa so với thế giới và khu vực.
Liên kết hữu ích