SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Ngân hàng áp đảo trong cuộc đua trái phiếu

05:53, 17/09/2022
Tuần qua, nhiều tin ngân hàng gây chú ý như: Ngân hàng tiếp tục áp đảo trong cuộc đua trái phiếu tháng 8/2022; biến động nhân sự cấp cao; Thêm ngân hàng nhóm Big4 gia nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động;...

Ngân hàng tiếp tục áp đảo trong cuộc đua trái phiếu tháng 8/2022

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tháng 08/2022 có 26 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (gồm 23 đợt phát hành từ tổ chức tín dụng và 3 từ doanh nghiệp) và một đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị hơn 14.200 tỷ đồng.

Trong đó, 26 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với giá trị là 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng của CTCP Nông Nghiệp BAF Việt Nam, trị giá 300 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng thương mại đứng đầu về giá trị phát hành với giá trị là 11.730 tỷ đồng, với Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) phát hành nhiều nhất (3.300 tỷ đồng). Theo sau là Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) với 2.800 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (HOSE: VCB) với 1.690 tỷ đồng.

Nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng thứ hai, phát hành 1.800 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có 1 đợt phát hành từ CTCP Fuji Nutri Food và 1 đợt của CTCP Đầu Tư và Kinh Doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH).

tin-ngan-hang-3
Nguồn: VBMA

Lũy kế 8 tháng đầu năm, nhóm ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt gần 119.633 tỷ đồng, tương đương 54,2% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 91.998 tỷ đồng, chiếm 76,9%.

Nhóm Bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 47.060 tỷ đồng, chiếm 21,3%.

Còn khoảng 200.000 tỷ room tín dụng chưa được phân bổ cho các ngân hàng

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến 26/8 đạt 9,91%, tương đương mức tăng 1.035.008 tỷ đồng so với đầu năm. Với mục tiêu tăng trưởng 14%, trong 4 tháng cuối năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn có thể tăng thêm 4,09%, tương đương quy mô khoảng 427.163 tỷ đồng.

Ngày 7/9 vừa qua, NHNN đã thông báo hạn mức tín dụng mới cho các ngân hàng thương mại (NHTM). Trong đó, có chưa đến một nửa số lượng ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng mới và có sự phân hóa.

Cụ thể, nhóm NHTM được cấp hạn mức cao vào đầu năm (15%) tiếp tục nhận được một hạn mức lần hai cao có Vietcombank, MB và HDBank. Nhóm NHTM được cấp hạn mức tín dụng 10% vào đầu năm có sự phân hóa, Sacombank nhận hạn mức lần hai cao nhất, theo sau là OCB, VIB và ACB, trong khi đó, nhóm còn lại nhận được hạn mức tín dụng thấp hơn đáng kể hoặc không được nới thêm.

Một số ngân hàng nhận hạn mức tín dụng thấp vào đầu năm (7%) cũng nhận được một dư địa khá trong đợt nới room tín dụng lần này như Agribank (3,5%) hay SHB (3,2%).

Theo ước tính của các đơn vị phân tích, lượng room tín dụng được phân bổ trong đợt vừa qua mới chỉ đạt 175.000 – 200.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa, vẫn còn khoảng hơn 200.000 tỷ room tín dụng chưa được NHNN phân bổ.

Chứng khoán Rồng Việt cho rằng đợt phân bổ tín dụng mới đây của NHNN là khá thận trọng so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm 2022; do vậy, vẫn còn có thêm một đợt nới room nữa trong nửa sau của quý IV/2022.

Đồng quan điểm, các chuyên gia của Chứng khoán VCBS cho rằng, hạn mức tín dụng tăng thêm nhưng khá thấp so với kỳ vọng. VCBS duy trì dự báo về hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14% và được phân bổ theo nhiều đợt với khả năng 2-3%/đợt.

Tin ngân hàng biến động nhân sự cấp cao

Tuần qua, tin ngân hàng đáng quan tâm là sự biến động nhân sự cấp cao tại nhiều ngân hàng.

Cụ thể, Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank) vừa công bố quyết định bổ nhiệm ông Phạm Huy Thông giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) GPBank.

Đồng thời, ngân hàng này cũng công bố các quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo cấp cao đối với ông Hồ Hữu Minh giữ chức vụ Thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc GPBank; ông Nguyễn Quang Trung giữ chức vụ Thành viên HĐTV GPBank; bà Nguyễn Thị Hương giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc GPBank.

