Tôn vinh tri thức may, mặc áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Theo Quyết định này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký 9/8/2024. Cũng trong quyết định này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu chánh văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, mặc dù nội dung và tên gọi được ghi danh có sự khác biệt so với đề án của Sở đề ra tuy nhiên đây vẫn là một tin rât vui. Đây được xem là dấu mốc quan trọng ghi dấu nỗ lực không ngừng trong cuộc phục hưng giá trị truyền thống của áo dài Huế, của đội ngũ những người làm văn hóa tỉnh những năm qua.
Chưa ghi nhận áo dài Huế là di sản mà chỉ mới ghi danh thuộc tính “Tri thức may” và “Tập quán mặc áo dài của người Huế” là di sản văn hóa. Việc công nhận này cũng là điều kiện, cơ sở quan trọng để Sở tiếp tục hoàn thiện hồ sơ “Tri thức may và mặc áo dài Huế” đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ đệ trình UNESSCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại về nội dung này.
Trước đó, vào ngày 29/3/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định số 678/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” với tổng kinh phí hơn 500 tỉ đồng.
Cũng trong thời gian ngày 12/8, bà Trần Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Viện Nghiên cứu Văn hóa Truyền thống Hàn Quốc & ORIHERI cho biết 4 đại diện của Việt Nam mặc áo dài Huế do nghệ nhân, nhà thiết kế Đoan Trang thiết kế tham dự Cuộc thi World Grand Prix Model Competition Hàn Quốc 2024 vừa thắng những giải thưởng lớn tại Trung tâm Hội nghị HW 3F Cristal Hall, Jongno-gu, Seoul.
Đó là các gương mặt Võ Ngọc Khánh giải Hoa hậu ảnh, các gương mặt trẻ Nguyễn Ngọc Phôn đoạt Giải Nhất, Nguyễn Anh Tuấn đoạt giải Nhì, Đỗ Văn Sửu đoạt giải Ba ở hạng mục người mẫu nam. Được biết cuộc thi có 60 thí sinh mặc các trang phục mang đậm văn hóa truyền thống tham dự để tìm ra những gương mặt “đại sứ” văn hóa, kết nối tình hữu nghị giữa Việt Nam - Hàn Quốc.
Giải thưởng một lần nữa khẳng định tri thức may, mặc áo dài Huế, khẳng định thương hiệu áo dài Huế với thời trang quốc tế. Nghệ nhân, NTK Đoan Trang – Phó Chủ tịch Hội may mặc tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch Hội nữ doanh nhân Thừa Thiên Huế - cho biết: “Các thí sinh tham dự Cuộc thi tại Hàn Quốc được tôi thiết kế áo dài nữ duyên dáng, độc đáo, thướt tha với những đường cắt may táo bạo, giao thoa giữa truyền thống và sự năng động, trẻ trung, hiện đại.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên thiết kế áo dài ngũ thân của tôi được lựa chọn để trình diễn tại một cuộc thi lớn tại Hàn Quốc. Những thiết kế này điểm xuyết bằng họa tiết bạch hạc trên cành lá trúc tượng trưng cho bậc quân tử, thanh cao đã thuyết phục được Ban Giám khảo của World Grand Model Competition Hàn Quốc 2024”.
Việc nâng tầm những trang phục truyền thống trở thành những tác phẩm nghệ thuật càng cho thấy được tri thức may, mặc của Huế vượt trội, đặc sắc và có sự phát huy, phát triển dựa trên sự bảo tồn văn hóa.
Đây là lần thứ 2 thương hiệu Thêu may Đoan Trang – một thương hiệu áo dài Huế nổi tiếng đạt giải thưởng quốc tế thứ 2 trong năm 2024. Trước đó, NTK Đoan Trang vinh dự đoạt giải 3 tại Liên hoan Quốc tế nghề thêu và trang sức tại Uzbekistan. Một lần nữa khẳng định năng lực cạnh tranh của thời trang nói chung, thời trang truyền thống nói riêng của Huế không chỉ với các thương hiệu lớn tại Việt Nam mà còn trên thế giới.
Bảo Hòa