SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 24/04/2024
  • Click để copy

Thu hồi đất khi chưa hết hợp đồng, người dân bị xâm phạm quyền sở hữu

17:21, 09/11/2021
Bà Huỳnh Thị Lan Phương bị thu hồi đất khi chưa hết thời hạn hợp đồng kinh tế, việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền sở hữu của người dân.

Cho thuê 50 năm, 25 năm đã thu hồi

Nông trường Bời Lời trực thuộc Ty Nông nghiệp Tây Ninh (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh) thành lập vào năm 1977 và được UBND tỉnh giao 6.140ha đất tại 2 huyện Trảng Bàng (nay là thị xã) và huyện Gò Dầu để sản xuất nông nghiệp.

Ðến năm 1990, nông trường này sáp nhập vào Nông trường Cao su trực thuộc Huyện uỷ Trảng Bàng và đổi tên thành Nông trường Cao su Bời Lời.

Trong quá trình quản lý, sử dụng đất giai đoạn từ năm 1992 đến năm 1997, Nông trường Cao su Bời Lời có ký kết hợp đồng giao nhận khoán trồng và khai thác cây cao su với một số hộ dân, trong đó có bà Huỳnh Thị Lan Phương (hộ khẩu thường trú phường Tân Định, Quận 1, TP.HCM).

Theo đó, năm 1991, UBND huyện Trảng Bàng ban hành Quyết định số 918/UB-QĐ về việc giao cho Nông trường Cao su Bời Lời quản lý, sử dụng diện tích đất trước đó đã thu hồi từ các cơ quan trong huyện để trồng cao su. Trong tổng diện tích đất quy hoạch trồng cao su này có phần đất 556.823,3 m2 tại khu vực ấp Bùng Binh thuộc xã Hưng Thuận được giao cho bà Phương.

Ngày 1/11/1994, Nông trường Cao su Bời Lời ký Hợp đồng kinh tế số 06 với bà Phương, cam kết giao cho bà Phương 50ha đất để trồng cao su.

Ngày 15/1/1997, hai bên ký tiếp Hợp đồng số 12/KH về việc Nông trường Cao su Bời Lời giao thêm cho bà Phương 2ha đất nữa, để trồng cao su.

Ngày 12/5/1997, hai bên ký Hợp đồng số 19/KH giao thêm cho bà Phương 2,4ha, cũng để trồng cao su.

Bản chất của những hợp đồng nêu trên đều là hợp đồng giao khoán đất trồng cao su. Thời gian giao đất là một chu kỳ cây cao su 50 năm tính từ ngày 22/6/1992 đến 22/6/2042.

Tuy nhiên, đến ngày 3/12/2020, UBND thị xã Trảng Bàng (trước đây là huyện Trảng Bàng) ra thông báo số 348 với nội dung thu hồi đất của các hộ dân tại đây, trong đó phần đất của bà Huỳnh Thị Lan Phương bị thu hồi nhiều nhất.

lan phuong 1

Một góc khu đất trồng cao su (ảnh chụp từ flycam do UBND thị xã Trảng Bàng cung cấp)

Lý do thu hồi đất được Thị xã Trảng Bàng đưa ra là vì hợp đồng kinh tế giữa Nông trường Cao su Bời Lời với bà Huỳnh Thị Lan Phương có nội dung giao đất để trồng cao su với thời hạn 50 năm là không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật đất đai. Thị xã Trảng Bàng cũng cho bà Phương thời hạn 30 ngày để thu dọn vật kiến trúc, nhà cửa và thanh lý tài sản để giao lại đất cho UBND thị xã Trảng Bàng. Điều này khiến bà Phương bức xúc và cho rằng chính quyền địa phương dùng văn bản cố tình o ép, không thương lượng với bà để giải quyết thấu tình đạt lý, nên yêu cầu UBND thị xã Trảng Bàng rút lại thông báo 348 ngày 3/12/2020.

Sau đó, bà Phương lại tiếp tục nhận được Thông báo số 24/TB-UBND ngày 14/01/2021 và Thông báo số 63/TB-UBND ngày 02/3/2021 của UBND thị xã Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh). Nội dung hai thông báo này lại tương tự như thông báo 348 đã thu hồi trước đó, tức là trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, bà Huỳnh Thị Lan Phương có trách nhiệm thu dọn nhà cửa, vật kiến trúc và thanh lý tài sản để giao lại đất cho UBND thị xã Trảng Bàng quản lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp bà Huỳnh Thị Lan Phương không thực hiện thì UBND thị xã Trảng Bàng cũng sẽ tiến hành kiểm đếm, thanh lý tài sản trên đất.

