SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Thương vụ TikTok rơi vào bế tắc, tương lai của TikTok sẽ về đâu?

04:46, 07/09/2020
Thương vụ TikTok dường như rơi vào bế tắc khi mới đây chính phủ Trung Quốc bổ sung lệnh cấm xuất khẩu công nghệ, khiến các cuộc đàm phán phải bắt đầu lại.

Sau nhiều tuần cân nhắc, hãng công nghệ đa quốc gia ByteDance của Trung Quốc được cho là sắp công bố tên công ty được lựa chọn trong cuộc đua nhằm mua lại hoạt động tại Mỹ của ứng dụng chia sẻ video TikTok. Ba cái tên sáng giá trong thương vụ này là Microsoft, Walmart và Oracle.

Theo CNBC, ByteDance đã ra quyết định cuối cùng và có thể sẵn sàng thông báo ngay, song quy định mới về cách thức xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc đã làm chậm các cuộc đàm phán.

Tin tức về các cuộc đàm phán nhằm mua lại hoạt động tại Mỹ của TikTok bắt đầu xuất hiện sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp, đặt thời hạn đến ngày 15/9 ByteDance phải chấm dứt mọi hoạt động ở Mỹ, trừ khi Microsoft hoặc công ty nào đó của Mỹ mua lại cổ phần và đạt được một thỏa thuận.

Động lực của ba "ông lớn" Microsoft, Walmart và Oracle trong việc mua lại TikTok là rất rõ ràng. Trong khi Microsoft có thể sử dụng TikTok để tạo ấn tượng mạnh hơn với những người dùng trẻ tuổi thì đối với Walmart, TikTok mang đến cơ hội phát triển mảng kinh doanh quảng cáo và thương mại điện tử. Tương tự, Oracle cũng quan tâm đến việc sử dụng nền tảng này để thúc đẩy hoạt động kinh doanh tiếp thị và các công cụ đám mây của mình.

Tuy nhiên, cuối tháng 8, khi các phương tiện truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin ByteDance đã chọn được đối tác bán lại TikTok và sẽ sớm công bố vào ngày 1/9 thì mới đây chính phủ Trung Quốc bất ngờ bổ sung danh mục hàng công nghệ cấm được xuất khẩu. Theo đó, TikTok phải được sự đồng ý của chính quyền Bắc Kinh nếu muốn bán mình cho một công ty Mỹ. Quyết định này khiến mọi cuộc thương thảo trước đây phải tiến hành lại.

Theo Reuters, ByteDance và các công ty muốn mua TikTok đang xem xét bốn lựa chọn để thương vụ được tiếp tục.

Đầu tiên, ByteDance sẽ bán TikTok mà không kèm thuật toán. Điều này sẽ khiến thương vụ được đẩy nhanh tiến độ, sau đó, chủ sở hữu mới sẽ đưa ra giải pháp thay thế. Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ đánh giá thuật toán đề nghị video cho người dùng là "xương sống" của TikTok. Nếu không có thuật toán AI này, thương vụ chẳng khác gì đi mua một chiếc xe hơi hạng sang nhưng bên trong gắn một cỗ máy tuềnh toàng. Lựa chọn này có lợi cho TikTok nhưng các đối tác từ Mỹ sẽ khó chấp nhận.

Phương án thứ hai là ByteDance có thể đàm phán với Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) để kéo dài thời hạn hoặc tìm kiếm một cơ hội mới sau tháng 11 khi bầu cử Mỹ kết thúc.

Kịch bản thứ ba là TikTok phải thương lượng với chính quyền Trung Quốc để được bán thuật toán cho công ty Mỹ. Lựa chọn này cũng không mấy khả quan bởi các nhà phân tích cho rằng chính quyền Bắc Kinh bổ sung lệnh cấm là muốn nhắm thẳng vào thương vụ TikTok. Ngay sau đó, ByteDance cũng nói rằng họ sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của quốc gia.

Cuối cùng, chủ sở hữu mới của TikTok có thể mua quyền sử dụng thuật toán của TikTok từ ByteDance. Tuy nhiên, khả năng này cũng không quá khả quan vì chính phủ Mỹ dường như muốn TikTok phải được bán đứt cho công ty Mỹ. Họ không muốn ứng dụng này có mối liên hệ với công ty mẹ ở Trung Quốc.

Phía ByteDance cho biết, công ty này sẽ tuân thủ quy định của chính phủ Trung Quốc. Bloomberg mới đây đưa tin, nhóm pháp lý của ByteDance và các nhà đàm phán thương vụ đang cố gắng tìm hiểu liệu còn cửa tiến hành thương vụ TikTok mà không cần đến sự chấp thuận của cả Mỹ và Trung Quốc.

Các nhà phân tích đánh giá, quy định mới đây của Bắc Kinh đặt ByteDance vào những lựa chọn, hoặc là kéo dài mảng kinh doanh TikTok tại thị trường Mỹ quá thời hạn mà ông Trump yêu cầu (ngày 15/9) hoặc rút lui hoàn toàn khỏi thỏa thuận bán TikTok và đối diện nguy cơ bị cấm cửa ở Mỹ

TikTok được ByteDance phát triển từ thương vụ mua lại ứng dụng Musical.ly trị giá 1 tỷ USD vào năm 2017. Đến nay, TikTok trở thành hiện tượng mạng xã hội ở Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. ByteDance cho biết hơn 100 triệu người Mỹ thường xuyên sử dụng TikTok, chủ yếu là thanh thiếu niên.

ByteDance là doanh nghiệp 100% vốn tư nhân và được định giá khoảng 100 tỷ USD. Năm ngoái, khi quan hệ Mỹ - Trung xấu đi, chính quyền Trump đã đưaTikTok và ByteDance vào tầm ngắm.

Tháng 11/2019, Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ, một hội đồng quyền lực chuyên xem xét các thương vụ M&A của nước ngoài, đã mở cuộc điều tra về việc ByteDance mua lại Musical.ly sau khi các nhà lập pháp Mỹ lên tiếng lo ngại TikTok đang chuyển dữ liệu của người dùng Mỹ về Bắc Kinh. Còn phía TikTok đã phủ nhận hành vi này.

Hà Linh (T/H)/SHTT

Tin khác

Tin Tổng hợp 6 tháng trước
(SHTT) - Nhân viên tại cửa hàng 97 Trần Duy Hưng có 02 loại chính là “Lê sữa” và “Lê nâu” đều có xuất xứ chính hãng từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng có mặt kiểm tra, đại diện cơ sở kinh doanh từ chối trả lời các câu hỏi với lý do “chỉ trông hộ cửa hàng”.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 17/7, Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa kéo dài.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 11/7, Bắc và Trung Bộ tiếp diễn những ngày nắng nóng gay gắt, từ chiều tối về đêm có mưa rào rải rác.
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Mới đây, Vinhomes đã tung chính sách bán hàng “khủng chưa từng có” với khoản hỗ trợ lãi suất lên tới hơn 3 năm cho khách hàng mua căn hộ
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Bùng nổ quyết tâm, khát khao mạnh mẽ và tràn đầy khí thế trong từng khoảnh khắc là hình tượng của các chiến binh sales tham gia lễ kick-off Crystal Holidays Harbour Vân Đồn - dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô bậc nhất tại Quảng Ninh thời điểm hiện tại.