SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Tọa đàm Sở hữu trí tuệ giúp nâng cao vị thế và giá trị doanh nghiệp

06:19, 26/04/2017
(SHTT) - Đối với các doanh nghiệp thì sở hữu trí tuệ giữ vai trò vô cùng quan trọng, giúp nâng cao vị thế, giá trị cũng như tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên "tài sản vô hình" này lại chưa thực sự được các doanh nghiệp coi trọng trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

Nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4/2017, Tọa đàm "Sở hữu trí tuệ giúp nâng cao vị thế và giá trị doanh nghiệp" đã được diễn ra thành công vào ngày 25/4 tại Hà Nội.

toa dam so huu tri tue giup nang cao vi the va gia tri doanh nghiep

 Tọa đàm Sở hữu trí tuệ giúp nâng cao vị thế và giá trị doanh nghiệp

Tọa đàm đã được tổ chức dưới sự phối hợp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với Cục Sở hữu Trí tuệ (NOIP) và Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (VIPA). Đây được xem là cơ hội để phổ biến sâu rộng hơn nữa tầm quan trọng của Sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình của các doanh nghiệp nhưng chưa được coi trọng

Ngay ở đầu buổi tọa đàm, Tổng thư ký VCCI, bà Phạm Thị Thu Hằng đã nhận định tài sản trí tuệ có vai trò to lớn trong nền kinh tế hiện nay và nó cũng là tài sản vô hình đối với các doanh nghiệp đặc biệt trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tài sản vô hình cũng có giá trị kinh doanh lớn hơn nhiều lần so với các loại tài sản hữu hình cộng lại, đặc biệt, nó có ý nghĩa quan trọng trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp.

toa dam so huu tri tue giup nang cao vi the va gia tri doanh nghiep a

 Tổng thư ký VCCI, bà Phạm Thị Thu Hằng

Bà Hằng cũng chia sẻ rằng trong thời gian gần đây, những hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ đã diễn ra hết sức sôi động với nhiều vấn đề như bảo hộ quyền tác giả, định giá tài sản trí tuệ, mua bán sáp nhập, chỉ dẫn địa lý hay xây dựng thương hiệu... Tuy nhiên với nhiều doanh nghiệp thì câu chuyện về tài sản vô hình vẫn là câu chuyện còn xa vời và các doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đúng được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ, ông Đinh Hữu Phí đã nhấn mạnh rằng: “Bảo hộ sở hữu trí tuệ là công cụ cạnh tranh hữu hiệu cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế quốc gia, là một trong những năng lực nội sinh quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững”.

toa dam so huu tri tue giup nang cao vi the va gia tri doanh nghiep b

 

Ông Phí cũng cho biết thêm rằng trong nền kinh tế, doanh nghiệp là bộ phận chủ yếu tạo ra GDP. Theo chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2020, Việt Nam cần đạt giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao là 45% GDP; giá trị các sản phẩm này phải chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Vì thế, các chuyên gia đều cho rằng, doanh nghiệp cần phải có sự quan tâm hơn nữa đến sở hữu trí tuệ cũng như bảo hộ sở hữu trí tuệ.

“Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ một mặt là sự ghi nhận của Nhà nước, giảm rủi ro giao dịch thương mại, đồng thời tạo nguồn thu cho Nhà nước, mặt khác tạo cơ sở cho việc nhân lên nhiều lần giá trị sử dụng của tài sản cho đơn vị sở hữu” - ông Đinh Hữu Phí khẳng định.

toa dam so huu tri tue giup nang cao vi the va gia tri doanh nghiep d

 Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ, ông Đinh Hữu Phí

Cũng phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, PGS - TS. Mai Hà cho biết doanh nghiệp cần xem xét một cách có hệ thống các biện pháp cần thiết để bảo hộ, quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của mình nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất từ quyền này, cũng như cần nghiên cứu để tránh những tranh chấp, kiện tụng tốn kém nếu doanh nghiệp đang vô tình sử dụng quyền sở hữu trí tuệ của người khác.

Lợi thế mà sở hữu trí tuệ mang tới cho các doanh nghiệp

Cùng với đó, ông cũng đã nêu ra lợi thế mà các doanh nghiệp có được khi độc quyền sở hữu đối với một tài sản trí tuệ. Cụ thể, các doanh nghiệp này sẽ có lợi thế cạnh tranh so với đối thủ, tạo dựng được vị trí vững chắc trên thị trường, hạn chế hành vi sao chép, bắt chước của đối thủ cạnh tranh một cách đáng kể, hoặc có quyền yêu cầu đối thủ bồi thường khi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình. 

