SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Tri ân và tưởng niệm nhân vật lịch sử vùng đất phương Nam

10:32, 24/04/2018
(SHTT) - Từ sáng sớm ngày 23/4/2018, hàng ngàn người dân các tỉnh miền Tây đã đổ dồn về Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, để dự Lễ Tri ân 125 vị Tiên liệt có công lao to lớn đối với vùng đất phương Nam của Tổ quốc.

Tri ân người mở đất

Trước Bàn thờ các bậc Tiên liệt có công lao to lớn đối với vùng đất phương Nam của Tổ quốc Việt Nam, từ buổi đầu gây dựng đến năm 1975, khói hương nghi ngút và các lễ vật được dâng lên trang trọng gồm hương hoa, quả phẩm, trầu rượu, bánh trái. Sau phút tưởng niệm, tri ân các bậc tiền nhân có công trên vùng đất phương Nam, là nghi thức Tế Lễ do con cháu của các dòng họ trên đất phương Nam cùng với Dàn nhạc lễ - học trò lễ địa phương, doThầy Phan Nhứt Dũng (Giảng viên trường Đại học Sân Khấu – Điện Ảnh Tp. HCM) hướng dẫn thực hiện.

ghi nhanh

 Chuẩn bị buổi lễ

Ông Đặng Phước Thành – người phát tâm công đức xây dựng Nam Phương Linh Từ, đồng thời là chủ tế thưa rằng: 125 vị tiên liệt được thờ phụng trong ngôi đền thiêng này là những bậc tài cao lỗi lạc, công lao vĩ liệt, đức độ phi phàm. Xứ Đồng Nai – Gia Định, hay vùng đất phương Nam của Tổ quốc Việt Nam, kể từ khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược (năm 1698) cho đến nay đã hơn 300 năm hình thành và phát triển. Bầu trời và vùng đất phương Nam này, đã từng là nơi sinh ra và hội tụ biết bao bậc anh tài của đất nước trên các lĩnh vực: chính trị, quân sự, ngoại giao, giáo dục, văn hóa – nghệ thuật, khoa học – kỹ thuật… Những bậc tiên liệt ấy, có vị sinh ra trên vùng đất phương Nam, nhưng có vị quê quán ở các địa phương khác…, song tất cả họ đều có nhiều gắn bó với xứ Đồng Nai – Gia Định, có công lao khai phá, mở mang, bảo vệ vùng đất phương Nam, hoặc đã có nhiều thành tích đóng góp về các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục… cho vùng đất này.

ghi nhanh 1

 Các nguyên lãnh đạo cấp cao của Chính phủ lớn lên từ vùng đất Phương Nam gửi lẵng hoa đến viếng Đại lễ

Khi nhắc đến danh nhân xứ Đồng Nai – Gia Định, trước hết, chúng ta tưởng nhớ tới các bậc anh kiệt, anh thư có công khai phá vùng đất phương Nam, như chúa Nguyễn Phước Nguyên – người có tầm nhìn chiến lược, ý thức gây dựng những cơ sở đầu tiên của cư dân Việt trên đất Nam Bộ. Đó là Công nữ Nguyễn Phước Ngọc Vạn – con gái chúa Nguyễn Phước Nguyên – người đã tạm biệt đô thành Phú Xuân, sang Oudong, Thủ đô Vương quốc Chân Lạp làm Hoàng hậu cho Quốc vương Chân Lạp Chey Chettha II, qua đó, tạo điều kiện cho lưu dân người Việt vào khai phá vùng đất hoang vu, được gọi là Thủy Chân Lạp, để cắm mốc chủ quyền đầu tiên của chính quyền Đàng Trong trên vùng đất Đồng Nai – Gia Định.