Thời hạn giữ chức vụ của các ông, bà được bổ nhiệm nêu trên là 5 năm kể từ ngày 07/09/2022. Tân Chủ tịch GPBank Phạm Huy Thông sinh năm 1979, trình độ thạc sĩ Quản trị kinh doanh.

tin-ngan-hang-2
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà (bên phải) trao hoa và quyết định bổ nhiệm cho ông Phạm Huy Thông - Chủ tịch HĐTV GPBank ngày 9/9/2022. (Ảnh: GPBank).

Trước khi gia nhập GPBank, ông Thông từng công tác tại VietinBank và đảm nhiệm nhiều vị trí tại nhà băng này, kể như: Phó Giám đốc, Giám đốc Chi nhánh TP Hà Nội; Phó Tổng Giám đốc. Giai đoạn từ tháng 9/2013 – 5/2014, ông là người được ủy quyền công bố thông tin của VietinBank.

Đến tháng 7/2015, sau khi GPBank được NHNN mua lại với giá \'0 đồng\', ông Phạm Huy Thông được điều động và bổ nhiệm giữ chức thành viên HĐTV kiêm Tổng giám đốc GPBank.

Tân Tổng Giám đốc GPBank Hồ Hữu Minh cũng là một nhân sự cũ của VietinBank, từng làm Giám đốc chi nhánh Bắc Kạn, Phó phòng  Phê duyệt tín dụng trụ sở chính của nhà băng này.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa công bố quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Hiếu người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và Thị trường Tài chính.

Trước khi gia nhập NCB, ông Hiếu từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các tổ chức tín dụng như: Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB); Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB); Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)…

Vừa qua, NCB cũng đã bổ nhiệm bà Hoàng Thị Bích Liên giữ chức vụ Giám đốc Khối Vận hành ngân hàng.

Việc bổ nhiệm các cán bộ lãnh đạo nhiều kinh nghiệm có ý nghĩa đặc biệt với NCB trong thời điểm Ngân hàng đang quyết tâm thực hiện đề án tái cơ cấu nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Huy động được gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ

Theo báo cáo mới nhất của Kho bạc Nhà nước (KBNN), tính đến ngày 31/8/2022, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ (TPCP) phát hành là 99.582 tỷ đồng (không bao gồm 5.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ tổ chức đấu thầu vào ngày 31/8/2022, phát hành vào ngày 5/9/2022). Con số này bằng 24,9% kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ năm 2022 (400.000 tỷ đồng).

Thống kê cho thấy, kỳ hạn phát hành bình quân là 13,91 năm; kỳ hạn còn lại danh mục là 9,17 năm; lãi suất phát hành bình quân là 2,56%/năm.

Kỳ hạn phát hành bình quân của TPCP là 13,91 năm; kỳ hạn còn lại bình quân của danh mục TPCP là 9,17 năm; lãi suất phát hành bình quân là 2,56%/năm.

Thời gian tới, Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành ngân quỹ đảm bảo nhu cầu thanh toán, chi trả của ngân sách nhà nước và các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước (nội tệ, ngoại tệ). Đồng thời, bám sát tình hình thị trường, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính để triển khai việc phát hành trái phiếu chính phủ đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của ngân sách trung ương, duy trì mặt bằng lãi suất phát hành hợp lý.

Kho bạc Nhà nước cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan đánh giá lại nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ để báo cáo Bộ Tài chính định hướng phát hành trái phiếu chính phủ những tháng cuối năm 2022 cho phù hợp.

Thêm ngân hàng nhóm Big4 gia nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động

Tuần qua, ‘ông lớn’ Vietinbank tăng lãi suất huy động là một trong những tin ngân hàng đáng chú ý. Nhà băng này cho hay đang triển khai chương trình ưu đãi cộng thêm lãi suất tới 0,5%/năm cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 1 đến 24 tháng trên VietinBank iPay.

Cụ thể, tại kỳ hạn từ 1 tháng đến 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng, khách hàng sẽ được cộng thêm 0,4%/năm đối với khoản tiền gửi dưới 5 tỷ đồng và  0,5%/năm đối với khoản tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên. Với các kỳ hạn dài hơn 13, 18, 24 tháng, khách hàng sẽ được cộng thêm 0,4%/năm so với gửi tại quầy, không yêu cầu số tiền gửi.

