SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Tiến sĩ Việt kiều khởi nghiệp từ việc sáng chế phần mềm công nghệ

09:55, 16/03/2023
Rời Anh quốc sau hơn 30 năm sinh sống và làm việc, tiến sĩ Hồ Điệp về nước khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nghiên cứu và sáng chế phần mềm công nghệ trên thị trường chưa có.

Tiến sĩ Hồ Điệp (sinh năm 1973) - Giám đốc Công ty TNHH Mạng Giáo Dục (Edunet) - chuyên phát triển IoT, AI. Trước khi thành công trong lĩnh vực phát triển phần mềm công nghệ, TS. Điệp từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Toán học tại trường Warwick University và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại City University (London – Anh quốc) vào năm 2000.

Với hơn 30 năm sinh sống và làm việc tại Anh quốc, TS. Hồ Điệp từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong nhiều lĩnh vực từ ngân hàng đến các quỹ đầu tư của Châu Âu, giảng viên đại học đến chuyên viên tài chính cấp cao của các công ty lớn.

Tiến sĩ Anh quốc về nước khởi nghiệp, sáng chế thiết bị công nghệ

Sau nhiều năm làm việc tại Anh quốc, năm 2010, TS. Điệp quyết định về Việt Nam để khởi nghiệp. Công ty mạng giáo dục Edunet là công ty mà TS. Điệp và các cộng sự đã dồn vào đó rất nhiều tâm huyết. Hiện công ty đang cung cấp các giải pháp công nghệ khá đa dạng trên nhiều lĩnh vực, IT outsourcing, thiết kế website, phát triển phần mềm ứng dụng và game trên thiết bị di động...

Lý giải về việc lựa chọn Việt Nam là nơi để khởi nghiệp, TS. Điệp cho biết đây là một thị trường giàu tiềm năng để phát triển kinh tế, đặc biệt rất thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm phần mềm công nghệ.

Screenshot_86

Tiến sĩ Hồ Điệp hiện là Giám đốc Công ty TNHH Mạng Giáo Dục (Edunet).

“Lúc tôi về nước, so với thế giới Việt Nam không phải là nước phát triển mạnh, đặc biệt là ở lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, Việt Nam lúc đấy là nước đang phát triển, đang dần chuyển đổi hướng công nghệ để đẩy mạnh nền kinh tế. Các doanh nghiệp trong nước ưu tiên lựa chọn những sản phẩm công nghệ hiện đại hơn. Tôi nhận thấy đây là thị trường tiềm năng, trong tương lai khi có nhiều khách hàng đặt hàng sản phẩm, thiết bị công nghệ, nên việc khởi nghiệp ở lĩnh vực này tại Việt Nam rất có triển vọng”, TS. Điệp chia sẻ.

TS. Điệp cho biết ông cùng các cộng sự của mình đã nghiên cứu và phát triển những sản phẩm công nghệ trên thị trường chưa có. Theo ông, những sản phẩm công nghệ càng khó làm, Edunet lại càng có hứng thú để nghiên cứu, tìm tòi ý tưởng mới.

“Edunet chúng tôi rất chú trọng việc nghiên cứu những sản phẩm có tính mới, tính ứng dụng cao, đặc biệt là những sản phẩm trên thị trường chưa có và không ai dám làm. Để đưa ra thị trường một sản phẩm công nghệ mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, phát triển và kinh phí, nên hiện nay rất ít doanh nghiệp chịu làm những sản phẩm như vậy. Do đó, các sản phẩm của Edunet rất ít khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp khác”, TS. Điệp bày tỏ.

Đối với TS. Điệp cái khó lớn nhất không phải là không nghiên cứu, sáng chế ra sản phẩm mà chính là không dám làm. Chính yếu tố này đã thúc đẩy được sự thành công của Edunet trên lĩnh vực khoa học công nghệ.

Screenshot_85

Tiến sĩ Hồ Điệp lắp đặt máy đo độ mặn 4.0 trên kênh Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang.

Hiện tại Edunet đang phát triển và cung cấp các sản phẩm liên quan đến lĩnh vực về IoT, AI, từ cung cấp các giải pháp công nghệ đa dạng trên nhiều lĩnh vực như quảng cáo chiếu sáng hiện đại, camera giám sát an ninh thông minh, năng lượng mặt trời tích hợp pin dự trữ thông minh thế hệ mới đến rất nhiều sản phẩm công nghệ vi sinh vật đầy mới lạ, hay các thiết bị đo lường và cảnh báo độ mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long,...

Trong thời gian tới, Edunet tiếp tục đa dạng hóa danh mục các sản phẩm, giải pháp và dịch vụ mới như những giải pháp về “metaverse” ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, bất động sản, chăm sóc sức khỏe… xây dựng trên nền tảng web, hỗ trợ nhiều thiết bị truy cập đồng thời và tương tác trực tiếp với nhau như đang diễn ra trong thế giới thật.

Đặt biệt là ứng dụng công nghệ không gian vũ trụ ảo trực tuyến (metaverse) trong lĩnh vực du lịch – một trong những chương trình xúc tiến kích cầu du lịch mà UBND TP.HCM đã xây dựng - để kích thích phục hồi và phát triển kinh tế thành phố thời kỳ hậu Covid-19 hiện nay.