ghi nhanh 2

 Dàn cúng tế lễ

Chúng ta cũng luôn luôn ghi nhớ công lao to lớn của Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh, tháng 3 năm 1698, làm Kinh lược sứ lập phủ Gia Định – khai sinh Đô thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Trong hơn một năm nhậm chức, Kinh lược sứ Nguyễn Hữu Cảnh đã thành lập các đơn vị hành chính: phủ, huyện, tổng, thôn và các cấp chính quyền tương ứng, kéo dài lãnh thổ Đàng Trong trên vùng đất Nam Bộ.

ghi nhanh 3

 Vườn tượng tưởng nhớ các danh nhân vùng đất phương Nam

Danh nhân tề tựu

Tại miệt đất này, vị Anh hùng dân tộc, Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ, với thiên tài quân sự của mình, chỉ trong một đêm – đêm 18 rạng ngày 19/1/1785, đã chỉ huy quân đội Tây Sơn quét sạch 5 vạn quân Xiêm xâm lược ra khỏi bờ cõi, bảo vệ vững chắc chủ quyền của Đại Việt trên vùng đất phương Nam cũng được tôn thờ trang nghiêm. Bên cạnh bậc anh hùng tiên liệt đó, còn là những vị Hoàng đế và quan lại triều Nguyễn như: Vua Gia Long, Vua Minh Mạng, Lê Văn Duyệt, Trương Tấn Bửu, Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Văn Tồn, … Các vị đều góp công rất lớn trong công cuộc mở mang, khai phá và phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long – để nơi đây, từ xưa đến nay, trở thành vùng kinh tế hàng đầu của đất nước.

 Đất phương Nam là vùng đất mới “do người từ bốn phương tụ lại” , những con người sẵn sàng xả thân bảo vệ, giữ gìn đất đai nơi đây, có thể là người Việt, người Khmer, hay người Hoa, có thể đó là đồng bào lương giáo… Trong số anh hùng hào kiệt ấy, có người làm quan với chúa Nguyễn, hay triều Nguyễn, có người là chí sĩ yêu nước, hoặc có người là những chiến sĩ cộng sản, …. Tất cả các vị đều có một điểm chung là coi vùng đất phương Nam là quê hương của mình, và sẵn sàng ngã xuống để bảo vệ quê hương trước sự xâm lược của ngoại bang… Đó là các vị tiên liệt thời các vua Nguyễn và triều Nguyễn như: Dương Ngạn Địch, Nguyễn Hữu Doãn, Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Nhơn, Trương Minh Giảng, Doãn Uẩn… Đó là các vị lãnh tụ các cuộc khởi nghĩa chống Pháp như: Trương Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực, Trương Quyền… Đó là những chí sĩ yêu nước như: Trương Gia Mô, Nguyễn Sinh Sắc, Trần Chánh Chiếu, Phan Xích Long, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh… Và có rất nhiều vị là các chiến sĩ cách mạng như: Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Bình, Võ Thị Sáu, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thảo…

ghi nhanh 4

 Dàn nhạc lễ

Hơn 300 năm hình thành và phát triển, vùng đất phương Nam không phải lúc nào cũng được sống trong hòa bình và yên ổn, mà nhiều phen phải trải qua các cuộc binh hỏa do kẻ thù bên ngoài gieo rắc… Đại lễ hôm nay, nhằm tưởng nhớ tới các vị anh hùng hào kiệt, các danh tướng, danh nhân lịch sử… nguyện đem xương máu của mình để giữ gìn vùng đất này, từ buổi đầu đến trước năm 1975. Từ khi hình thành cho đến cuối thế kỷ XIX, vùng đất phương Nam đã dần dần trở thành một vùng văn hóa của nước Đại Việt, Đại Nam thống nhất. Cùng với Văn hóa Thăng Long – Hà Nội ở miền Bắc, Văn hóa Phú Xuân – Huế ở miền Trung, Văn hóa Đồng Nai – Cửu Long đã trở thành một vùng văn hóa đặc sắc, mang tính cách hào sảng, phóng khoáng, bộc trực, trọng nghĩa, khinh tài của những con người trên vùng đất mới.