Sau khi bà Phương nhiều lần gửi đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền tỉnh Tây Ninh về việc bị UBND thị xã Trảng Bàng thu hồi đất, vừa qua, bà Phương bất ngờ nhận được thông báo thụ lý số 105/TB-TLVA ngày 19/10/2021 của Tòa án nhân dân Thị xã Trảng Bàng. Theo đó, Tòa án hiện đã thụ lý Đơn khởi kiện của UBND thị xã Trảng Bàng về việc yêu cầu giải quyết “Tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất” với bà Huỳnh Thị Lan Phương.

Việc thu hồi đất chưa giải quyết thỏa đáng

Theo luật sư Trần Duy Cảnh - Giám đốc điều hành Công ty luật TNHH Luật Việt (TP.HCM), vấn đề UBND thị xã Trảng Bàng kiện bà Phương còn nhiều vấn đề khúc mắc về mặt pháp lý cần phải giải đáp.

Trước hết, không thấy căn cứ vào quy định pháp luật nào để TAND thị xã Trảng Bàng có thẩm quyền giải quyết “Tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất” giữa một bên là cơ quan Nhà nước quản lý về đất đai với người sử dụng đất. Theo quy định của pháp luật đất đai, những cơ quan này có thẩm quyền để cưỡng chế thu hồi sau khi đã có quyết định thu hồi đất và phải thực hiện các hoạt động như bồi thường, hỗ trợ, tái định cư,…

cao-su-dang-trong-tai-khu-dat-do-ntcsbl-giao-cho-ba-huynh-thi-lan-phuong-anh-thien-thao-5546

Cao su đang trồng tại khu đất do Nông trường Cao su Bời Lời giao cho bà Huỳnh Thị Lan Phương 

“Chính quyền thu hồi quyền sử dụng đất không sử dụng cơ quan tòa án để thực hiện mà là tự mình ra các quyết định hành chính. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nếu người sử dụng đất không thực hiện bàn giao quyền sử dụng đất thì phải thực hiện cưỡng chế, không thể khởi kiện bằng một vụ án dân sự. UBND thị xã Trảng Bàng với tư cách là người quản lý, không phải chủ sở hữu nên không thể tham gia với tư cách là chủ sở hữu để khởi kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất được”, luật sư Cảnh phân tích.

Cũng theo luật sư Cảnh, trong quy định của pháp luật, chỉ có các bên tham gia giao dịch là nông trường và bà Lan Phương mới có quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu. UBND thị xã Trảng Bàng không phải là bên tham gia hợp đồng nên không có quyền khởi kiện tuyên bố vô hiệu.

“TAND thị xã Trảng Bàng thụ lý giải quyết vụ án bằng một vụ án dân sự là không đúng quy định. Do vậy, cần phải căn cứ quy định tại điểm g  khoản 1 Điều 217, điểm a khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về người khởi kiện không có quyền khởi kiện để đình chỉ giải quyết vụ án”, luật sư Cảnh nhấn mạnh.

Để thực hiện thu hồi phần diện tích đất của bà Lan Phương đã thuê, luật sư Cảnh cho rằng UBND tỉnh Tây Ninh phải thỏa thuận, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp theo các nội dung mà Hợp đồng giao khoán đã ký với nông trường. Tỉnh phải có quyết định thu hồi đất mà đối tượng là bà Lan Phương, phải đền bù thỏa đáng theo quy định.

Ngoài ra, nông trường cũng có thể thỏa thuận với bà Lan Phương thanh lý chấm dứt các hợp đồng kinh tế đã ký và thực hiện thông qua thương lượng, hòa giải và bồi thường thiệt hại theo quy định tại Nghị định 135/2005/NĐ-CP và Nghị định 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Nếu không thỏa thuận được thì các bên có quyền khởi kiện ra tòa án, khi bản án có hiệu lực thì tổ chức thi hành theo pháp luật thi hành án dân sự.

