SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 27/03/2024
  • Click để copy

Tìm ra loại thuốc điều trị HIV chỉ cần tiêm 1 lần 1 năm

11:13, 08/05/2020
(SHTT) - Các nhà khoa học tại Trung tâm Y tế Nebraska tại Omaha, Mỹ bắt đầu nghiên cứu một loại thuốc điều trị HIV mới giúp người bệnh chỉ cần tiêm 1 lần 1 năm thay vì theo định kỳ vài tháng như hiện nay.

Các nhà khoa học tại Trung tâm y tế Nebraska tại Omaha, Mỹ đã điều chế ra một loại thuốc điều trị HIV với hy vọng bệnh nhân sẽ chỉ phải dùng thuốc một lần mỗi năm. Dự án này vẫn đang ở trong giai đoạn đầu, thử nghiệm trên động vật. Mục tiêu của các nhà khoa học là tạo ra một loại thuốc trị HIV để tiêm vào cơ thể hàng năm để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm bệnh, hoặc kiểm soát virus trong cơ thể ở những người nhiễm HIV.

Các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu thuốc này từ một loại thuốc đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng có tên cabotegravir. Đây là một thuốc tiêm có công dụng phòng ngừa và điều trị HIV có tác dụng kéo dài khoảng từ 1-2 tháng/lần.

Các nhà khoa học đã biến đổi cabotegravir thành một ‘prodrug’ – một chất trơ mà khi vào cơ thể sẽ chuyển sang dạng hoạt tính. Trong thử nghiệm, sự biến đổi này diễn ra dần dần và thuốc đã có thể kéo dài tác dụng điều trị trong vòng một năm trên cơ thể chuột nhiễm bệnh tham gia vào phòng thí nghiệm.

Bác sĩ Howard Gendelman, trưởng phòng dược học và khoa học thần kinh thực nghiệm tại trung tâm Nebraska cho biết: Dù kết quả bước đầu trên động vật rất khả quan, nhưng chúng ta vẫn còn một quãng đường dài để có thể tiến hành trên người.

Cabotegravir được điều chế bởi công ty ViiV Healthcare, Hoa Kỳ. Thuốc nay thuộc một nhóm thuốc HIV mới gọi là chất ức chế integrase, hoạt động bằng cách chặn một enzyme mà virus cần để tạo ra bản sao và phát tán.

Hiện các thử nghiệm khác về thuốc này cũng đang được tiến hành để kiểm chứng xem liệu tiêm cabotegravir vào cơ thể những người có nguy cơ cao nhiễm HIV sau mỗi 8 tuần có làm giảm khả năng nhiễm bệnh không (phòng ngừa) và kiểm chứng khả năng duy trì sự ức chế virus ở những người đã nhiễm HIV (điều trị). Ở những thử nghiệm này, người bệnh được tiêm thuốc hàng tháng và dùng bổ sung thuốc rilpivirine.

Các thuốc điều trị HIV qua đường uống, có mặt trên thị trường vào những năm 1990, đã làm thay đổi cục diện của đại dịch này. Hiện tại chưa có phương pháp trị dứt bệnh, nhưng nếu người bệnh tuân thủ dùng thuốc có thể ức chế virus dưới ngưỡng phát hiện. Tuy nhiên, theo Bác sĩ Melanie Thompson, nguyên chủ tịch Hiệp hội thuốc HIV, cho biết: Thử thách lớn nhất của chúng ta hiện tại là làm sao để người bệnh tuân thủ đúng liệu trình. Uống thuốc hàng ngày suốt đời không phải là điều dễ dàng. Người bệnh có thể quên uống thuốc, hoặc quên thuốc khi đi du lịch. Họ cũng có thể bị hết thuốc hoặc không có đủ tiền mua thuốc.

Vì vậy, các thuốc có tác dụng kéo dài có thể là một phương án điều trị tốt hơn, giúp người bệnh không phải uống thuốc hàng ngày nữa.