 Đại lễ trang trọng này, người dân cũng bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ và biết ơn những danh nhân văn hóa, những nhà giáo danh tiếng… đã có công làm rạng danh vùng đất phương Nam của Tổ quốc Việt Nam. Đó là Xử sĩ Võ Trường Toản, nhà giáo mô phạm, có tiếng học rộng, bậc cự Nho, đạo cao đức trọng của đất Gia Định. Võ Tiên sinh là bậc thầy đầu tiên có công đào tạo, tạo nên một loạt các nho sĩ danh tiếng của đất Gia Định. Môn sinh của Thày Võ lên tới hàng nghìn người, hàng cao đệ có thể kể tới như: Trịnh Hoài Đức, Ngô Tùng Châu, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Bá Phẩm… Đó là Danh sĩ Phan Thanh Giản, vị Tiến sĩ khai khoa của đất Nam Bộ. Cuộc đời làm quan của Phan Tiên sinh cho thấy, ông dù ở bất cứ cương vị nào cũng luôn trung thành, mẫn cán, lo làm tròn sứ mệnh phò vua, giúp nước, an dân theo quan niệm Nho giáo. Đó là Trương Vĩnh Ký, nhà bác học, nhà văn Việt Nam, người có thể đọc và nói giỏi 15 sinh ngữ, tử ngữ phương Tây và biết vững vàng 11 ngôn ngữ phương Đông. Trương Tiên sinh được giới học thuật châu Âu liệt vào danh sách 18 nhà bác học nổi tiếng trên thế giới đương thời. Nhà bác học họ Trương còn để lại khoảng 118 tác phẩm lớn nhỏ, cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Và còn biết bao bậc anh tài, tên tuổi của các vị không chỉ làm rạng ranh vùng đất phương Nam, mà còn nổi tiếng trên toàn quốc, đó là các tên tuổi lừng lẫy một thời như: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Giảng, Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Bửu Chánh, Phan Văn Hùm…

ghi nhanh 5

 Đông đảo bà con dự Đại lễ

 Mấy chục năm qua, việc giáo dục di sản đã bị phai mờ, rất nhiều khuôn mẫu truyền thống đã không được trao truyền lại. Đại lễ đã mang lại cho bà con xứ phương Nam nhiều cảm xúc. Họ mong muốn trong đại lễ này là ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dày thì được hưởng lộc càng bền vững.

 Tôi tin rằng, rồi đây, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học lịch sử tiếp tục sứ mệnh bổ sung vào danh sách những nhân vật lịch sử đất phương Nam ngày một đầy đủ, trọn vẹn hơn.

Ghi nhanh Anh Huy

Tin khác

Khoa học Công nghệ 9 giờ trước
(SHTT) - Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá ngành công nghiệp bán dẫn đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, với quy mô trên 520 tỷ USD năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh.
Khoa học Công nghệ 16 giờ trước
(SHTT) - Một nghiên cứu mới từ Turnitin, nhà phát triển nền tảng chống đạo văn hàng đầu, đã khám phá xu hướng mới trong việc viết bài của sinh viên trên toàn cầu, từ đó mở ra cuộc thảo luận về vai trò của AI trong giáo dục hiện đại.
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Tiến sĩ Nguyễn Duy Duy đã trở thành 1 trong 10 nhà khoa học trẻ xuất sắc được trao giải thưởng từ quỹ tài trợ các nhà khoa học tại Australia trong lĩnh vực khoa học và công nghiệp, của Viện Hàn lâm Khoa học Australia (SIEF).
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ thông tin Việt Nam (Vinasa) mới đây đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Sao Khuê 2024 cho 169 sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin của 117 doanh nghiệp công nghệ.
Khoa học Công nghệ 5 ngày trước
(SHTT) - Tại Diễn đàn Hợp tác xã quốc gia 2024 với chủ đề 'Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm' mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho biết trình độ KHCN trong nông nghiệp của nước ta còn thấp và chậm phát triển, có khoảng cách khá xa so với thế giới và khu vực.