Như vậy, khi gửi tiết kiệm online, lãi suất kỳ hạn 1-6 tháng sẽ rơi vào khoảng 3,5-4,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 6-6,1%/năm. Lãi suất ở các kỳ hạn 13,18 và 24 tháng khi gửi online sẽ là 6%/năm. Đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất trong các ngân hàng TMCP Nhà nước.

tin-ngan-hang-1
Chương trình ưu đãi cộng thêm lãi suất tới 0,5%/năm của VietinBank. (Nguồn: VietinBank).

12 ngân hàng Việt vừa được Moody’s nâng hạng tín nhiệm

Theo cập nhật mới nhất được Tổ chức xếp hạng Moody\'s Investors Service (Moody’s), 12 ngân hàng Việt đã được tổ chức này nâng hạng tín nhiệm.

Danh sách này được công bố ngay sau khi Moody\'s nâng mức xếp hạng quốc gia của Việt Nam lên 1 bậc, từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định.

Cụ thể, Moody\'s đã nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 8 ngân hàng lên 1 bậc và nâng 1 bậc đối với xếp hạng rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác với 7 ngân hàng.

Các ngân hàng được cập nhật xếp hạng lần này là Ngân hàng ABBank, Ngân hàng Vietcombank, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng LienVietPostBank, Ngân hàng OCB, Ngân hàng SHB, Ngân hàng SeABank, Ngân hàng TPBank, Ngân hàng Agribank, Ngân hàng VIB, Ngân hàng VietinBank và Ngân hàng MSB.

tin-ngan-hang

Trong đó, 8 ngân hàng được nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn bao gồm Vietcombank, BIDV, OCB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB và VietinBank. 7 ngân hàng được nâng hạng về rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác bao gồm BIDV, Agribank, VietinBank, ABBank, LienVietPostBank, SHB và MSB.

Cũng trong lần đánh giá này, Moody’s điều chỉnh triển vọng xếp hạng của các ngân hàng Agribank, BIDV, OCB, SeABank, TPBank, VIB, Vietcombank và VietinBank từ ổn định sang tích cực. Trong khi đó, triển vọng xếp hạng của ABBank, LienVietPostBank và MSB vẫn ổn định và triển vọng tín nhiệm của SHB vẫn giữ ở tích cực.

Theo Moody\'s, việc nâng xếp hạng tiền gửi và tổ chức phát hành của Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank là khó có thể xảy ra vì các ngân hàng này hiện có cùng mức với xếp hạng chủ quyền Ba2 của Việt Nam.

Việc nâng cấp xếp hạng tiền gửi và tổ chức phát hành của TPBank, OCB, SeABank và VIB cũng khó xảy ra vì yêu cầu nâng cấp nhiều bậc về sức mạnh tín dụng độc lập hoặc đánh giá tín dụng cơ bản.

Xếp hạng tiền gửi và tổ chức phát hành của MSB, ABBank, LienVietPostBank và SHB có thể được nâng hạng nếu sức mạnh tín dụng độc lập được cải thiện dẫn đến việc nâng cấp đánh giá tín dụng cơ bản.

Đáng lưu ý, Moody\'s cho hay, tổ chức này có thể hạ bậc xếp hạng tiền gửi của Agribank, ABBank, BIDV, LienVietPostBank, MSB, OCB, SeABank, SHB, TPBank, VIB, Vietcombank và VietinBank nếu xếp hạng chủ quyền của Việt Nam bị hạ hoặc nếu cơ quan xếp hạng đánh giá rằng sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các ngân hàng suy giảm.

Hoàng Long (t/h)

Tin khác

Tin Tổng hợp 6 tháng trước
(SHTT) - Nhân viên tại cửa hàng 97 Trần Duy Hưng có 02 loại chính là “Lê sữa” và “Lê nâu” đều có xuất xứ chính hãng từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng có mặt kiểm tra, đại diện cơ sở kinh doanh từ chối trả lời các câu hỏi với lý do “chỉ trông hộ cửa hàng”.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 17/7, Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa kéo dài.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 11/7, Bắc và Trung Bộ tiếp diễn những ngày nắng nóng gay gắt, từ chiều tối về đêm có mưa rào rải rác.
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Mới đây, Vinhomes đã tung chính sách bán hàng “khủng chưa từng có” với khoản hỗ trợ lãi suất lên tới hơn 3 năm cho khách hàng mua căn hộ
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Bùng nổ quyết tâm, khát khao mạnh mẽ và tràn đầy khí thế trong từng khoảnh khắc là hình tượng của các chiến binh sales tham gia lễ kick-off Crystal Holidays Harbour Vân Đồn - dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô bậc nhất tại Quảng Ninh thời điểm hiện tại.