SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Thống đốc NHNN 'bật đèn xanh' về khả năng điều chỉnh room tín dụng ngân hàng

06:18, 27/08/2022
Những tin ngân hàng gây chú ý tuần qua như: OCB phát hành 5 triệu cổ phiếu ESOP; VPBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa 22.377 tỷ đồng;...

Ngân hàng OCB phát hành 5 triệu cổ phiếu ESOP

Ngân hàng OCB (mã: OCB) thông báo sẽ phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (ESOP) với tổng giá trị phát hành là 50 tỷ đồng.

Tỷ lệ phát hành là 0,365% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, với giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian nhận tiền mua cổ phiếu từ ngày 5/9 đến 17/9.

OCB cho biết cổ phiếu mới phát hành theo chương trình ESOP chịu hạn chế chuyển nhượng 4 năm kể từ ngày phát hành, sau mỗi năm được chuyển nhượng 25%.

Mục đích phát hành là giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của cơ quan chức năng. Theo đó, việc phát hành lượng cổ phiếu ESOP còn giúp ngân hàng tăng trưởng quy mô, tăng năng lực cạnh tranh và đáp ứng kế hoạch mở rộng mạng lưới giao dịch của OCB.

tin-ngan-hang-noi-bạt

Mới đây, HĐQT OCB công bố nghị quyết về việc sẽ triển khai việc tăng vốn điều lệ năm 2022 thêm 4.127 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Ngân hàng OCB sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 4.127 tỷ đồng thông qua việc phát hành 412,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 30%. Nguồn vốn thực hiện chia thưởng được trích từ các nguồn thuộc vốn chủ sở hữu đã được kiểm toán tại ngày 31/12/2021.

Phương án tăng vốn nêu trên sẽ được thực hiện sau khi OCB hoàn thành việc tăng vốn điều lệ thêm 50 tỷ đồng qua phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP và thêm 8,82 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (ngân hàng Aozora – Nhật Bản).

Thống đốc NHNN \'bật đèn xanh\' về khả năng điều chỉnh room tín dụng

Số liệu từ NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng đạt 9,4% tính đến cuối tháng 7, không có nhiều thay đổi so với dữ liệu vào cuối tháng 6 (9,3%). Điều này cho thấy, các ngân hàng đã cạn room nên không thể đẩy vốn ra thị trường. 

Nhiều ngân hàng đã dùng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng của mình trong nửa đầu năm và việc giải ngân mới hiện tại khá nhỏ giọt. Một số ngân hàng như Techcombank, TPBank,... đã phải cân đối lại cơ cấu cho vay vốn của mình bằng cách bán bớt danh mục trái phiếu doanh nghiệp để có thêm "room" giải ngân cho khách hàng.

Dù cả doanh nghiệp và ngân hàng đều rất mong chờ được nới room tín dụng, nhưng đến nay NHNN vẫn giữ quan điểm thận trọng trong việc này.

Các chuyên gia cho rằng, việc thận trọng trong tăng trưởng tín dụng là cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi áp lực lạm phát ngày càng gia tăng và tỷ lệ tín dụng/huy động vốn từ thị trường 1 (tiền gửi của doanh nghiệp và người dân) đã đạt 99%, đồng nghĩa với hệ thống ngân hàng huy động được 100 đồng thì cho vay tới 99 đồng. Tuy nhiên, không nên quá lo ngại mà bóp nghẹt thị trường để có thể tận dụng được cơ hội phục hồi.

Trong khi các chuyên gia đều có chung nhận định cho rằng, có thể nới thêm 1- 2% room tín dụng cho năm nay, từ 14% lên 15% - 16% vẫn nằm trong tầm kiểm soát của NHNN. Trong cuộc làm việc việc giữa Thủ tướng với các bộ ngành, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đã "bật đèn xanh" về khả năng điều chỉnh room tín dụng cho một số ngân hàng từ nay cho tới cuối năm.

Theo lãnh đạo NHNN, việc cấp \'room\' sẽ dựa trên chất lượng tài sản, quy mô hoạt động của từng ngân hàng. Thứ hai là xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN.

tin-ngan-hang-noi-bat-3
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: BaoChinhphu)

Khả năng hoàn thành tăng vốn trong năm 2022 tại Vietcombank là không chắc chắn

Tin ngân hàng đáng quan tâm tuần qua là những triển vọng ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm.

Cụ thế, các chuyên gia của VDSC đã có những đánh về triển vọng cũng như rủi ro của nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và nhóm các ông lớn tư nhân như Techcombank, MB, VPBank, ACB, HDBank trong thời gian tới. Trong đó, đáng chú ý nhất là trường hợp tại Vietcombank.

Theo VDSC, ngân hàng Vietcombank khả năng hoàn thành tăng vốn trong năm 2022 là không chắc chắn, trong khi việc nhận chuyển giao ngân hàng cũng không thể dự phóng về lợi ích và điểm rơi thời gian. Vietcombank tương đối ổn định trước các khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản nhờ mức độ phơi nhiễm phù hợp. Bên cạnh đó ngân hàng không phân bổ nhiều tín dụng cho các nhà phát triển bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

Với mức trích lập thận trọng trong nửa đầu năm, VDSC cho rằng ngân hàng sẽ dễ dàng vượt qua biến động từ việc phân loại lại nợ cơ cấu trong nửa cuối năm. Tăng trưởng bảng cân đối vẫn sẽ tích cực dù hạn mức tăng trưởng tín dụng không chắc chắn. NIM dự kiến đi ngang so với nửa đầu năm ở mức 3,3% dù lãi suất huy động tăng.

