Trên 10.000 chai nước hoa không rõ xuất xứ bị bắt giữ
Tối 3/10, Tổng cục Quản lý thị trường mới đây cho biết, trên 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu được kinh doanh chủ yếu trên TikTok, Facebook vừa bị tạm giữ.
Đây là các sản phẩm được một hot TikToker thường xuyên livestream bán trên TikTok Shop. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên mặt sàn rộng 1.000m2 nằm tại tầng 1, CT3, tòa nhà Eco Green (huyện Thanh Trì, Hà Nội), các nhân viên livestream bán hàng.
Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, địa điểm này thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Tập đoàn Zenpali, do ông C.V.T. làm tổng giám đốc. Ngay khi tổ thương mại điện tử, Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường có mặt tại địa điểm, hàng chục nhân viên và đại diện Công ty Zenpali bất ngờ trước sự kiểm tra.
Đoàn kiểm tra ghi nhận địa điểm kinh doanh được bố trí bài bản. Gồm khu vực livestream, khu vực chốt đơn, khu vực máy tính phục vụ việc tăng lượt xem ảo cho các video, khu vực đóng gói và kho hàng.
Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, tại thời điểm tiến hành kiểm tra, có hai bao tải dứa chứa hàng trăm đơn hàng là nước hoa đã được đóng gói hoàn chỉnh. Các đơn hàng này được chốt từ phiên livestream trước đó. Phía trên mỗi đơn hàng ghi thông tin người nhận ở nhiều tỉnh, thành khác nhau.
Tại vị trí kho hàng, hàng chục thùng các tông được xếp chồng, nguyên đai nguyên kiện. Kiểm đếm thực tế, đoàn kiểm tra ghi nhận trên 10.000 sản phẩm là nước hoa các nhãn hiệu như True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri…
Toàn bộ sản phẩm được bán chủ yếu bằng hình thức livestream trên các nền tảng thương mại điện tử như TikTok, Facebook. Một số tài khoản, điển hình như tài khoản "Phan Thủy Tiên" có hơn 4 triệu lượt follow - đây là tài khoản bán hàng nổi tiếng trên nền tảng TikTok Shop.
Đáng chú ý, qua kiểm tra cho thấy các sản phẩm nước hoa không có thông tin thể hiện nguồn gốc xuất xứ. Trên sản phẩm hiển thị ngôn ngữ nước ngoài, tuy nhiên không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định. Phía dưới đáy vỏ hộp có các mã vạch với các đầu số "697…". Hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu.
Khi làm việc với lực lượng chức năng, công ty xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cấp lần đầu vào năm 2018 và giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh đăng ký lần đầu năm 2023. Đối với sản phẩm là lô nước hoa, công ty chưa xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.
Hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục kiểm đếm, phân loại hàng hóa. Đồng thời tiến hành các thủ tục niêm phong, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục làm rõ các hành vi vi phạm.
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử đang được toàn lực lượng tăng cường triển khai. Mục tiêu là thực hiện có hiệu quả đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Vì vậy, đã có nhiều vụ việc nổi bật kinh doanh hàng hóa vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử như TikTok, Facebook được kiểm tra, xử lý theo quy định.
Quỳnh Trang
TIN LIÊN QUAN
-
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Nhìn từ trường hợp HABECO yêu cầu xử lý dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu ‘Bia tươi Hà Nội’
-
Không đảm bảo chất lượng, Sữa rửa mặt Cleanse bị thu hồi
-
Xử phạt hành chính Công ty nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
-
Xử phạt doanh nghiệp có hành vi nhập khẩu nhiều động cơ diesel xâm phạm nhãn hiệu