Liên quan đến việc thu hồi đất, bà Lan Phương đã khiếu nại Thông báo số 24/TB-UBND ngày 14/01/2021 về thu dọn và thanh lý tài sản và Thông báo số 63/TB-UBND ngày 02/3/2021 về kiểm đếm tài sản để bàn giao đất. Tuy nhiên, đã quá thời hạn giải quyết khiếu nại rất lâu rồi mà UBND thị xã Trảng Bàng vẫn im lặng, không tiến hành giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại.

Bà Phương cũng đã có khiếu nại Quyết định thu hồi đất số 1062/QĐ-CT ngày 07/11/2001 đến UBND tỉnh Tây Ninh. Ngày 10/6/2021, UBND tỉnh có Thông báo số 1839 TB-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh từ chối giải quyết khiếu nại của bà Lan Phương với lý do đây là các“Quyết định hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ và không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của bà Lan Phương”.

Theo luật sư Trần Duy Cảnh, việc trả lời của UBND tỉnh Tây Ninh là không có căn cứ pháp luật vì đây là các  quyết định thu hồi quyền sử dụng đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi ích hợp pháp của bà Lan Phương, người đang trực tiếp sử dụng quyền sử dụng đất bị thu hồi. Cụ thể, ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất và tài sản tạo lập trên đất của bà Lan Phương.

Trong khi đó, trong Quyết định số 1062/QĐ-CT ngày 07/11/2001 về việc thu hồi đất 939,06 ha đất của UBND tỉnh Tây Ninh, đối tượng bị thu hồi là Nông trường Cao su Bời Lời, không phải là bà Huỳnh Thị Lan Phương. Trong khi đó, bà Phương là người được trực tiếp khai thác theo hợp đồng giao khoán với nông trường và là người bị ảnh hưởng trực tiếp khi đất bị thu hồi. Nông trường thực hiện giao khoán khai thác đất cho bà Lan Phương là đúng theo quy định pháp luật của Chính phủ tại thời điểm đó. Như vậy, bà Lan Phương phải là đối tượng bị thu hồi đất và do vậy phải giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích hợp pháp với bà Lan Phương, chứ không phải với nông trường. Nhưng Quyết định 1062 của UBND tỉnh Tây Ninh không giải quyết quyền lợi hợp pháp cho bà Phương là không đúng thực tế sử dụng đất và quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 1062, UBND tỉnh Tây Ninh và UBND huyện Trảng Bàng (hiện nay là UBND thị xã Trảng Bàng) lại nêu “các Hợp đồng kinh tế giữa Nông trường Cao su Bời Lời và bà Lan Phương là vô hiệu” để thúc ép bà Lan Phương phải giao đất.

Luật sư Cảnh cho rằng, UBND thị xã Trảng Bàng đang có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật khi liên tiếp khẳng định hợp đồng ký giữa nông trường và bà Lan Phương là vô hiệu. Theo đó, chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền tuyên bố giao dịch này vô hiệu theo quy định của pháp luật dân sự. Tính đến hiện tại, chưa có bản án nào của Tòa án xác định các hợp đồng giữa nông trường và bà Lan Phương là vô hiệu, nên chúng vẫn có giá trị pháp lý.

Phương Anh 

Tin khác

Tin tức 8 tháng trước
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương (VHTT&DL) vừa phối hợp với UBND TP Dĩ An tổ chức Lễ công bố Danh mục di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia "Lễ hội Kỳ yên Đình Dĩ An" nhằm giới thiệu rộng rãi đến công chúng về nguồn gốc, quá trình phát triển của lễ hội.
Thương hiệu 8 tháng trước
Tháng 7, Masterise Homes tiến hành bàn giao căn hộ hạng sang đầu tiên tại thị trường Hà Nội thành công, mở đầu thuận lợi cho hàng loạt dự án khác trong năm 2023.
Thương hiệu 1 năm trước
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Vă​​n Lợi cùng lãnh đạo các sở ngành tỉnh vừa có chuyến khảo sát thực tế Trang trại công nghệ cao Unifarm tại xã An Thái, huyện Phú Giáo.
Tin tức 1 năm trước
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế - xã hội Bình Dương phục hồi và đạt nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực, đặc biệt thu hút gần 40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Tin tức 1 năm trước
Sáng 3/11, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) chính thức khởi công xây dựng nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III, phường Hội Nghĩa, Tân Uyên.