Lợi nhuận trước thuế 2022-2023 không bị ảnh hưởng nhiều bởi điều chỉnh dự phóng, duy trì ở mức 36.900 tỷ (tăng 35%) và 41.400 tỷ (tăng 12%), đồng nghĩa lợi nhuận tăng trưởng 41% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm. Chi phí tín dụng sẽ là yếu tố tăng trưởng then chốt còn NIM sẽ đóng góp tích cực.

Tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng giảm đều xuống mức không đáng kể (0,2%) trong 6 tháng đầu năm, giảm áp lực trích lập dự phòng và tạo dư địa hoàn nhập vào cuối năm. Dư nợ cơ cấu đã giảm đáng kể từ mức 10.500 tỷ năm 2021 xuống 8.000 tỷ trong Q1/22 và lần lượt 6.500 tỷ vào tháng 4 và 5.000 tỷ vào tháng 5 trước khi đạt 4.000 tỷ vào quý II/2022.

Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 0,6%, trong đó 0,1% là được chuyển nhóm sớm. Đà phục hồi năng lực tài chính của các KH đã cải thiện chất lượng nợ và giúp chi phí tín dụng giảm 9%.

tin-ngan-hang-noi-bat-vietcombank
(Nguồn: VDSC)

VPBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa 22.377 tỷ đồng

Tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua là thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của VPBank (mã: VPB) thêm tối đa 22.377 tỷ đồng đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu đã được ĐHCĐ VPBank thông qua tại Nghị quyết số 10 ngày 29/4 và HĐQT thông qua tại Nghị quyết số 208 ngày 1/7.

Tại kỳ họp ĐHCĐ thường niên 2022, cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ thành hai đợt. Đầu tiên, ngân hàng sẽ chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 50%, từ các nguồn lợi nhuận chưa chia, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Thời gian thực hiện vào quý II hoặc quý III. Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ sẽ tăng từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng. 

Đợt thứ hai, VPBank dự kiến phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ. Mức giá phát hành sẽ do HĐQT quyết định theo thoả thuận, đàm phán giữa hai bên nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của VPBank. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng ít nhất 1 năm từ ngày hoàn tất đợt phát hành.

Nếu hoàn thành đợt tăng vốn thứ hai, vốn điều lệ sẽ tăng lên 79.334 tỷ đồng, đứng đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Mới đây, ngân hàng đã hoàn thành một phần kế hoạch khi phát hành thành công 30 triệu cổ phiếu quỹ VPB cho người lao động theo chương trình ESOP. Tổng số tiền thu được sau khi phát hành ESOP là 300 tỷ đồng được sử dụng để bổ sung vốn lưu động.

Tiền gửi của người dân tại ngân hàng tăng gần 320.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

Số liệu mới nhất từ NHNN, tính từ đầu năm đến nay, người dân đã mang tổng cộng gần 319.000 tỷ đồng gửi thêm vào hệ thống ngân hàng, tăng 6,02% so với đầu năm. Mức tăng số dư tiền gửi 6 tháng đầu năm nay đã cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn 30% so với năm 2020.

tin-ngan-hang-noi-bat-4

Tính bình quân, mỗi ngày người dân mang thêm gần 1.772 tỷ đồng gửi vào ngân hàng.

Tính chung hai nhóm khách hàng doanh nghiệp và người dân, hệ thống ngân hàng đã ghi nhận thêm hơn 522.500 tỷ đồng tiền gửi trong nửa đầu năm, cao hơn 36% so với cùng kỳ năm trước và 25% so với nửa đầu năm 2020.

Đà tăng mạnh dòng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng diễn ra trong bối cảnh lãi suất huy động đã tăng liên tục từ đầu năm đến nay.

Báo cáo vĩ mô mới đây của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết trong tháng 8, nhiều NHTM đã tăng lãi suất huy động thêm 0,1-0,5 điểm tùy kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động từ đầu năm tới nay đã được nhiều NHTM cổ phần điều chỉnh tăng 0,8-1 điếm %.

Các chuyên gia cho rằng mức độ biến động của lãi suất huy động sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào độ dồi dào của dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng. Thanh khoản sẽ phụ thuộc vào động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước như thời điểm nâng hạn mức tín dụng của các NHTM, cũng như hoạt động trên thị trường mở, và công cụ bán ngoại tệ.

Hoàng Long (t/h)

Tin khác

Tin Tổng hợp 6 tháng trước
(SHTT) - Nhân viên tại cửa hàng 97 Trần Duy Hưng có 02 loại chính là “Lê sữa” và “Lê nâu” đều có xuất xứ chính hãng từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng có mặt kiểm tra, đại diện cơ sở kinh doanh từ chối trả lời các câu hỏi với lý do “chỉ trông hộ cửa hàng”.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 17/7, Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa kéo dài.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 11/7, Bắc và Trung Bộ tiếp diễn những ngày nắng nóng gay gắt, từ chiều tối về đêm có mưa rào rải rác.
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Mới đây, Vinhomes đã tung chính sách bán hàng “khủng chưa từng có” với khoản hỗ trợ lãi suất lên tới hơn 3 năm cho khách hàng mua căn hộ
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Bùng nổ quyết tâm, khát khao mạnh mẽ và tràn đầy khí thế trong từng khoảnh khắc là hình tượng của các chiến binh sales tham gia lễ kick-off Crystal Holidays Harbour Vân Đồn - dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô bậc nhất tại Quảng Ninh thời điểm hiện tại.