SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 27/03/2024
  • Click để copy

Thương vụ Grab mua lại Uber: "Ảnh hưởng cạnh tranh, người tiêu dùng và tài xế"

10:42, 25/05/2018
(SHTT) - Nhắc tới vụ Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á, đại biểu Phạm Quang Thanh (Hà Nội) nói, vụ mua bán này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường cạnh tranh, quyền lợi người tiêu dùng, tài xế Việt.
grab uber

Thương vụ Grab mua lại Uber: "Ảnh hưởng cạnh tranh, người tiêu dùng và tài xế". Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ

Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Nhắc tới vụ Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á, đại biểu Phạm Quang Thanh (Hà Nội) nói, vụ mua bán này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường cạnh tranh, quyền lợi người tiêu dùng, tài xế Việt. Đây là vụ việc điển hình mua bán sáp nhập, tập trung kinh tế thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng lại ảnh hưởng lớn đến cạnh tranh thị trường trong nước.

Ông Thanh cho rằng, nếu không có cơ sở pháp lý để xử lý, những hành vi tương tự sẽ xảy ra trong tương lai. Cơ quan chức năng khó có thể can thiệp để đảm bảo môi trường cạnh tranh quốc gia lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh công nghiệp 4.0 lan rộng.

Do đó, theo đại biểu Thanh, qua vụ Grab mua Uber cần mở rộng phạm vi điều chỉnh luật đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài trong Luật Cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng.

"Nhiều thương vụ tập trung kinh tế dù diễn ra bên ngoài lãnh thổ vẫn ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. Nhiều quốc gia đã ghi nhận thẩm quyền này dù chế tài xử lý tương đối khó. Nếu không có quy định mở rộng phạm vi thì khó có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nhiều doanh nghiệp không cần hiện diện thương mại tại Việt Nam nhưng vẫn gây ảnh hưởng tại Việt Nam", ông Thanh nhấn mạnh.

Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) lần này đã có chỉnh sửa, điều chỉnh trên cơ sở tiếp thu toàn diện các ý kiến góp ý của đại biểu, cũng như các chuyên gia.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, Luật Cạnh tranh lần này đã có bước tiến, thay đổi rất nhiều để phù hợp với xu thế hội nhập sâu vào quốc tế. Đồng thời, luật có tính kế thừa của Luật Cạnh tranh năm 2004, cũng như phù hợp với thông lệ, luật pháp quốc tế.

Theo Bộ trưởng Công Thương, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật lần này, không còn hạn chế trên lãnh thổ Việt Nam, cụ thể là mở rộng phạm vi điều chỉnh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam với các hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế có thể gây tác động và có khả năng gây tác động đến cạnh tranh của thị trường Việt Nam.

“Điều này cho phép chúng ta có thể phục vụ và đảm bảo được môi trường cạnh tranh hiệu quả hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đặt trên thị trường Việt Nam nhưng chịu sự tác động về những hành vi phản cạnh tranh hoặc hạn chế cạnh tranh từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, điều này cũng giúp chúng ta tạo được hành lang pháp lý để điều tra, xử lý toàn diện mọi hành vi cạnh tranh dù xảy ra từ đâu” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngày 18/5, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD - Bộ Công Thương) đã ra Quyết định điều tra chính thức vụ việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam.

Theo đó, Cục CT&BVNTD sẽ tiến hành điều tra vụ việc theo đúng quy định của pháp luật cạnh tranh. Thời hạn điều tra chính thức là 180 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra chính thức; trường hợp cần thiết, có thể gia hạn không quá hai lần, mỗi lần không quá 60 ngày. Sau khi kết thúc điều tra chính thức, Cục CT&BVNTD sẽ chuyển hồ sơ vụ việc cạnh tranh để Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý theo quy định.

Sau khi kết thúc điều tra chính thức, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ chuyển hồ sơ vụ việc cạnh tranh để Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý theo quy định.

Mới đây, Bộ Công Thương cho biết, ngày 16/4/2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-CT về việc điều tra sơ bộ hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế giữa Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam liên quan đến vụ việc Grab mua lại các hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.

Tại quyết định này, Cục cho biết đã tổ chức làm việc với các bên bị điều tra, tiến hành thu thập thông tin về thị trường liên quan từ các hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. 

Quá trình điều tra sơ bộ đã xác minh các nội dung về bên bị điều tra, thị trường liên quan, thị phần kết hợp trên thị trường liên quan và dấu hiệu của hành vi vi phạm. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%.

Như vậy Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004.

Trước đó, Grab khẳng định tổng thị phần của doanh nghiệp này tại Việt Nam sau khi kết hợp với Uber vẫn thấp hơn 30%. Do đó, Grab cho rằng mình không cần phải báo cáo với cơ quan chức năng về giao dịch. Tuy nhiên, khi làm việc với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Grab chưa đưa ra được căn cứ cụ thể để chứng minh cho nhận định của mình về việc thị phần thấp hơn 30%.

Hoàng Oanh (t/h)

Tin khác

Trong nước 1 ngày trước
Được chế tác thủ công và mạ vàng thật, cúp Rồng vàng đang là điểm nhấn và thu hút sự chú ý tại giải GolfViet Spring Cup 2024.
Kinh tế 4 ngày trước
(SHTT) - Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa ra cảnh báo về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang nước này bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
Kinh tế 4 ngày trước
(SHTT) - Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP lớn của cả nước, trong đó có nhiều sản phẩm được đông đảo khách du lịch biết đến, tin dùng. Thời gian gần đây nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã có những cách làm hay, sáng tạo để những sản phẩm OCOP được vươn tầm ra quốc tế.
Kinh tế 4 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Apple đã sử dụng quyền lực và ưu thế của mình để kiểm soát thị trường điện thoại thông minh.
Tin tức 4 ngày trước
Hai hôm nay, giá vàng trong nước giảm mạnh, đặc biệt là vàng miếng SJC. Nhờ thế, giao dịch trên thị trường sôi động trở lại.