Mới đây, Edunet kết hợp cùng Viện Y dược Việt ra mắt Lab R&D (nghiên cứu và phát triển) công nghệ tại TP.HCM. Đây là nơi sẽ nghiên cứu và phát triển các thiết bị công nghệ ứng dụng cho sinh học y dược, chiết xuất dược liệu và bào chế mẫu: Quan trắc sinh học, ứng dụng công nghệ để nghiên cứu cơ bản dược liệu Việt Nam, sản xuất thử nghiệm đầu cuối từ dược liệu Việt Nam, ứng dụng công nghệ trong theo dõi các chỉ số sức khỏe cơ bản, hỗ trợ bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân…

Con đường khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ

Để đạt được thành công như hiện tại, TS Điệp cùng những cộng sự đã trải qua nhiều khó khăn. Được biết, sau khi trở về từ Anh quốc, TS Điệp đảm nhận vị trí chuyên viên tài chính cao cấp cho một số công ty lớn trong nước để học hỏi và tích lũy thêm kinh nghiệm. Đồng thời, với tấm bằng tiến sĩ chuyên ngành Toán học, TS Điệp trở thành giảng viên chuyên ngành Tài chính, Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Quốc tế – ĐHQG TP.HCM và thành lập Công ty TNHH Mạng Giáo Dục (Edunet).

Năm 2014, Edunet được thành lập với mảng giáo dục, khởi đầu với hoạt động IT outsourcing. Tuy nhiên, sau 4 năm hoạt động IT outsourcing không phát triển ổn định, thậm chí là không đủ kinh phí để duy trì và trả lương cho nhân sự. Ngay sau đó, TS. Điệp phát triển mảng thiết kế website, nhận thiết kế website cho các công ty nước ngoài. Mặc dù đã mở rộng mảng hoạt động, Edunet vẫn không có nhiều bước bứt phá, hiệu quả cho công ty.

lanh-dao-thanh-pho-tham-QTSC-04

 Tiến sĩ sĩ thiệu phần mềm ứng dụng cho các đoàn tham quan khi đến thăm phòng Labs.

Dù gặp khó khăn, đôi lúc có nản chí nhưng niềm đam mê với khoa học công nghệ và nhìn thấy được thị trường công nghệ trong tương lai tại Việt Nam, TS. Điệp quyết định đưa Edunet phát triển bằng việc nghiên cứu và sáng chế các thiết bị công nghệ.

Khi bắt đầu nghiên cứu và sáng chế các thiết bị công nghệ, Edunet tự nghiên cứu xu hướng, công nghệ và tự làm ra sản phẩm theo xu hướng công nghệ hiện hành. Tuy nhiên, sản phẩm dù có chất lượng tốt vẫn chưa được khách hàng đón nhận.

Đến năm 2020, Edunet chuyển văn phòng đến Tòa nhà R&D Labs - Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC). Dưới sự hỗ trợ của QTSC, Edunet đã cải tiến sách lược, dựa trên đơn đặt hàng của khách hàng và khả năng của công ty để nghiên cứu và phát triển sản phẩm dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng, trải rộng ra các mảng từ công nghệ, y dược, IoT.

Đặc biệt, khi hoạt động trong QTSC, công ty được QTSC hỗ trợ kết nối với các đơn vị đối tác, cũng như trở thành điểm đến tham quan, giới thiệu công nghệ cho các đơn vị tham quan, từ đó tiếp xúc được với các khách hàng mới. Ngoài ra, công ty còn có cơ hội tiếp xúc, làm quen với các doanh nghiệp khác trong QTSC, cùng nhau hợp tác trong các dự án lớn khác. Chính nhờ bước cải tiến chiến lược tiếp cận khách hàng đã giúp công ty thành công trong lĩnh vực phát triển sản phẩm công nghệ.

Công ty vừa lấy lại chút khởi sắc, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nền kinh tế có nước gặp khó khăn, Edunet cũng không ngoại lệ.

Đứng trước khó khăn chung của nền kinh tế, Edunet đã tận dụng tốt lợi thế của mình biến nguy thành cơ hội để phát triển vững mạnh trên thị trường bằng những ứng dụng, phần mềm, thiết bị để hỗ trợ kiểm tra, giám sát những người nhiễm bệnh (F0) coronavirus như vòng đeo tay cách ly thông minh,… Từ đó từng bước khẳng định vị trí của mình, cung cấp các giải pháp công nghệ phần mềm cũng như những sản phẩm thiết bị phần cứng với giá cả hợp lý và tiết kiệm nhất cho khách hàng.

Thanh Thảo

Tin khác

Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Tạp Chí Time công danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới 2024, trong đó có 3 Chủ nhân Giải đặc biệt VinFuture 2023 là GS. Daniel Joshua Drucker (Canada), GS. Joel Francis Habener và PGS. Svetlana Mojsov (Hoa Kỳ).
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Ford đang triển khai chiến dịch triệu hồi hơn 450.000 chiếc Bronco Sport và Maverick. Nguyên nhân là do ắc quy 12-volt có thể đột ngột hết điện, nhất là trong lúc xe dừng đèn đỏ.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá ngành công nghiệp bán dẫn đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, với quy mô trên 520 tỷ USD năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Patlytics là một nền tảng phân tích bằng sáng chế được hỗ trợ bởi AI, nhằm giúp các doanh nghiệp, chuyên gia sở hữu trí tuệ và công ty luật tăng tốc quy trình làm việc liên quan đến bằng sáng chế.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - Spotify không phải là công ty duy nhất thử nghiệm việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo danh sách phát. Amazon vừa thông báo họ cũng sẽ làm điều tương tự, và hiện đang thử nghiệm một công cụ tạo danh sách phát AI - Maestro.