Không chỉ vậy, sở hữu trí tuệ còn giúp nâng cao giá trị của doanh nghiệp khi được định giá bởi các nhà đầu tư hoặc các tổ chức tài chính nhờ độc quyền sở hữu tài sản trí tuệ có giá trị. Đồng thời, sở hữu trí tuệ cũng tạo thu nhập cho doanh nghiệp thông qua chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng, bán hoặc thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

toa dam so huu tri tue giup nang cao vi the va gia tri doanh nghiep c

 Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, PGS - TS. Mai Hà

Sau phần phát biểu của 3 vị chủ trì, các diễn giả cũng đã đưa ra những phân tích với các nội dung chính của Sở hữu trí tuệ, đó là: Một số vấn đề trong xây dựng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp, vai trò của chỉ dẫn địa lý đối với doanh nghiệp, lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam về bảo hộ quyền tác giả trong bối cảnh phát triển của công nghiệp văn hóa và định giá tài sản sở hữu trí tuệ.

Giám đốc Chiến lược Thương hiệu Soyon, ông Nguyễn Linh đã đưa ra một số điểm đáng lưu ý trong việc xây dựng thương hiệu bền vững. Trong đó, các tiêu chí cần thiết trong nhận diện thương hiệu là phong thủy, sự phù hợp với chiến lược thương hiệu, sự phù hợp với văn hóa, tính độc đáo - nổi trội, có thẩm mỹ và quan trọng nhất là thương hiệu phải đăng ký được bản quyền.

Bà Hà Nguyệt Thu, Cục sở hữu trí tuệ cũng đã phân tích cụ thể về những vấn đề liên quan đến vai trò của chỉ dẫn địa lý. 

Lợi ích của bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Theo đó, lợi ích của bảo hộ chỉ dẫn địa lý hướng tới 3 đối tượng là người sản xuất, người tiêu dùng và xã hội.

Với người sản xuất, bảo hộ chỉ dẫn địa lý giúp họ xác nhận về nguồn gốc sản phẩm, được pháp luật bảo vệ, giúp tăng doanh số, lợi nhuận, là công cụ quảng cáo, tiếp thị và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Trong khi đó, đối với người tiêu dùng thì bảo hộ chỉ dẫn địa lý giúp họ có được chỉ dẫn về hàng hóa có chất lượng từ vùng có chỉ dẫn địa lý đồng thời tránh rủi ro khi mua phải hàng giả mạo, hàng kém chất lượng.

Còn đối với xã hội thì bảo hộ chỉ dẫn địa lý mang tới môi trường cạnh tranh lành mạnh, là động lực góp phần cải thiện nền nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa và giữ gìn, bảo tồn cũng như phát triển được các ngành nghề, sản phẩm truyền thống.

Những vấn đề pháp lý cơ bản liên quan đến quyền tác giả

Tiếp theo đó, bà Nguyễn Thị Thu Hà, công ty TNHH Tầm nhìn và liên danh đã nêu ra những vấn đề pháp lý cơ bản liên quan đến quyền tác giả.

Theo đó, quyền tác giả là một nhóm ngành của quyền sở hữu trí tuệ. Quyền tác giả lại được chia thành quyền tác giả và quyền liên quan.

Về đối tượng bảo hộ, quyền tác giả bảo hộ cho tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; tác phẩm âm nhạc; tác phẩm sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh; tác phẩm kiến trúc; phần mềm máy tính và cơ sở dữ liệu.

Trong khi quyền liên quan bảo hộ cho các cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình và các chương trình phát sóng.

Điều kiện để tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả là tác phẩm phải có tính nguyên gốc và được thể hiện dưới một dạng vật chất nhất định. Và khi đáp ứng đủ các điều kiện trên thì tác phẩm sẽ tự động phát sinh quyền bảo hộ mà không cần bất kỳ thủ tục đăng ký nào.

Về phần định giá tài sản sở hữu trí tuệ, ông Phan Phương Linh, Phó giám đốc công ty TNHH PricewaterhouseCoopers Việt Nam nhận định tỷ trọng trung bình của giá trị “tài sản vô hình” trong tổng giá trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp trên thế giới là 53% trong năm 2016, nhưng tỷ trọng này tại các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt 26%.

Trên thực tế, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã nhận được bài học “đau xót” khi xem nhẹ giá trị thương hiệu nên đã không đăng ký bản quyền, và rồi bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký và lấy mất thương hiệu. Tiêu biểu như thương hiệu nước mắm Phú Quốc, thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột…

Hương Mi

Tin khác

Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 7 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Tin tức 8 giờ trước
Các chuyên gia quốc tế Trường Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 2.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (VCA 2024). Theo đó, giải thưởng năm nay sẽ trở lại với hạng mục mới và nhiều điểm mới trong thể lệ dự thi.