SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 18/04/2024
  • Click để copy

Tin Ngân hàng nổi bật trong tuần: Loạt ngân hàng báo lỗ quý 4/2021; Hơn 2,26 triệu khách hàng được miễn, giảm lãi suất

11:35, 22/01/2022
Ngành ngân hàng tuần qua chứng kiến loạt thông tin đáng chú ý như: Nhiều nhà băng nhỏ báo lỗ nặng trong quý 4/2021 như Saigonbank, NCB; lãi suất huy động rục rịch tăng tại nhiều ngân hàng.

Loạt ngân hàng báo lỗ quý 4/2021

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank - Mã: SGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV với lợi nhuận năm 2021 đạt hơn 154 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ, vượt 14% kế hoạch năm (135 tỷ đồng).

Tính riêng quý IV, ngân hàng ghi nhận lỗ trước thuế hơn 40 tỷ đồng, giảm so với số lỗ của cùng kỳ 2020 là 56 tỷ đồng.Theo đó, thu nhập lãi thuần giảm 5,9% xuống còn 135,9 tỷ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối giảm lần lượt 40,7% và 15%.

Ở chiều tích cực, thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần tăng gấp 89 lần cùng kỳ từ 1,2 tỷ đồng lên gần 107 tỷ đồng.

Không chỉ Saigonbank, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank - BVB) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với khoản lỗ trước thuế là 74 tỷ đồng.

Phía ngân hàng cho biết chuyển từ lãi ở báo cáo cùng kỳ năm trước sang lỗ ở kỳ này chủ yếu do tác động bất lợi của dịch COVID-19, đồng thời ngân hàng cũng thực hiện chính sách miễn giảm lãi, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí,... cho khách hàng.

Dù vậy, dễ thấy chi phí hoạt động tăng 33,9% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 33,6%, có giá trị lên đến 474 tỷ đồng cũng góp phần khiến ngân hàng này phải chịu khoản lỗ trước thuế trong quý IV/2021.

Tương tự tại ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, HNX: NVB) báo lãi trước thuế năm 2021 vỏn vẹn hơn 2,3 tỷ đồng, chủ yếu do trích các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc.

Tính riêng trong quý 4/2021, kết quả kinh doanh của NCB nhìn chung kém khả quan khi hoạt động chính sụt giảm 72% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 171 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Các nguồn thu ngoài lãi lại tăng trưởng hơn so với cùng kỳ như lãi từ dịch vụ (gấp 2.6 lần), lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư (gấp 3.7 lần), lãi từ hoạt động khác (gấp 3 lần). Riêng hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận khoản lỗ hơn 21 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 9 tỷ đồng.

Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của NCB giảm 55% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 220 tỷ đồng. Trong quý 4, NCB dành ra hơn 97 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 10 lần cùng kỳ. Thêm vào đó, Ngân hàng trích hơn 326 tỷ đồng cho các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc. Do đó, NCB báo lỗ hơn 203 tỷ đồng trong quý 4, cùng kỳ năm trước nhà băng này chỉ lỗ gần 25 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng ghi nhận lợi nhuận quý 4/2021 giảm mạnh như PGBank, ABBank.

Hơn 2,26 triệu khách hàng được miễn, giảm lãi suất

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đên các ngân hàng đã miễn, giảm lãi suất cho trên 2,26 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,9 triệu tỷ đồng. Các ngân hàng cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch Covid-19 với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 7,6 triệu tỷ đồng cho khoảng 1,32 triệu khách hàng.

Tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm cho khách hàng khoảng gần 37.500 tỷ đồng trong gần 2 năm qua. Trong đó, 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 30/11/2021 cho khách hàng là khoảng 18.095 tỷ đồng, đạt 87,78% so với cam kết.

Còn đối với chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 68, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân trên 63 tỉnh, thành phố với số tiền hơn 2.011 tỷ đồng đối với 2.333 doanh nghiệp sử dụng lao động để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất cho 530.474 lượt người lao động.

