SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 23/04/2024
  • Click để copy

Tiến sĩ Dương Thị Thùy Vân và hành trình theo đuổi đam mê

15:46, 08/06/2020
(SHTT) - Tiến sĩ Dương Thị Thùy Vân được biết đến là nữ tiến sĩ Việt Nam đầu tiên nhận bằng sáng chế của Mỹ. Bằng sự miệt mài học tập, say mê nghiên cứu khoa học, chị đã mang về cho mình những thành quả đáng ghi nhận.

Không ai nghĩ rằng ngành công nghệ thông tin lại hợp với phụ nữ. Thế nhưng sự thật đó đã được TS. Dương Thị Thùy Vân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin ứng dụng, trường ĐH Tôn Đức Thắng đúc kết ra từ chính bản thân mình.

Hành trình đến với đam mê

Chia sẻ về cơ duyên đến với con đường đầy chông gai này, chị Thùy Vân tâm sự: "Tốt nghiệp THPT vào năm 2000, cũng như nhiều học sinh thời đó, ngay khi được tuyển thẳng vào đại học, tôi đã chọn ngành Sư phạm Toán của Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Tuy nhiên, sự cố máy tính năm 2000 (còn được gọi là sự cố Y2K) là một thảm họa của ngành điện tử và công nghệ thông tin, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng trên toàn thế giới và truyền thông liên tục đưa tin về những giải pháp khắc phục hậu quả. Những tin tức thế giới và trong nước về sự cố Y2K và giải pháp khắc phục hậu quả đã khiến tôi tò mò về ngành này.

Tôi băn khoăn tại sao chỉ là một sự cố mà làm cả thế giới rối lên như vậy, gây thiệt hại nặng nề như vậy? Phải chăng điều này chứng tỏ ngành công nghệ thông tin càng ngày càng có tầm ảnh hưởng rất lớn đến mọi lĩnh vực? Từ những suy nghĩ đó, tôi quyết định bảo lưu ngành Sư phạm Toán để chuyển sang nhập học ngành Công nghệ thông tin".

duong thi thuy van

 Chân dung nữ tiến sĩ Việt Nam đầu tiên nhận bằng sáng chế của Mỹ

Năm 2010, chị Thùy Vân tiếp tục học nghiên cứu sinh và hoàn thành luận án tiến sĩ ngành công nghệ thông tin vào năm 2015. Chuyên ngành mà chị theo đuổi là các giải pháp về phần mềm, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.

Khi bảo vệ luận án tiến sĩ, chị đã có 8 bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI và Scopus, một kết quả ít ai ngờ tới đối với nữ nghiên cứu sinh trong ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Nữ tiến sĩ Việt Nam đầu tiên nhận bằng sáng chế của Mỹ

Chỉ sau một năm bảo vệ thành công luận án, TS. Dương Thị Thùy Vân mạnh dạn đăng ký đề tài “Hệ thống điều hòa không khí thông minh” ở Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (USPTO).

Sáng chế này cũng giúp chị trở thành nữ tiến sĩ Việt Nam đầu tiên nhận bằng sáng chế của Mỹ.

Chia sẻ về sáng chế đặc biệt, chị cho hay: "Từ chỗ quan sát, lưu ý, rồi tìm hiểu và nhận biết được nhu cầu thực tế rằng: “mỗi người thích nghi với một phạm vi nhiệt độ khác nhau tùy thuộc vào lứa tuổi, thể trạng, tâm lý, quốc tịch, giới tính…”. Nhiệt độ phù hợp nhất sẽ tạo ra môi trường phục hồi tối ưu cho bệnh nhân. Hiện nay tại các bệnh viện, trung tâm điều dưỡng, trung tâm dưỡng lão… mỗi phòng thường có nhiều bệnh nhân khác nhau và họ đang phải chịu cùng nhiệt độ chung của phòng. Do đó, sẽ có bệnh nhân cảm thấy thoải mái, nhưng có bệnh nhân cảm thấy nóng hoặc lạnh quá.

Chúng tôi quyết định nghiên cứu và đề xuất giải pháp thiết lập nhiệt độ cụ thể khác nhau cho mỗi giường bệnh trong cùng một phòng. Quá trình nghiên cứu trải qua khoảng 01 năm để hoàn thiện từ ý tưởng đến giải pháp, thử nghiệm giải pháp. Khi đã có kết quả thử nghiệm, chúng tôi viết hồ sơ đăng ký Bằng sáng chế (Patent) gửi Cục sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (USPTO). Quá trình phản biện (review) hồ sơ được USPTO thực hiện rất nghiêm ngặt. Sau gần 1 năm nữa, USPTO Hoa Kỳ đã đồng ý cấp Bằng sáng chế công nghệ cho nhóm chúng tôi".

duong thi thuy van 1

 

Chỉ cần theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn

Là phụ nữ làm kỹ thuật, chị Thùy Vân cũng gặp nhiều khó khăn trên con đường theo đuổi đam mê của mình. Tuy vậy chị vẫn không bao giờ nản chí: "Theo cá nhân tôi, không có ngành, nghề nào dành riêng cho nam hay nữ. Yếu tố quyết định cho sự thành công trong ngành nghề là “lòng đam mê và trái tim nhiệt huyết”. Hãy cứ đam mê, cứ nhiệt huyết theo đuổi những gì mình muốn, mình thích ắt sẽ vượt qua mọi khó khăn, rào cản".

duong thi thuy van 2

 

"Tôi có đặc tính là rất kiên định với mục tiêu nên luôn tập trung và đặt hết tâm sức vào mục tiêu đã đặt ra. Do đó, khi gặp khó khăn tôi luôn nỗ lực để vượt qua, không cho phép bản thân chán nản, lệch lạc mục tiêu ban đầu. Tôi cho rằng, con đường nào cũng có nhiều chông gai. Vấn đề là khi gặp phải những rào cản, cám dỗ, chúng ta có đủ kiên định để đi tiếp con đường đã chọn hay không", chị Vân bộc bạch thêm.

Dù đã gặt hái được nhiều thành công nhưng TS Dương Thị Thùy Vân vẫn còn trăn trở: Việt Nam không thiếu các nhà khoa học tầm cỡ quốc tế. Cái thiếu của chúng ta chính là sự kết hợp và thiếu tầm nhìn. Với xu thế hiện nay, các lĩnh vực nghiên cứu đều phải có sự liên kết và tích hợp để giải quyết những vấn đề mà xã hội đang cần. Nếu giải quyết được tình trạng mỗi người mỗi ngành và gắn kết giữa nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng thì chắc chắn số bằng phát minh, sáng chế quốc tế của Việt Nam sẽ không thua kém các quốc gia trong khu vực và quốc tế.

Hương Mi

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.