Tuy nhiên, BS Thompson cũng lo ngại về tính an toàn nếu thuốc tồn đọng trong cơ thể người quá lâu. Một câu hỏi nữa bác sĩ Thompson đặt ra là điều gì sẽ xảy ra khi thuốc mất tác dụng. Liệu nó có đột ngột mất tác dụng, hay sẽ từ từ mất hiệu lực? Trong trường hợp thứ hai, virus có thể phát triển các cơ chế kháng thuốc. Lo ngại về tính an toàn cũng nằm ở chỗ thuốc có thể tương tác với các thuốc khác: Điều gì sẽ xảy ra khi người bệnh có thai, hoặc phải dùng một loại thuốc điều trị nhiễm khuẩn khác. Khi sử dụng thuốc có tác dụng trong một năm, thay vì 1- 2 tháng, các vấn đề này còn nghiêm trọng hơn nữa.

Bác sĩ Gendelman cho biết dù thuốc tiêm cabotegravir hiện đang được thử nghiệm có thể giúp bệnh nhân không phải uống thuốc hàng ngày, nhưng họ vẫn sẽ phải thường xuyên tới bệnh viện để tiêm. Cảm giác khó chịu sẽ dai dẳng trong vài ngày. Đó là lí do tại sao ông và đồng nghiệp Benson Edagwa quyết định thực hiện dự án mới phát triển thuốc dùng mỗi năm  một lần này.

Edagwa, một nhà hóa học, làm thay đổi cấu trúc của cabotegravir để nó trở thành một tinh thể nano. Sau khi được tiêm, một lượng lớn của chất này được tích trữ ở cơ và một lượng khác đi vào gan và lách. Theo thời gian, các enzyme của cơ thể từ từ chuyển hóa nó thành thuốc hoạt tính. Ít nhất thì điều này đã xảy ra trên chuột bạch và khỉ. Tuy nhiên, kết quả trên người có thể sẽ khác trên động vật.

Thompson cho biết chúng ta cần nhiều nghiên cứu trên động vật hơn để đánh giá tính an toàn. Bác sĩ cũng nói rằng nếu một phiên bản tiêm một lần mỗi năm của thuốc được sử dụng để điều trị HIV, nó cũng sẽ phải được dùng kèm với một thuốc có tác dụng lâu dài khác, vì HIV không bao giờ được điều trị chỉ với một loại thuốc.

Bình An

Tin khác

Khoa học Công nghệ 5 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ FDA (Hoa Kỳ), họ đã phê duyệt liệu pháp điều trị cho một loại bệnh phổi hiếm gặp do công ty dược phẩm Merck phát triển. Điều này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc cung cấp các phương pháp điều trị hiệu quả cho những người mắc bệnh này.
Khoa học Công nghệ 6 giờ trước
(SHTT) - Mới đây các nhà khoa học đã tạo ra một ứng dụng trên điện thoại thông minh giúp phát hiện tài liệu giả mạo. Dự án thử nghiệm của ứng dụng này dự kiến sẽ được thực hiện tại Zurich vào cuối tháng 3.
Khoa học Công nghệ 13 giờ trước
(SHTT) - Trong nghiên cứu mới đây, một lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng đã được phát hiện ở dòng chip M tùy chỉnh của Apple có thể khiến người dùng Mac dễ bị tin tặc tấn công.
Khoa học Công nghệ 13 giờ trước
(SHTT) - Với iOS 18, Apple sẽ cung cấp nhiều tùy chọn cá nhân hóa hơn cho người dùng iPhone bằng cách sử dụng tùy chỉnh màn hình chính cho phép tạo khoảng trống, hàng và cột giữa các biểu tượng ứng dụng.
Khoa học Công nghệ 13 giờ trước
(SHTT) - Nissan đã vạch ra kế hoạch mới nhằm điện khí hóa 16 trong số 30 mẫu xe mà họ sản xuất đến năm 2026, đồng thời công ty cũng đặt mục tiêu làm cho xe điện có mức giá phải chăng hơn.