Ngoài ra, các tổ chức cũng đã miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch Covid-19. Ước tính số lượng giao dịch được miễn phí chiếm khoảng 80%. Dự kiến tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và qua hệ thống chuyển mạch bù trừ (hệ thống Napas) đã giảm cho khách hàng từ năm 2020 đến hết năm 2021 khoảng 2.557 tỷ đồng và giảm trên 250 tỷ đồng tiền khai thác dịch vụ thông tin tín dụng trong năm 2021.

Năm 2022 các ngân hàng tiếp tục không được chia cổ tức bằng tiền mặt

Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục triển khai quyết liệt, thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Các TCTD cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2022 để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh tốt.

Bên cạnh đó, các TCTD cần xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính năm 2022 bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ, NHNN.

Thống đốc cũng giao các ngân hàng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, chú trọng chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu. Trong đó, tín dụng cần hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật liên quan, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng.

Ngoài ra, các nhà băng cũng phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp...; thực hiện cho vay bằng ngoại tệ theo chủ trương của Chính phủ và NHNN về hạn chế tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế.

Ngân hàng rục rịch tăng lãi suất huy động

Tháng đầu  tiên năm 2022, đường đua lãi suất huy động tiết kiệm bỗng sôi nổi trở lại. Mức cao nhất trên thị trường hiện nay là 11,6%/năm thuộc về Ngân hàng (NH) TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) áp dụng đối với tháng gửi đầu tiên trong kỳ hạn 15 tháng tiết kiệm Prime Savings, cao hơn mức cũ 1%/năm.

Trước đó, một số nhà băng cũng điều chỉnh tăng lãi huy động tiết kiệm tiền đồng từ 0,15 - 0,4%/năm.

Chẳng hạn ngày 18/1, Techcombank tăng lãi suất tiết kiệm tiền đồng kỳ hạn 36 tháng 0,3 - 0,4%/năm, lên 5,2 - 5,4%/năm tùy theo khách hàng trên hay dưới 50 tuổi.

Sacombank tăng lãi suất 0,1 - 0,2%/năm, mức lãi suất cao nhất là 6,8%/năm cho kỳ hạn 36 tháng… SCB cũng vừa tăng lãi tiết kiệm thêm 0,15%/năm ở các kỳ hạn, mức lãi suất cao nhất của nhà băng này là 7%/năm ở kỳ hạn 12 tháng. Trường hợp khách hàng gửi tiết kiệm online, mức lãi suất cao nhất là 7,35%/năm.

Từ ngày 10/1, biểu lãi suất huy động tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được điều chỉnh tăng từ 0,1 - 0,3%/năm so với tại hầu hết các kỳ hạn so với ghi nhận hồi tháng trước.

Trong đó, các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng có cùng mức tăng là 0,15% điểm %; kỳ hạn 4 tháng tăng 0,1 điểm % còn kỳ hạn 5 tháng chỉ tăng 0,05 điểm %. Đặc biệt, từ kỳ hạn 6 tháng đến 36 tháng, ngân hàng này điều chỉnh tăng đồng loạt 0,2 điểm % cho mỗi kỳ hạn.

Tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), biểu lãi suất được điều chỉnh tăng chủ yếu ở hình thức gửi tiết kiệm online áp dụng từ ngày 14/1.

Theo đó, lãi suất tiền gửi online tại Nam A Bank có sự điều chỉnh tăng cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Do đó, phạm vi lãi suất tiền gửi online trong tháng này dao động từ 3,95%/năm đến 7,4%/năm, trải dài từ kỳ hạn 1 - 36 tháng.

Mức lãi suất Ngân hàng Nam Á cao nhất đang được ghi nhận hiện là 7,4%/năm được áp dụng cho các khoản tiền gửi online có kỳ hạn 16 - 36 tháng.

