SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 24/04/2024
  • Click để copy

Tranh cãi xung quanh đề xuất cải tiến bảng chữ cái, "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt"

07:58, 26/11/2017
(SHTT) - Mới đây, đề xuất cải tiến cách viết chữ Quốc ngữ của PSG-TS Bùi Hiền đang nhận được sự quan tâm lớn không chỉ của giới chuyên môn mà của cả những người đang sử dụng tiếng Việt.

Xôn xao đề xuất cải tiến bảng chữ cái, "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt"

PGS-TS Bùi Hiền - nguyên hiệu phó Đại học Sư phạm Hà Nội, nguyên viện phó Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông - mới đề xuất cải tiến chữ viết Tiếng Việt được đề cập trong bài "Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế" (trong sách Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập phát triển tập 1, do NXB Dân trí phát hành).

Theo đó, ông Bùi Hiền cho rằng trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư...

Những bất hợp lý mà PGS Bùi Hiền đưa ra gồm: Hiện tại, chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C – Q – K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr – Ch (tra, cha), S – X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…).

“Đó là những hiện tượng không thống nhất, không theo một nguyên tắc chung nào dẫn đến khó khăn cho người đọc, người viết, thậm chí gây hiểu nhầm hoặc không hiểu được chính xác nội dung thông tin. Người học như trẻ em hay người nước ngoài, cũng rất hay mắc lỗi do sự phức tạp này mang lại”, tác giả Bùi Hiền chia sẻ.

1_95748

Còn nhiều tranh cãi xung quanh đề xuất cải tiến bảng chữ cái, "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt" 

Từ đó, PGS Hiền kiến nghị một phương án làm cơ sở để tiến tới một phương án tối ưu trình nhà nước. Chữ quốc ngữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt. Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.

PGS-TS Bùi Hiền cho biết: “Đề xuất của tôi có nhiều nhà ngôn ngữ họ thấy hợp lý vì chữ viết mới có một nguyên tắc thống nhất. Nhưng cũng có nhiều ý kiến phản bác vì cho rằng nếu cải tiến vậy sẽ phức tạp, có nhiều hệ lụy. Ví dụ kho tư liệu đồ sộ cũ chuyển sang chữ viết mới thì sẽ xử lý như thế nào. Và để thay đổi sẽ phải mất rất nhiều thời gian: thay đổi nhận thức, thay đổi cách học, cách dạy, sách giáo khoa cũng phải thay đổi, các văn bản, sách, báo, rồi lập trình chữ viết trên máy tính… Phải thay đổi từng bước một. Nhưng chỉ cần mất 1-2 năm là quen dần”.

Còn nhiều tranh cãi xung quanh đề xuất cải tiến bảng chữ cái, "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt"

Theo Thanh Niên, chia sẻ về vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ, PGS-TS Nguyễn Hữu Hoành, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, vấn đề này đã được các nhà ngôn ngữ học trao đổi, đề cập rất nhiều trong những năm qua chứ không riêng gì đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền.

“Tuy nhiên, không thể thay đổi được và cũng không nên thay đổi, vì chữ viết liên quan đến văn hóa, lịch sử và rất nhiều vấn đề khác. Ngay cả tiếng Anh, một ngôn ngữ phổ biến có nhiều chữ đọc và viết bất hợp lý mà cũng không ai nghĩ đến việc cải tiến. Đến nay, trải qua nhiều thế kỷ, tiếng Việt đã định hình và chữ quốc ngữ đã tồn tại cả thế kỷ với kho tư liệu đồ sộ từ lúc hình thành đến bây giờ”, PGS-TS Nguyễn Hữu Hoành nhìn nhận.

Trong khi đó, theo báo Người Lao Động,  nhiều giáo viên tại TP HCM cho rằng mới đọc qua cứ ngỡ đó là ngôn ngữ của tuổi teen mà một thời chúng ta lên án. Theo thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cho hay, nếu theo cách viết đó, chẳng khác nào chúng ta cổ xúy cho việc làm bầm đau, triệt tiêu tiếng Việt. Cô Trần Thị Quỳnh Anh, giáo viên văn Trường THPT Trưng Vương cho biết việc cải tiến tiếng Việt như đề xuất trên chắc chắn không khả thi. Thử hình dung, chúng ta phải thay đổi toàn bộ, bắt đầu từ cấp tiểu học, đào tạo giáo viên, thay đổi sách giáo khoa, một loạt văn bản… "Không nói về cơ sở khoa học nhưng ngôn ngữ bao lâu nay tất cả chúng ta đều sử dụng, đều xem như quy luật, quy ước, có từ trong tiềm thức. Nếu thay đổi cũng giống như chúng ta đang viết sai chính tả vậy"- cô Quỳnh Anh nói.

PV (t/h)

Tin khác

Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Chiều ngày 24/4, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu UBND huyện Thanh Trì và Công an Thành phố vào cuộc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh việc hành hung nhà báo tác nghiệp tại huyện Thanh Trì.
Tin tức 4 giờ trước
Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn khó đáp ứng được những tiêu chí khắt khe trong khi nhóm 3 đối tượng vay vốn từ nguồn Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa lại đứng trước cơ hội nắm được “phao” vốn khơi thông điểm nghẽn nguồn lực.
Tin tức 4 giờ trước
Hội Nữ trí thức Việt Nam – Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Khởi nghiệp phối hợp trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng - khai mạc lớp tập huấn về “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và đàm phán hợp đồng chuyển giao khoa học công nghệ thành công".
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Ngày 24/4/2024, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học lần thứ 4 nhằm góp ý xây dựng hoàn thiện khung pháp lý VA-VASP.
Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 24/4, Triển lãm Quốc tế lần thứ 6 về Công nghiệp Khai thác, Khôi phục Tài nguyên Khoáng sản và Xây dựng Việt Nam - Mining Vietnam 2024 đã chính thức được khai mạc tại Hà Nội.