SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 02/11/2024
  • Click để copy

Tiền cọc thấp khiến nhà đầu tư dễ 'xù' thanh toán, chấp nhận bỏ cọc sau trúng đấu giá đất

07:30, 28/01/2022
(SHTT) - Do bất cập về quy định nộp "tiền đặt trước" có giá trị thấp hơn rất nhiều so với giá trúng đấu giá, nên đã có một số trường hợp nhà đầu tư trúng đấu giá nhưng "xù" không thanh toán, chấp nhận mất tiền cọc.

Đề xuất bỏ đấu giá “bằng mồm”

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS), nhà ở, khu đô thị để ngăn ngừa lợi dụng đấu giá để thổi giá đất, chọn được nhà đầu tư có năng lực.

Qua các cuộc đấu giá 4 lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) ngày 10/12/2021 đã cho thấy rõ các “bất cập” và sự cần thiết phải sớm sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016 và các pháp luật có liên quan, nhằm xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản, không làm thất thu ngân sách Nhà nước, không làm thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai, không để bị lợi dụng đấu giá để trục lợi bất chính.

HoREA nhận định: “Đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị hoàn toàn khác biệt với đấu giá từng nền nhà, từng căn hộ hoặc đấu giá một bức tranh, một món đồ cổ, hay đấu giá tài sản thanh lý…”.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA.

Vì vậy, cần xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị nhằm lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực. HoREA cho rằng, nhà nước cần phải kiểm soát, quản lý ba vấn đề quan trọng.

Thứ nhất, đánh giá chất lượng dự án đầu tư theo đề xuất của nhà đầu tư mà hiện nay Luật Đấu giá tài sản 2016 chưa có quy định này.

Thứ hai, đánh giá năng lực của nhà đầu tư, trước hết là có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư (được quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 58 Luật Đất đai 2013) mà hiện nay Luật Đấu giá tài sản 2016 chưa có quy định này.

Thứ ba, ngăn ngừa việc lợi dụng đấu giá để thổi giá đất, tạo mặt bằng giá đất ảo để đầu cơ đất đai làm nhiễu loạn thị trường, trục lợi bất chính.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nhận định, tùy theo loại tài sản đấu giá mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lựa chọn áp dụng hình thức đấu giá phù hợp. Đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị thì phù hợp nhất là áp dụng hình thức “đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá”, hoặc hình thức “đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp” theo quy định tại Điều 42, Điều 43 Luật Đấu giá tài sản 2016; trên cơ sở nghiên cứu vận dụng tương tự phương thức “đấu thầu 2 giai đoạn 2 túi hồ sơ” (quy định tại Điều 31 Luật Đấu thầu 2013)”.

Trong đó ở giai đoạn 1, cơ quan có thẩm quyền xem xét báo cáo khả thi dự án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất, để chọn ra "danh sách ngắn" các nhà đầu tư có đề xuất có tính khả thi và đạt chuẩn điểm số theo hồ sơ mời đấu giá (có thể đạt từ 70 điểm trở lên như quy định của pháp luật về đấu thầu).

Ở giai đoạn 2, tổ chức cuộc đấu giá đối với các nhà đầu tư trong "danh sách ngắn" theo hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá hoặc đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp để lựa chọn nhà đầu tư trúng đấu giá quy định tại Điều 42, Điều 43 Luật Đấu giá tài sản 2016.

Chủ tịch HoREA kiến nghị, không nên áp dụng hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá (quy định tại Điều 41 Luật Đấu giá tài sản 2016) đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh BĐS, nhà ở, khu đô thị, như đã thực hiện trong thời gian qua vì không phù hợp.

Tiền cọc thấp khiến nhà đầu tư dễ “xù” thanh toán

Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị sửa đổi quy định nộp “tiền đặt trước” để được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất nhằm thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị.

Theo đơn vị này, quy định nộp tiền đặt trước hiện nay có giá trị thấp hơn rất nhiều so với giá trúng đấu giá nên trong thực tế đã có một số trường hợp nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng sau cuộc đấu giá đã "xù" không thanh toán tiền trúng đấu giá, chấp nhận chịu mất tiền đặt trước.

Sau vụ đấu giá Thủ Thiêm bộc lộ nhiều bất cập trong đấu giá đất. 

Hoặc có trường hợp nhà đầu tư dây dưa kéo dài việc thanh toán, như trường hợp đấu giá mặt bằng 23 Lê Duẩn, quận 1, TP HCM vào năm 2014, mãi đến năm 2017 mới chấp nhận thanh toán tiền trúng đấu giá và nộp phạt do chậm thanh toán.

Gần đây nhất là cuộc đấu giá lô đất 3 - 12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm có giá khởi điểm 2.942 tỷ đồng, tiền đặt trước là 588,4 tỷ đồng nhưng giá trúng đấu giá lên đến 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần giá khởi điểm và gấp 41 lần tiền đặt trước.

“Nhà đầu tư trúng đấu giá là Công ty Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã xin chấm dứt hợp đồng mua bán lô đất 3.12 và chấp nhận bị mất số tiền cọc 588,4 tỷ đồng, qua đó để lại các hệ lụy tiêu cực", Chủ tịch HoREA phân tích.

Hay trước đó, thương vụ đấu giá mặt bằng 23 Lê Duẩn, quận 1 TPHCM năm 2014 cũng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, mãi đến năm 2017 mới chấp nhận thanh toán tiền trúng đấu giá và nộp phạt do chậm thanh toán.

Ngoài ra, HoREA cũng cho rằng, quy định về “tiền đặt trước” tại Điều 39 Luật Đấu giá 2016 chưa thống nhất với các quy định pháp luật về chứng khoán, của Bộ luật Dân sự 2015.

Theo đó, HoREA kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thay thế quy định về “tiền đặt trước” của Luật Đấu giá tài sản 2016 bằng quy định về “bảo đảm đấu giá” hoặc “tiền đặt cọc đấu giá” để đảm bảo sự thống nhất của các quy định pháp luật và bổ sung các quy định.

Hải Lan

vnfinance.vn

Tin khác

Kinh tế 10 giờ trước
(SHTT) - Sau nho sữa, từ đầu tháng 10 trở lại đây thêm một loại nho “quý tộc” có tên “trái tim mùa thu” từ Trung Quốc đã tràn sang chợ Việt với giá cực rẻ. Đây là giống nho nổi tiếng của Nhật Bản, được xếp vào hàng trái cây “quý tộc” vì giá đắt đỏ.
Kinh tế 10 giờ trước
(SHTT) - Thực phẩm an toàn (TPAT) là vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và ảnh hưởng tới tiến trình hội nhập. Bởi vậy, các sở, ngành cấp tỉnh đã và đang tích cực cùng chính quyền các địa phương thực hiện nhiều giải pháp phát triển chuỗi cung ứng TPAT.
Kinh tế 10 giờ trước
(SHTT) - Trong công tác phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn, điều kiện về an toàn thực phẩm (ATTP) luôn đứng hàng đầu. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng vi phạm VSATTP dưới nhiều hình thức, tạo ra “khe hở” trong việc kiểm soát ATTP.
Kinh tế 17 giờ trước
(SHTT) - Cục Bảo vệ thực vật Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa báo cáo về kiểm tra nho nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó liên quan tới tin tức kết quả kiểm tra nho sữa phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ Thái Lan.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Giá xăng dầu mới được liên Bộ Công Thương - Tài chính thông báo điều chỉnh từ 15h00 chiều nay (31/10).