Bước sang tháng 1/2022, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Đông Á tiếp tục điều chỉnh tăng tại nhiều kỳ hạn và có lãi suất cao nhất là 6,5%/năm được áp dụng cho tiền gửi ở kỳ hạn 13 tháng lãi cuối kỳ đối với mức lãi suất theo khung 365 ngày/năm.

Theo các chuyên gia, việc tăng lãi suất huy động lần này trước mắt chưa ảnh hưởng đến lãi suất cho vay bởi sự việc chỉ mang tính chất thời điểm.

Ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam phát hành thẻ bằng nhựa tái chế

Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC Việt Nam (HSBC Việt Nam) vừa cho ra mắt loại thẻ thanh toán bằng nhựa PVC tái chế (recycled Polyvinyl chloride – rPVC). Thẻ mới được làm từ 85% nhựa tái chế có nguồn gốc từ chất thải công nghiệp.

Đây là một trong những động thái nằm trong chiến lược giảm phát thải các-bon và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không (net-zero) trong vận hành và chuỗi cung ứng của Tập đoàn vào năm 2030 hoặc sớm hơn.

Ngân hàng này có tham vọng loại bỏ hoàn toàn thẻ PVC nhựa dùng một lần vào cuối năm 2026 và thay bằng thẻ nhựa rPVC.

Chương trình chuyển đổi thẻ sẽ bắt đầu được triển khai từ tháng 1/2022 với thẻ tín dụng Premier MasterCard, thẻ ghi nợ Premier và thẻ ghi nợ Visa Chuẩn. Việc chuyển đổi đối với các sản phẩm thẻ khác dự kiến sẽ áp dụng từ tháng 5/2022.

Nhằm tận dụng tối đa vòng đời sử dụng của thẻ hiện tại, khách hàng sẽ nhận được thẻ nhựa tái chế thay thế sau khi thẻ cũ hết hạn.

Tín dụng tăng tốc trong tháng cuối cùng 2021, các ngân hàng bơm 253.000 tỷ đồng ra nền kinh tế

(Nguồn: Báo cáo SSI Research).

Trong Báo cáo thị trường tiền tệ tuần 10/1 - 14/1/2022, Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tăng trưởng tín dụng tiếp tục ghi nhận mức tăng tương đối mạnh trong những ngày cuối tháng 12.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 12, tín dụng đạt 10,4 triệu tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2020.

Như vậy, tương tự như diễn biến cuối năm 2020, tín dụng đã tăng tốc trong giai đoạn cuối năm 2021 khi chỉ tính trong tháng 12, các ngân hàng thương mại đã cho vay thêm khoảng 253.000 tỷ đồng, tăng 38% so với tổng mức cấp tín dụng mới trong tháng 11.

Trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng ở mức 14% và NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất và mục tiêu có thể cắt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5 - 1% trong hai năm.

Hà Phương (t/h)

vnfinance.vn

Tin khác

Tin Tổng hợp 6 tháng trước
(SHTT) - Nhân viên tại cửa hàng 97 Trần Duy Hưng có 02 loại chính là “Lê sữa” và “Lê nâu” đều có xuất xứ chính hãng từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng có mặt kiểm tra, đại diện cơ sở kinh doanh từ chối trả lời các câu hỏi với lý do “chỉ trông hộ cửa hàng”.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 17/7, Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa kéo dài.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 11/7, Bắc và Trung Bộ tiếp diễn những ngày nắng nóng gay gắt, từ chiều tối về đêm có mưa rào rải rác.
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Mới đây, Vinhomes đã tung chính sách bán hàng “khủng chưa từng có” với khoản hỗ trợ lãi suất lên tới hơn 3 năm cho khách hàng mua căn hộ
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Bùng nổ quyết tâm, khát khao mạnh mẽ và tràn đầy khí thế trong từng khoảnh khắc là hình tượng của các chiến binh sales tham gia lễ kick-off Crystal Holidays Harbour Vân Đồn - dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô bậc nhất tại Quảng Ninh thời điểm hiện tại.