Trao giải cuộc thi thơ 'Nhân nghĩa đất phương Nam' lần hai
Theo Ban tổ chức, Cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần thứ nhất diễn ra khi đại dịch Covid-19 bùng phát và TP.HCM trở thành một trong những tâm điểm của những mất mát và tang thương. Thơ xuất hiện như một sự san sẻ, xoa dịu nỗi đau.
Với thành công của cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần thứ nhất, cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần thứ hai diễn ra từ tháng 2/2024 đến tháng 9/2024 và nhận được hơn 1.500 tác phẩm dự thi, tiếp nối tinh thần của những con người muốn tìm thấy nhau, thấu hiểu nhau, động viên nhau giữa nhịp sống hối hả không ngừng nỗ lực với nhiều trăn trở âu lo.

Tác giả Đinh Nho Tuấn nhận Giải Nhất cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần thứ hai.
Tại buổi lễ, nhà văn Trầm Hương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - đã trao giải thưởng, bằng chứng nhận và quà tặng của quỹ Tình Thơ cho những tác phẩm và tác giả xuất sắc nhất cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần thứ hai.
Theo đó, Giải Nhất cuộc thi vinh danh tác giả Đinh Nho Tuấn với chùm thơ "Khuôn mặt Sài Gòn", "Thành phố của tôi", "Lòng ta ở trọ". Giải Nhì cuộc thi được trao cho tác giả Đào Phong Lan với chùm thơ Như tung đám lửa lên trời, Di chúc một người phương Nam.

Tác giả Đào Phong Lan nhận Giải Nhì.
Ba giải Ba của cuộc thi thuộc về: tác giả Quang Chuyền với chùm thơ "Giọt mưa Sài Gòn", "Quanh chỗ ta ngồi"; tác giả Phan Duy với chùm thơ "Xin một lần về thưa mẹ - nhớ cha", "Lần về cột mốc quê hương", "Tiếng rơi xuôi miền thương cũ"; và tác giả Hoàng Thị Hiền với chùm thơ "Mật mã của thành phố", "Căn cước người Tày ở thành phố mang tên Bác".

Tác giả Quang Chuyền và tác giả Phan Duy nhận Giải Ba.
Tác giả Nguyễn Thánh Ngã với bài thơ "Trên sông Sài Gòn gió hát"; tác giả Xuân Trường với bài thơ "Một lần với Vàm Thuật"; tác giả Trần Thanh Bình với bài thơ "Bến tàu cha và con"; tác giả Thanh Hoàng với bài thơ "Vẽ nhớ Xóm Hố"; tác giả Trần Trí Thông với bài thơ "Miệt vườn"; tác giả Minh Đan với bài thơ "Ấm áp tình người phương Nam"; tác giả Huỳnh Thị Quỳnh Nga với bài thơ "Một thoáng Sài Gòn" được trao tặng Giải Tư cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần thứ hai.

Các tác giả đoạt Giải Tư cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần thứ hai nhận giải thưởng, bằng chứng nhận và quà tặng của quỹ Tình Thơ.
Ngay sau lễ trao giải, Hội Nhà văn TP.HCM cũng giới thiệu tuyển tập Tay người đô thị đầy dấu nắng khuya (SBooks và NXB Văn học). Tập thơ có sự tham gia của 70 tác giả, trong đó có 33 tác giả vào vòng chung khảo. Thông qua tuyển tập thơ đa thanh và đầy màu sắc, bạn đọc sẽ thấy được sự tiếp nối tinh thần của những con người muốn tìm thấy và thấu hiểu, động viên nhau giữa nhịp sống hối hả.
Cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” xuất hiện nhiều tác giả trẻ. Đây là đội ngũ kế thừa quan trọng cho thi ca TPHCM nói riêng và nền thi ca Việt Nam nói chung. Vì vậy, nhân lễ trao giải này, Hội Nhà văn TPHCM còn tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “Sức trẻ thơ phương Nam trong dòng chảy thơ Việt” với khách mời là nhà thơ Đào Phong Lan, nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã và nhà thơ Minh Đan dưới sự chủ trì của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn.

Các tác giả tham gia chương trình giao lưu "Sức trẻ thơ phương Nam trong dòng chảy thơ Việt". Từ trái qua: nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nhà thơ Minh Đan, nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã và nhà thơ Đào Phong Lan.
Với chủ đề “Bài ca thống nhất”, Ngày Thơ Việt Nam 2025 diễn ra trong hai ngày 11 và 12/2 (nhằm ngày 14 và 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ) tại số 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP.HCM, quy tụ đông đảo người làm thơ và người yêu thơ với nhiều hoạt động giao lưu, triển lãm, tọa đàm, biểu diễn nghệ thuật, không gian trưng bày đa dạng, đặc sắc.
Không chỉ là dịp để những người yêu thơ được sống trong không gian nghệ thuật đầy cảm xúc, Ngày Thơ Việt Nam 2025 còn góp phần mang đến cho công chúng cái nhìn toàn cảnh về nền thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung và chặng đường phát triển của nền thi ca TP.HCM nói riêng trong suốt nửa thế kỷ qua.
Anh Huy
TIN LIÊN QUAN
Tin khác

- Công cụ Đổi font chữ Facebook Yaytext